Có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Con người mất 2 năm để học cách nói chuyện, nhưng phải dùng cả đời để học cách im lặng. Trong “Cảnh thế thông ngôn” thì viết rằng: “Thị phi là do nói nhiều, phiền toái do quá thể hiện”. Bởi vậy sống ở đời, có tài năng mà khiêm nhường sẽ được người đời kính nể, tự cao tự đại ắt chiêu mời phiền phức.
Thị phi là do nói nhiều
Trong “Cảnh thế thông ngôn” có ghi chép lại một câu chuyện như sau, một ngày nọ, Vương An Thạch và Tô Đông Pha chơi trò chơi đố chữ, Vương An Thạch nói rằng chữ “Pha – 坡” trong tên Tô Đông Pha là vỏ của đất (土 là đất, 皮 là vỏ), vì vậy nó là một con dốc.
Tô Đông Pha nghe xong cảm thấy không chịu, nói rằng Vương An Thạch làm sao có thể giải thích như vậy được? Chẳng lẽ chữ “trượt – 滑” là xương của nước sao (氵là bộ ba chấm thủy (nước),骨 là xương)? Vương An Thạch nghe vậy không nói nên lời.
Tô Đông Pha cứ nghĩ rằng bản thân mình tài cao vời vợi, trông thấy Vương An Thạch trả lời không được, liền muốn tiếp tục làm tới. Thế là Tô Đông Pha bắt đầu trêu chọc Vương An Thạch rằng: “Nhưng mà chữ ‘Cưu – 鸠’ thực sự là chín con chim (九 là 9, 鸟 là chim), ngài có biết tại sao không?”
Vương An Thạch rất chân thành thỉnh giáo Tô Đông Pha, Tô Đông Pha đáp rằng, “trong “Mao Thi” có viết: ‘Chim kêu ở nương dâu, có 7 chú chim non’, vậy thì tính luôn cả cha và mẹ chúng thì vừa đúng 9 con rồi phải không?” Vương An Thạch bị trêu chọc, liền nổi giận đùng đùng. Lập tức giáng Tô Đông Pha xuống làm Thứ sử ở Hồ Châu.
Trong đời sống thực tế, cũng có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy, có người nghĩ rằng bản thân mình giỏi hơn người khác về một phương diện nào đó, mà cứ nói thao thao bất tuyệt, đặc biệt là ở nơi làm việc, sự kiêu ngạo và đắc ý không chừng mực sẽ khiến người khác thấy phản cảm, từ đó nhen nhóm mầm mống tai họa.
Khi chúng ta mạnh hơn những người khác, đừng phát ngôn quá nhanh, khiêm tốn im lặng mới là chuyện đúng đắn, từ bỏ cơ hội phát huy tài năng và nhường lại một chút cho người khác, chúng ta không mất điều gì cả, mà người khác cũng sẽ vì điều đó mà vui vẻ hơn, đây là tốt cho đôi bên, ai cũng có lợi.
Khi chúng ta nhìn thấy khiếm khuyết của người khác, đừng vội nói ra điều gì trước chốn đông người mà khiến người kia rơi vào thế bất lực, không phải người khác không nhìn ra điều đó, mà là người khác họ khôn ngoan.
Đừng bình luận về người khác ở đằng sau lưng họ, chúng ta phải biết rằng tai vách mạch rừng. Giữ miệng của chính mình chính là đang giữ gìn phước lành, những từ ngữ mà chúng ta nói ra cuối cùng sẽ đưa tất cả lửa nóng tập trung vào chính mình thôi. Nói ít nghe nhiều, nói nhiều thì mất chính là một chân lý.
Phiền toái đều là do quá tự cao, tự đại
Tục ngữ có câu: “Đạn bắn trúng con chim bay đầu”. Phần trên có nói rằng Tô Đông Pha do nhiều lời nên bị giáng chức, tuy nhiên, ông vẫn không rút kinh nghiệm từ bài học đó. Sau khi được phục hồi chức quan của mình, ông đã đến thăm Vương An Thạch trước tiên, nhìn thấy Vương An Thạch đã viết một nửa câu thơ đặt ở trên bàn, ông đoán chắc rằng Vương An Thạch đang bí từ nên không thể viết tiếp được. Thế là thuận tay viết tiếp hai câu thơ sau.
Hai câu đầu tiên của Vương An Thạch đã viết rằng hoa cúc rơi xuống đất, Tô Đông Pha thầm nghĩ rằng câu đó không đúng với thường thức gì cả, hoa cúc đều sẽ bị khô ở trên cuống, chứ không rơi và bay đi bao giờ.
Hai câu cuối cùng của ông viết là mang ý như vậy, hơn nữa còn mong Vương An Thạch tìm hiểu rõ ràng rồi hẵng viết thơ. Vương An Thạch nhìn thấy hai câu thơ sau đó, thầm nghĩ rằng cái tật thích thể hiện này vẫn không thay đổi chút nào! Nên hiển nhiên đã giáng chức cho Tô Đông Pha đến Hoàng Châu.
Cần phải biết rằng không thể thấy hết những chuyện ở trên đời; không thể đọc hết những sách trong thiên hạ; không thể biết hết đạo lý trong cõi đời. Thà rằng ngây ngô mà thông minh, chứ đừng thông minh mà ngốc nghếch. Không phải là hoa cúc không bao giờ thả cánh hoa rơi, mà là Tô Đông Pha chưa nhìn thấy qua mà thôi. Khi đến Hoàng Châu, lúc nhìn thấy hoa cúc vàng ở khắp mọi nơi, ông mới thấy tâm phục khẩu phục Vương An Thạch.
Đôi khi, đừng tự nghĩ rằng bản thân mình thông minh, có bản sự và hiểu biết nhiều hơn những người khác, mà ra sức áp đảo họ, những nhân tài thực sự họ sẽ không tùy tiện thể hiện hết tài năng của bản thân.
Đừng đánh giá quá cao về bản thân mà đánh giá thấp những người khác, và cũng đừng nhất định phải thể hiện bản thân dẫn đầu mới thỏa lòng. Người xung phong ra mặt trận được gọi là anh hùng, còn khi quá thể hiện trong cuộc sống và nơi làm việc thì sẽ có thể trở thành một chuyện hài, khiến người ta thấy nó phù phiếm và không đáng tin cậy, và có thể bị thua mất tất cả.
Chúng ta càng có tài năng, thì càng nên ẩn giấu và giữ nó lại, chứ không phải bộc lộ ra hết bên ngoài. Có tài năng mà khiêm nhường sẽ được người đời kính nể, tự cao tự đại ắt chiêu mời phiền toái. Do vậy, sự bình tĩnh, khiêm nhường, thận trọng và kiềm chế chính là cách đúng đắn để đối nhân xử thế
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập