Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Cứ làm theo lý của tự nhiên, cứ nghe theo đạo của tự nhiên, nước ắt tự trị, người ắt tự chính

By Đăng Dũng

March 30, 2021

Một số đoạn đối thoại giữa Khổng Tử và Lão Tử sau đây sẽ giúp bạn cảm ngộ ra được nhiều đạo lý trong cuộc sống, mong bạn sẽ tìm được ý nghĩa nhân sinh cho cuộc đời mình.

Cuối thời Đông Chu, hai vị thánh nhân là Lão Tử và Khổng Tử của Trung Hoa đã gặp nhau nhiều lần, tư tưởng của hai vị thánh nhân vừa không hề bị trùng lắp. Tuy nhiên, lại chung một mục đích để lại cho thế nhân những đạo lý làm người “thuận theo tự nhiên”. 

Có lần Khổng Tử đến bái kiến Lão Tử để hỏi một vài vấn đề. Lời hồi đáp của Lão Tử khiến Khổng Tử vô cùng bội phục.

Lúc hai người cùng đến sông Hoàng Hà, Khổng Tử thở dài khi đối diện với sông Hoàng Hà. Khổng Tử nói: “Thời gian và sự việc phai phôi cũng như nước sông cuồn cuộn chảy, bản thân mình tuổi già đến mà không biết mình phải làm gì”.

Lão tử nói: “Nhân sinh và trời đất, bản lai và tự nhiên là một thể. Sinh lão bệnh tử của con người và xuân hạ thu đông của đại tự nhiên kì thực không có khác biệt. Tự nhiên mà sống, tự nhiên mà chết, thuận theo tự nhiên thì sẽ không mê mất bản tính. Trong tâm thường nghĩ công danh lợi lộc nên mới có u sầu trong tâm, mới có sinh ra phiền não”.

Khổng Tử giải thích nói: “Tôi lo lắng nhân nghĩa không thể hành thiên hạ, chiến loạn không thể dừng lại, quốc chính không thể thanh minh, đời người vài chục năm nhanh chóng qua đi, nên tôi mới cảm khái có một đấng trượng phu sẽ vì thế gian, không phải để kiến công lập nghiệp mà vì để làm những sự tình này cho dân chúng”.

Lão Tử nói: “Trời đất không có người đẩy cũng tự nhiên mà hành, nhật nguyệt không có người đẩy mà có trật tự ngay ngắn, các loài chim các loài thú không dùng người tạo mà cũng trù phú. Đây đều là những sự tình tự nhiên phát triển, trong đó không cần đến chúng ta phải lao tâm phiền não.  

Sống chết vinh nhục của con người cũng đều là đạo của tự nhiên đã định ra.

Tôn trọng tự nhiên, thuận ứng với tự nhiên, trị quốc tự nhiên thanh minh, nhân tâm tự nhiên quy chính, trong đó dùng tới đề xướng nhân nghĩa lễ lạc để làm gì?

Càng đề xướng những thứ này, càng rời xa bản tính của con người, giống như việc đánh trống tìm người, tiếng trống càng vang thì người càng nhanh chạy mất”.

Lão Tử chỉ tay hướng về sông Hoàng Hà nói: “Vì sao ông không học tập đức hạnh của nước?”.

Khổng Tử nói: “Nước có đức hạnh gì”.

Lão tử nói: “Thượng thiện nhược thủy (cái thiện nhất giống như nước), nước có lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở nơi ác của con người, đây chính là đức hạnh khiêm nhường.

Sông biển rộng lớn mênh mông cũng bởi vì chúng có thể đặt mình ở nơi thấp. Thiên hạ không có thứ gì mềm mại như nước, cũng không có thứ gì cứng cỏi như nước. Đây chính là nhu đức. Vậy nên mềm mại có thể chiến thắng cứng cỏi. Nước không có “hữu” (sở hữu) nên nó có thể tự do ra vào chỗ “vô”. Đây chính là giáo huấn không lời, đây chính là “vô vi”.”    

Khổng Tử nói: “Tôi đã hiểu. Mọi người đều muốn đến chỗ cao, chỉ có nước chảy đến chỗ thấp nhất. Mọi người đều ở nơi dễ dàng, duy chỉ có nước ở nơi khó khăn. Mọi người đều ở nơi sạch sẽ, chỉ có nước ở nơi dơ bẩn. Những nơi nước chảy đến đều là những nơi không ai thích ở, vậy nên ai có thể tranh với nước được đây?”.

Lão Tử nói: “Không tranh với đời nên không ai có thể tranh với nước. Đây chính là thủy đức (đức của nước). Nước không đâu không có, Đạo không đâu không có, nước không có thất bại. Không mà tĩnh, thích hợp với bản nguyên thâm sâu. Làm tổn hại bản thân mình, mang đến ân huệ cho người khác mà không cầu báo đáp, đây chính là nhân đức.  

Chỗ tròn trịa ắt sẽ xoay chuyển, chỗ gấp khúc ắt sẽ đổi hướng, tắc nghẽn ắt sẽ dừng lại, khai thông ắt sẽ chảy ra, đây chính là thủ tín (giữ vững niềm tin). Tẩy tịnh vạn vật, chỉnh lý quân bình cao thấp, đây chính là giỏi về xử lí ở mọi phương diện. Mọi thứ có thể nổi trên mặt nước, nhìn mọi thứ có thể rõ ràng, gặp xung kích thì thế nước không gì có thể cản, đây chính là giỏi về sử dụng tài năng. Ngày đêm không dừng, tràn đầy rồi lại tiến về trước, đây chính là giỏi chờ đợi thời cơ.     

Không tranh với đời thì thiên hạ không ai tranh giành với mình Thánh nhân tùy cơ ứng biến, trí giả thuận theo tự nhiên. Ông đi đâu cũng nhất định phải thủ lễ cung kính khiêm nhường, bỏ đi bộ mặt ngạo mạn kia, bỏ đi chí hướng và dục vọng hiện ra trên nét mặt, không thì vận khí sẽ làm người ta sợ, ai còn dám dùng ông nữa”.

Nguồn: nghethuathongan.com

Chân Kiến biên tập