Nguồn ảnh: DKN

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Cổ nhân: Ba “nguyên tắc vàng” nuôi dưỡng nên một đứa trẻ hiếu thảo

By Lan Hòa

March 16, 2022

Cổ nhân có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, khi con trẻ còn hồn nhiên, ngây thơ chưa bị những thói quen, quan niệm hậu thiện tác động ảnh hưởng đến là lúc dễ dàng dạy bảo nhất, cũng chính là thời điểm tốt nhất cha mẹ nên giáo dục con cái trở thành một người con hiếu thảo, biết phép tắc và cách sống ở đời.

Có câu nói rằng: “Tiên nhập vi chủ”, vào trước thì làm chủ. Khi một người đã tiếp thụ một nhận thức về một điều gì đó rồi thì những nhận thức sau sẽ khó tiếp thụ hơn. Vì vậy, nếu chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian khi trẻ còn thơ dại để dạy bảo con cách đi đứng, ăn nói, hành vi phù hợp luân lý đạo đức thì thói quen tự nhiên sẽ hình thành. Dần dần qua thời gian lâu dài, trẻ sẽ có cách đối nhân xử thế đúng đắn, là nền tảng để thành gia lập nghiệp và có được cuộc sống thành công, hạnh phúc. Chính vì thế, việc cha mẹ quan tâm giáo dục con cái ngay từ khi còn nhỏ là điều cổ nhân vô cùng xem trọng.

Trong sách “Tam Tự Kinh” viết: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, khi cha mẹ giáo dục dạy bảo con cái thì phải có tâm kiên nhẫn và lâu dài, không thể mong cầu cấp tốc, nhanh chóng. Cổ ngữ nói: “Quảng bác bất như chuyên tinh”, ý nói học nhiều không bằng dốc lòng chuyên tâm học sâu. Người xưa khi đọc một bộ sách, một bộ kinh đều đọc đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn lần, đọc đến thuộc lòng từng chữ từng chữ. Như vậy mới có thể thấu hiểu được những đạo lý hàm chứa trong đó.

Đại thi hào Tô Đông Pha cũng nói: “Cựu thư bất yếm bách hồi độc, thục độc thâm tư tử tự tri“, ý nói sách cũ xem đi xem lại cả trăm lần cũng không chán, đọc kỹ, nghĩ sâu thì ắt sẽ tự biết. Các bậc cổ thánh tiên hiền thời xưa đều là đọc kinh thi cả trăm ngàn lần và ý nghĩa của nó sẽ tự nhiên hiển lộ ra.

Nhưng điều quan trọng nhất khi dạy con đọc sách của người xưa là phải lựa chọn kinh thi sao cho phù hợp. Bởi vì đọc kinh thi giống như việc ăn uống hàng ngày, sẽ “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ làm biến đổi tính cách, thái độ của một người. Cho nên, khi dạy trẻ người xưa thường lựa chọn các tác phẩm kinh điển như “Đệ Tử Quy”, “Tam Tự Kinh”, “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”… để giúp trẻ trước hết hiểu được phép tắc làm con, sau đến phép tắc làm người.

Về phép tắc làm người con hiếu thảo, trong sách “Đệ Tử Quy” có ghi chép rất chi tiết. Trong đó có một số nội dung trọng yếu, dù là với cha mẹ hay con cái thì đều vô cùng hữu ích.

Thứ nhất: Trừ bỏ những thói quen xấu của bản thân

Trong “Đệ Tử Quy” viết rằng: “Thân sở hiếu, lực vị cụ; Thân sở ố, cẩn vị khứ”, tức là đối với những sự việc hay hành vi mà cha mẹ yêu thích thì là người làm con phải dốc hết sức làm được. Còn đối với những sự việc hay hành vi mà cha mẹ không thích thì là người làm con cần phải cố gắng bỏ đi, thay đổi sửa chữa lại mình. Đặc biệt là những thói quen xấu của bản thân, cần phải loại bỏ đi, phải bảo vệ thân tâm của mình, tránh cho thân tâm bị dơ bẩn, để cha mẹ không lo lắng.

Tăng Tử viết: “Thân thể phát phu thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương”, ý nói rằng nhờ có cha mẹ mới có được thân thể tóc da, nên không dám để hủy hoại, đó là bắt đầu giữ đạo hiếu vậy. Ngoài ra, làm con phải chú trọng tu dưỡng phẩm đức của chính mình, không thể làm ra những sự tình tổn hại đạo đức khiến cha mẹ bị cảm thấy buồn tủi.

Không ít người cho rằng người con hiếu thảo với cha mẹ là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ cuộc sống đầy đủ. Kỳ thực, điều đó là chưa đủ. Chỉ khi con cái trở thành những người có phẩm chất đạo đức tốt, biết đối nhân xử thế, biết lễ tiết phép tắc, biết phân biệt phải trái đúng sai thì cha mẹ mới có thể an lòng. Đó cũng là cách báo hiểu đối với cha mẹ một cách thiết thực nhất.

Thứ hai: Giữ thái độ ôn hòa trong mọi tình huống

Khi cha mẹ yêu thương con thì việc người con hiếu thảo với cha mẹ là tương đối dễ dàng. Nhưng khi cha mẹ đối đãi với con cái quá nghiêm khắc, thậm chí có thái độ không yêu thích mà con cái vẫn hiếu thuận cha mẹ, đó mới là điều khó khăn nhất. Đặc biệt, khi đó người con còn có thể hiểu được tâm ý của cha mẹ mà suy ngẫm lại bản thân mình, sửa đổi bản thân mình cho tốt hơn thì đó lại là điều đáng quý nhất.

Trong “Đệ Tử Quy” viết: “Thân hữu quá gián sử canh, di ngô sắc nhu ngô thanh”, khi bản thân cha mẹ mắc lỗi thì phận làm con phải cẩn thận khuyên can. Thái độ khuyên can phải chân thành, thanh âm nhẹ nhàng, nét mặt vui vẻ hòa nhã. Điều này cũng tương đồng với quan điểm của Khổng Tử cho rằng hiếu thảo khó nhất là ở việc giữ được sắc mặt vui vẻ với cha mẹ.

Nếu khi khuyên can mà cha mẹ không tiếp nhận thì phải kiên nhẫn chờ đợi. Vào lúc thích hợp như khi cảm xúc của cha mẹ chuyển biến tốt hơn lên, hoặc khi cha mẹ vui vẻ thì tiếp tục khuyên can.

Ngay cả khi bị trách mắng, đánh đập thì phận làm con cái cũng phải khuyên can cha mẹ, tuy nhiên, không được sinh tâm oán giận, hối hận. Làm được như thế sẽ giúp cha mẹ không bị phạm thêm sai lầm hết lần này lần khác.

Thứ ba: Cung kính đối đãi, chăm sóc cha mẹ chu đáo

Trong “Đệ Tử Quy” viết: “Thân hữu tật dược tiên thường trú dạ thị bất li sàng”, khi cha mẹ bị bệnh thì phận làm con cái phải tận tâm chăm sóc. Nếu bệnh tình càng trầm trọng hơn thì con cái càng phải ngày đêm hầu hạ, không thể tùy tiện rời đi. Nếu cha mẹ không may qua đời thì con cái phải lo việc tang sự cho hợp lễ tiết, không thể qua loa, cũng không nên vì thể diện mà phô trương lãng phí.

Trong sách “Luận Ngữ” cũng có ghi chép về điểm này: “Sinh, sự chi dĩ lễ, tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ”, ý tứ rằng cha mẹ còn sống thì phải phụng sự cho hợp lễ, cha mẹ mất thì phải mai táng cho hợp lễ, cúng tế cha mẹ cho hợp lễ. Khi cúng tế cha mẹ phải thành tâm thành ý, đối đãi cung kính như khi cha mẹ còn sống trên đời.

Ngoài ra, con cái phải giữ đạo hiếu, để tang ba năm. Trong thời gian để tang cha mẹ phải thường xuyên hồi tưởng, hàm ơn ân đức sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Hơn nữa, trong cuộc sống hàng ngày cũng phải điều chỉnh, không thể ham vui hưởng thụ, tham gia yến tiệc,…

Ngày nay, có không ít người đặc biệt là những người trẻ tuổi đối với việc tang sự của cha mẹ cho rằng lễ tiết là rườm rà lạc hậu, nhưng kỳ thực đó là những lễ tiết cơ bản cần có của con cái đối với cha mẹ đã lưu truyền hàng ngàn đời nay. Nó vừa thể hiện tấm lòng hiếu đạo của con cái, vừa là tâm nguyện để cha mẹ yên lòng.

 

 

Nguồn: Quay Về Truyền Thống

Lan Hòa biên tập