Đưa chén trà sen vừa pha mời khách, cụ Bình cười hồn hậu cho biết mình vốn là người Phù Cát, Bình Định, do gia cảnh khó khăn nên mới dẫn vợ con lên Kon Tum mưu sinh khi bước sang tuổi tứ tuần.
Căn nhà cấp bốn cũ kĩ của cụ Lưu Bình nằm trong con ngõ nhỏ ở tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum. Trong tiết trời oi ả trưa tháng 2, ông lão râu tóc bạc phơ chậm rãi dắt chiếc xe đạp có buộc thúng đậu phộng phía sau trở về nhà sau buổi bán dạo.
Khi cả 8 người con đều trưởng thành, cuộc sống ổn định, ít áp lực hơn, cụ bắt đầu thực hiện những điều ấp ủ từ thời trai trẻ, đó là góp phần giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Nguồn làm từ thiện chính là thùng đậu phộng rang buộc sau xe đạp. Đã hơn 10 năm nay, ngày nào chiếc xe này cũng rong ruổi cùng cụ Bình khắp mọi nẻo dường trong thành phố.
Trước đây còn khoẻ hơn cứ 7h30 cụ Bình trở thúng đậu phộng đi bán đến trưa mới về, tối lại dắt xe đi lúc 18h00 cho tới tận khuya. Hai năm gần đây sức khoẻ kém hơn nên cụ chỉ còn đi bán vào buổi tối.
Cụ Bình tâm sự: “Hồi còn trẻ thích làm từ thiện, nhưng nhà nghèo, bận nuôi con, không có điều kiện để làm. Giờ có tuổi, rảnh rỗi hơn và vẫn có sức khỏe để đi làm nên cố gắng làm việc tốt giúp đỡ những cảnh đời cơ cực”.
Mỗi lần ra khỏi nhà, chiếc xe của cụ Bình lại “cõng” theo 10kg đậu phộng, được buộc gọn gàng trên xe. Cụ đẩy xe đi dọc mấy hàng quán, chỗ nào có người là ghé tới, bán hết lại đẩy xe về. Mỗi bịch đậu phộng giá 10 nghìn đồng.
Biết cụ Bình bán đậu phộng làm từ thiện, nhiều người thường xuyên căn giờ xe đi qua để mua. Có người còn biếu thêm tiền để góp cùng. Anh Lê Dũng (37 tuổi, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) nói: “Cụ ông bán đậu phộng làm từ thiện thì dân ở đây ai cũng biết. Tối nào cụ cũng đẩy xe đi ngang nhà tôi. Gần nhà nên thấy ông cụ bắt đầu đi là nhà tôi lại ủng hộ, riết rồi quen. Người già mà vẫn làm được như cụ Bình, bọn tôi quý trọng lắm”.
Tủ bánh mỳ tình thương cho người nghèo
Số tiền kiếm được từ việc bán đậu phộng, cụ Bình đều “đổ” vào tủ bánh mỳ từ thiện đặt gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, để người nghèo đang điều trị, chăm sóc thân nhân trong bệnh viện có thể đến lấy. Thường mỗi ngày nếu bán hết 10kg đậu phộng, cụ lãi 100 nghìn đồng, nếu ai đó góp thêm tiền thì tủ bánh lại có thêm vài chục ổ.
Giúp được nhiều người, lại được nhiều người ủng hộ và chung tay, ông cụ hết sức phấn khởi, cụ nói: “Vui lắm con ơi! Hồi đầu nhiều người nghèo e ngại nhưng giờ họ mừng lắm. Có hôm mới sáng đem 100 ổ bánh ra mà vài chục phút đã hết sạch, không đủ để mà phát. Mấy người xung quanh thấy ông làm, họ cũng ủng hộ, người thì mua bánh mỳ mang bỏ vào thùng, người thì góp thêm tiền để hôm sau mua thêm vài chục ổ, phát được cho nhiều người hơn”.
Lúc nào cũng nghĩ việc mình làm là chưa đủ, hễ biết người nào đau ốm mà không có tiền thuốc thang, cụ Bình lại nhờ con trai chở đến thăm hỏi, ủng hộ họ vài trăm nghìn đồng, hôm nào dư thì cả triệu đồng. Thỉnh thoảng, cụ lại chở mấy túi gạo 5-10kg đến bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện, nhờ họ nấu để san sẻ với những người khó khăn. Thế nhưng khi nói về mình, ông cụ vẫn không nhận là người tốt.
“Làm được gì tốt cho đời, ông thấy hoan hỉ lắm. Mừng vì mấy đứa con trong nhà, đứa nào cũng thích làm việc thiện. Con bé Phước, cháu nội ông đang học đại học ở Sài Gòn, cũng là thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ tình nguyện của khoa đó”, cụ Bình khoe.
Con trai cụ Bình, ông Lưu Văn Đức, 60 tuổi, bộc bạch: “Khi biết ba có ý định đi bán đậu phộng, tôi với cả nhà không ai cản mà còn rất ủng hộ. Làm việc tốt, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn là điều rất đáng quý. Nhưng tuổi cao rồi nên đi lại cũng nguy hiểm, nhiều khi trời mưa gió, bảo cụ đừng đi mà cụ có chịu đâu, nên tôi đành chở đi”.
Còn cụ Bình, khi được hỏi về ước muốn, cụ nói chỉ mong mình luôn khỏe mạnh, con cháu luôn có thiện tâm để cùng nhau giúp được nhiều hơn cho những mảnh đời khó khăn.
Theo VTC News