Nguồn ảnh: phatdaphambai

Sống Đẹp

Cuộc hành trình vĩ đại nhất là cuộc hành trình nhìn vào nội tâm

By Đăng Dũng

June 22, 2021

Con người ta, tất cả đều là từ cái tâm mình mà sinh ra mọi thứ. Nóng dận, yêu ghét, tham lam, tranh đấu và tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất cũng từ cái tâm mình mà hình thành hành động, và các biểu hiện bên ngoài. Martin Luther là nhà thần học, nhà cải cách tôn giáo người Đức, ông đã nói rằng: “Tôi sợ điều nằm trong bản thân mình hơn là điều đến từ ngoại cảnh. Cuộc hành trình vĩ đại nhất là cuộc hành trình vào nội tâm”.

Biểu hiện bên ngoài chỉ là kết quả của cái tâm mình đã có quá trình cảm nhận và thúc dục, vậy nên có khi nhìn dáng vẻ bên ngoài ta không thể đoán định được phẩm chất bên trong. Đạo gia vẫn dạy con người là: “Trực chỉ nhân tâm”, tất cả là nhìn vào cái tâm, mà nhìn vào cái tâm thì chỉ có Thần, Phật hoặc những người hơn hẳn tầm suy nghĩ của mình thì mới có thể nhìn đúng cái tâm của mình.

Vậy nên cũng nói rằng: Công trình gột rữa nhân tâm là công trình vĩ đại nhất. Dù ta có nói gì, làm được gì, trở thành người như thế nào, tất cả cái đó chỉ là cái áo khoác ngoài, còn tầm vóc con người đến đâu chính là xét ở cái tâm.

Chỉ mất một phút để cảm thấy say đắm ai đó, một giờ để thích và một ngày để yêu. Nhưng ta sẽ mất cả cuộc đời chỉ để quên một người, và mất cả hành trình gian nan để thành tựu bản thân mình.

Xưa có vị tỳ kheo trẻ cất một cái am nhỏ trên đỉnh núi, ngày ngày tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị tỳ kheo mỗi lần muốn hạ sơn hóa duyên thì đều phải đi qua chuyến đò ấy. Người chèo đò là một bà lão tuổi đã ngoài sáu mươi…

Một hôm, du khách qua sông rất ngạc nhiên khi thấy chủ thuyền không phải là bà lão nữa, mà thay vào đó là một thiếu nữ vô cùng duyên dáng, xinh đẹp lạ thường, dung nhan hoa nhường, nét hiền nguyệt thẹn. Hỏi ra mới hay rằng: Người con gái ấy không biết là ở xứ nào, một ngày nọ, cô đi qua bến sông, ghé vào xin bà lão cho mình ở trọ và nguyện ý giúp bà một tay hàng ngày đưa khách qua sông. Thấy nàng vừa xinh đẹp dịu hiền, lại vừa đoan trang hiếu lễ nên bà lão vô cùng thương mến.

Cũng kể từ đó, số lượt khách sang sông ghé thăm vị tỳ kheo và du sơn ngoạn thủy, viếng cảnh am mây mỗi ngày một thêm tấp nập, nhất là những chàng trai trẻ ở quanh vùng. Có lẽ ai ai cũng thích được qua đò để ngắm nhìn dung nhan xinh đẹp tuyệt trần của nữ thuyền nhân đương thì xuân sắc nọ.

Này thấp thoáng tấm eo thon ngà ngọc, tha thướt chuyển động theo từng nhịp chèo thuyền; này phiêu phất hương xuân, dịu thơm mái tóc, mơn man áo mỏng: như trêu, như gọi, như tìm, như hư ảo; này đôi bàn tay mềm mại trắng ngần đưa đẩy cán chèo khỏa nhẹ mơ màng như đang múa, đang vẽ trên mặt nước xanh trong thăm thẳm… chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho cả bến sông sóng nước bâng khuâng xao động, khách trên thuyền cũng mơ mộng xuyến xao!

Vị tỳ kheo thi thoảng có việc thì cũng phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, mỗi lần qua bên kia sông rồi, khách thông thường chỉ trả có một tiền, mà mỹ nữ đưa đò kia lại cứ khảng khái mà xin thầy phải trả những hai tiền vậy! Vị tỳ kheo lấy làm ngạc nhiên lắm, hỏi: “Hà cớ chi mà thuyền chủ lại thu tiền của ta đắt hơn mọi người đến vậy?”.

Cô gái cười như trao duyên, nói: “Mọi người qua đò là chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm trộm tôi nữa nên phải trả gấp đôi!”.

Không muốn phân bua biện giải với cô gái, vị tỳ kheo đành nín lặng lần tay nải, trao tiền cho cô.

Chẳng bao lâu sau chốn am mây có việc, vị tỳ kheo nọ lại phải xuất sơn. Nhà sư thư thả bước bộ xuống con đò. Lần này ông không dám nhìn cô gái, chỉ lặng im cúi mặt, suốt cả chặng quá giang, ánh mắt vị tỳ kheo như ghim xuống lòng con đò đang dập dềnh lên xuống theo làn sóng nước.

Con thuyền nhẹ lướt phiêu phiêu, chẳng mấy chốc mà đã đến hồi cập bến. Nữ thuyền nhân thanh thoát gót sen bước lên bờ, mái tóc suôn mềm hất nhẹ qua bờ vai, vầng trán thanh tao như vòm trời thăm thẳm, cô cúi thấp người, vòng tay ngà ngọc uyển chuyển néo sợi dây thuyền như ràng, như buộc, như lưu, như luyến.

Khách trên thuyền ngẩn ngơ tựa hồ thuyền chưa cập bến! Rồi cuối cùng ai nấy cũng lần lượt bước lên trả tiền đò, đến lượt sư thầy, cô gái lái đò xinh đẹp kia lại xin ông trả tiền quá giang gấp bốn lần những khách đi thuyền khác.

Vị tỳ kheo lạ lùng lắm, hỏi:

“Lần trước, cô bảo ta qua đò vì trộm nhìn cô nên phải trả gấp hai tiền, nay ta vốn dĩ không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt nhìn đò, tại sao cô lại đòi ta phải trả cho cô gấp bốn lần tiền chi nữa vậy?”.

Cô gái mỉm nụ cười hoa, nhìn vị tỳ kheo mà nói rất nghiêm trang: “Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt mà nhìn khuôn mặt và dáng vẻ bên ngoài của tôi. Còn hôm nay thầy lại dùng tâm mà nhìn hết cả bên trong của tôi nữa. Đó gọi là: Mắt không nhìn nhưng tâm thì lại nhìn vậy! Nên nay phải trả tiền gấp bốn”.

Vị tỳ kheo trẻ nghe xong mà giật nảy mình! Như tỉnh, như ngộ, như siêu xuất. Hồi lâu ông mới ngoảnh lại mà chẳng hay mỹ nữ thuyền nhân kia đã biến đi đâu mất tự khi nào.

Kể từ dạo đó, khách qua sông không còn thấy bóng dáng cô lái đò xinh đẹp kia đâu nữa. Chỉ còn lại một mình bà lão tuổi đã quá lục tuần, ngày ngày mòn mỏi âm thầm tiễn khách qua sông.

Bến sông tịch lặng như tờ…và vị tỳ kheo trẻ bây giờ cũng đã biết con đường tu luyện của mình còn nhiều gian nan lắm, nhưng cũng thấy vui trong lòng vì bài học cô lái đò dạy cho sẽ mãi mãi nhắc nhở mình trên hành trình tu luyện.

Là người tu Đạo thì chắc chắn bài học về nhân tâm sẽ là bài học đầu tiên và khó khăn nhất.

Mất tiền, ấy là chuyện nhỏ; hao tổn công đức tu luyện ấy mới là chuyện lớn. Mới hay: Làm người tu luyện chân chính nói là dễ cũng không phải là dễ; nói là khó cũng không phải là khó. Là khó hay là dễ đều ở một chữ buông hết mọi cái“Tâm” kia vậy.

Nguồn truyện cổ Phật gia Nhung Nguyễn biên tập.