Mặc dù mọi người vẫn thường hay nghĩ có tiền sẽ làm được mọi thứ. Nhưng có những thứ vẫn không mua được bằng tiền. Suy cho cùng thì là một con người có thể nghèo về tiền bạc chứ đừng bao giờ nghèo về đạo đức, nhân cách. Tiền có thể kiếm được chứ đạo đức và nhân cách đã mất đi rồi thì khó mà lấy lại được.
Câu chuyện này xảy từ hơn 30 năm trước, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá ở Washington D.C. Vợ của một doanh nhân giàu có bất cẩn làm rơi túi xách tại một bệnh viện. Sau khi biết chuyện, vị doanh nhân này vô cùng lo lắng, vì bên trong túi xách không chỉ có 100 ngàn đô mà còn chứa thông tin thị trường vô cùng cơ mật. Ông vội vã lái xe đến bệnh viện ngay lúc nửa đêm.
Khi ông vừa đến nơi thì thấy một cô bé gầy còm đang ngồi ở hành lang bệnh viện, tay ôm chặt chiếc túi da mà vợ ông đánh mất. Cô bé ngồi dựa lưng vào tường, người run lên vì lạnh.
Cô bé ấy tên là Chiada. Em có người mẹ đang nằm viện và bệnh tình rất nặng. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày, họ đã bán đi rất cả mọi thứ có thể nhưng cũng chỉ đủ trả tiền viện phí đêm nay. Ngày mai, mẹ cô bé sẽ phải xuất viện, vì họ đã hết nhẵn tiền.
Buổi tối định mệnh hôm ấy, Chiada bất lực đi đi lại lại ở hành lang bệnh viện, nước mắt dàn giụa, cầu xin Thượng Đế hãy ban cho mẹ con em một phép màu. Vừa lúc đó, một người phụ nữ đi từ trên lầu xuống. Bà làm rơi chiếc túi da xuống đất, có thể là trong tay còn đang cầm thứ khác nên không biết túi xách bị rơi.
Ở hành lang chỉ có một mình Chiada. Cô bé nhặt chiếc túi lên, vội vàng đuổi theo người phụ nữ ra cửa, nhưng bà đã lên một chiếc xe hơi sang trọng và đi mất rồi.
Chiada quay lại phòng bệnh và kể cho mẹ câu chuyện này. Khi mở chiếc túi ra để tìm danh tính của người mất đồ, hai mẹ con đều sửng sốt bởi xấp tiền trong đó. 100 ngàn đô là số tiền quá lớn đối với họ, và nó rất có thể sẽ chữa lành bệnh của người mẹ. Nhưng mẹ của Chiada bảo con gái hãy mang chiếc túi quay lại hành lang, đợi người bị mất đến nhận lại…
Sau khi được trả lại chiếc túi xách quan trọng, vị doanh nhân đã gắng hết sức chạy chữa cho mẹ của Chiada. Tuy nhiên bà vẫn không qua khỏi. Vì không muốn cô bé Chiada phải sống cô độc nên ông đã nhận nuôi cô bé và cho em đi học.
Kể từ sau đó, công việc kinh doanh của vị doanh nhân ngày càng phát triển, không lâu sau ông đã trở thành một tỷ phú. Sau khi tốt nghiệp đại học, Chiada cũng đến giúp đỡ ông quản lý công ty. Nhờ sự thông minh và những kinh nghiệm được học từ cha nuôi mà Chiada nhanh chóng trở thành một nữ doanh nhân thành công, rất nhiều việc cha nuôi đều tham khảo ý kiến của cô.
Khi sắp qua đời, vị doanh nhân đã để lại một bản di chúc: “Trước khi quen biết mẹ con Chiada, tôi nghĩ mình là một người rất giàu có. Nhưng khi đứng trước hai mẹ con họ – những người nghèo khổ, không có tiền chữa bệnh nhưng vẫn nhất quyết trả lại 100 ngàn đô, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu có nhất. Bởi dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn giữ một tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Đây là điều mà người làm kinh doanh như tôi thiếu nhiều nhất. Tiền của tôi hầu hết đến từ sự tranh giành, tâm kế trên thương thường. Chính họ đã khiến tôi hiểu được nguồn vốn lớn nhất của đời người chính là phẩm hạnh.
Tôi nhận nuôi Chiada cũng không phải để trả ơn hay thương hại, mà là mời về một tấm gương làm người. Có cô bé bên cạnh, trên thương trường, tôi luôn cố gắng ghi nhớ việc gì nên làm, việc gì không nên; số tiền nào nên lấy, số tiền nào không nên. Đây chính là sự đảm bảo vững chắc cho công ty phát triển và sau này tôi đã trở thành một tỷ phú.
Sau khi tôi ra đi, toàn bộ tài sản sẽ để lại cho Chiada thừa kế. Đây không phải là quà tặng, mà vì tôi muốn sự nghiệp của mình có thêm huy hoàng và thịnh vượng hơn. Tôi tin rằng, con trai tôi sẽ hiểu được tâm ý của tôi.”
Sau khi người con trai của ông từ nước ngoài trở về, đọc kỹ di chúc của cha, anh đã ký tên vào văn bản thừa kế. “Tôi đồng ý để Chiada là người thừa kế toàn bộ tài sản của bố mình. Chỉ mong cô ấy có thể làm vợ tôi.”
Chiada suy nghĩ một lúc rồi cũng cầm bút ký tên: “Tôi chấp nhận toàn bộ tài sản mà cha nuôi để lại, bao gồm cả con trai của ông”.
Nghịch lý là vậy. Con người ta thường bán thời gian để lao đầu không biết mệt mỏi kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giết thời gian vào những thứ vô bổ, bỏ quên những giá trị đích thực của cuộc sống. Nói cho cùng đồng tiền cũng chỉ là thứ do chính con người tạo ra, phục vụ cho cho con người vì vậy đừng để nó chi phối, kiểm soát mình.
Nhà thương gia đã ngộ ra được một triết lý thấm đẫm nhân văn đó là ông đã bị chinh phục trước nhân cách cao quý của hai mẹ con nhà nghèo. Thì ra ông rất nhiều tiền nhưng chính ông lại thấy mình rất nghèo. Cái nghèo đáng sợ nhất là nhân cách, là sự cao thượng, trong sáng mà hình ảnh cô bé nhỏ nhắn ngồi run rẩy bên hành lang suốt đêm chỉ để trả lại túi xách cho người đánh rơi đã giúp ông thấy mình thật nhỏ bé.
Cô bé nghèo nhưng cao thượng, không dùng những thứ của người khác dù hoàn cảnh đang đẩy em và người mẹ đến tận cùng của sự thiếu thốn, nhưng cả hai mẹ con cùng một suy nghĩ là phải trả lại bằng được những gì không phải của mình. Tấm tình đó đã động đến bậc tối cao và số phận em đã thay đổi. Em có được tất cả, từ tiền bạc, địa vị, cho đến cả hạnh phúc, điều mà trước đây em chưa bao giờ mơ ước. Đúng là gieo nhân nào thì gặt quả đó, hạnh phúc luôn mỉm cười với những người tốt, người thật thà lương thiện.
Nhung Nguyễn sưu tầm