Có câu cổ ngữ rằng: “Nhà suy bại gắn liền với chữ ‘Xa’ (xa hoa), người suy bại gắn liền với chữ ‘Dật’ (an dật), khiến người ghét gắn liền với chữ ‘Kiêu’ (kiêu ngạo)”…
Kẻ thù lớn nhất của đời người không gì khác ngoài 3 chữ “Xa, Dật, Kiêu” này. Chỉ khi trong tâm ghi nhớ 3 chữ này thì mới có dũng khí chiến thắng chính mình.
1. Nhà suy bại gắn liền với chữ “Xa” (xa hoa)
Cần kiệm là một phẩm chất khó có được. Quản lý một gia đình cũng không thể thiếu cần kiệm, hiểu được tiết kiệm chi tiêu như thế nào sẽ tạo dựng một gia phong tốt cho gia đình. Ngẩng trông các bậc hiền tài trong lịch sử mới thấy thành công là do cần kiệm, thất bại là do xa hoa. Chỉ có hiểu được cuộc sống khiêm tốn thì mới lâu bền. Tu thân bằng yên tĩnh, dưỡng đức bằng cần kiệm.
Người có phẩm chất cần kiệm chất phác mới có thể khiến con cháu đời sau lấy mình làm gương, để con cháu từ bỏ thói quen xa xỉ khoe giàu sang, dày ăn mỏng làm, để chúng biết suy nghĩ rằng: để có được mỗi bát cơm bát cháo, con người phải đổ bao mồ hôi công sức, để cháu con ghi nhớ rằng làm ra mỗi sợi tơ sợi chỉ đều gian nan.
Cuộc sống vốn đã không dễ dàng, chớ vung phí bừa bãi thành quả lao động của người khác.
2. Người suy bại gắn liền với chữ “Dật” (an dật)
Sống lo toan thì chết an lạc. Đời người không thể quá an dật. Thế nên cuộc đời cần có truy cầu, trên con đường truy cầu những điều tốt đẹp, cho dù đường gập ghềnh trắc trở, cho dù vấp ngã lúc lên lúc xuống, cho dù sóng to gió lớn, nhưng không phải tất cả đều là việc xấu. Chỉ có trải nghiệm rồi thì mới biết thành tựu một việc cũng không dễ dàng gì. Quyết tâm và động lực để thành công một việc gì cũng phải dựa vào sự hăng hái và kiên trì. Chỉ có kiên trì nỗ lực không mệt mỏi thì mới có thể hun đúc thành công.
Chu dịch viết rằng: “Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ”. Con người chỉ cần sống là phải học cách tôi luyện bản thân từ trong khó khăn gian khổ, chứ không nên chìm đắm trong an lạc. Đừng cứ dựa dẫm cha mẹ, cha mẹ chỉ nuôi chúng ta nhất thời chứ không nuôi chúng ta cả đời được. Cha mẹ cuối cùng cũng sẽ già đi, khi đó cha mẹ cần dựa vào chúng ta.
Cuộc đời có truy cầu điều tốt đẹp, có cố gắng, thì mới không lãng phí tuổi thanh xuân, bởi vì tuổi thanh xuân nỗ lực là tươi đẹp nhất.
3. Khiến người ghét gắn liền với chữ “Kiêu” (kiêu ngạo)
Cuộc đời không nên kiêu ngạo, kiêu ngạo dễ khiến người ta trở nên kệch cỡm, chịu tổn thất, chỉ có khiêm tốn mới thu được ích lợi. Làm người khiêm tốn một chút thì mới có người nguyện ý gần gũi.
Chớ tự cho mình là ghê gớm xuất sắc, con mắt không dung chứa nổi hạt cát. Con người hễ kiêu ngạo nảy sinh là lơi lỏng cảnh giác trên các phương diện, họa loạn và thất bại sẽ nối đuôi nhau tìm đến.
Người khiêm tốn thường suy nghĩ về lỗi lầm bản thân. Người kiêu ngạo thường đàm luận sai trái của người khác.
Tuổi thanh xuân là đẹp nhất, nhưng tuổi thanh xuân chân chính chỉ thuộc về người mãi mãi lao động quên mình, người mãi mãi khiêm tốn.
Chỉ có khiêm tốn mới có tiến bộ. Người kiêu ngạo chỉ có thụt lùi, theo sau người khác, bởi vì quá huênh hoang, quá đắc ý thì sẽ không nghe lời khuyên của ai, cuối cùng tự hủy diệt mình trong kiêu ngạo.
Dùng thiện ý để đối đãi với mỗi người mỗi việc. Tâm nóng giận dù chưa mất hẳn, nhưng không được nổi nóng bừa bãi, bởi vì trên thế giới này, không có ai “phải tốt với bạn”, cũng không có việc gì “là lẽ đương nhiên”.
Theo aboluowang.com
Đường Vân