Nguồn ảnh: Epochtimes

Văn Hóa

Cuộc sống chính là người thầy giỏi nhất cho tất cả chúng ta

By Đăng Dũng

January 19, 2021

Cuộc sống xung quanh ta đều thay đổi mỗi ngày. Tạo hoá ban cho tất cả các sinh mệnh đều có giá trị riêng, chỉ là bạn chưa biết đến giá trị thực của nó nên dễ bỏ qua. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh và học hỏi từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Chúng ta có lúc cảm thấy rối bời, làm thế nào để đối nhân xử thế trong cuộc sống vội vã này? Dưới đây là 5 từ vựng triết lý kinh điển tu thân dưỡng tính, học cả đời cũng không hết.

Xin lỗi

Nho gia giảng “Kẻ biết mình thì không oán người”, hay “Bậc quân tử trách bản thân, kẻ tiểu nhân trách người khác”, học được xin lỗi là đã đạt tầng thứ cao của người quân tử rồi.

Bất cứ việc gì, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ bản thân mình, chứ không lấy người khác làm lý do. Xin lỗi vì lỗi lầm của người khác, không chỉ là một cảnh giới tinh thần, còn là một cảnh giới nhân sinh.

Phật gia giảng, Phật tại tâm, tu Phật chính là tu cái tâm mình. Trước lỗi lầm của người khác, tự soi bản thân mình xem còn có khởi cái tâm bực tức, oán trách, hay hả hê không, thấy tâm mình còn bất thiện không, sẽ tìm ra điểm tu chưa tốt, nên xin lỗi vậy. Cứ như vậy không ngừng hoàn thiện mình sẽ dần đạt đến cảnh giới của bậc Giác giả.

Chuyên nhất

Từ xưa đến nay, cho dù là bậc hiền nhân hay là nông phu thì làm việc gì cũng phải dụng tâm, chuyên nhất mới mong có được thành công. Phàm là những người làm được việc lớn thì nhất định càng là người luôn dụng tâm chuyên nhất.

Chúng ta đôi khi đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay, rốt cuộc xôi hỏng bỏng không. Khi chuyên tâm, toàn tâm toàn ý vào một việc, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhất, nhanh nhất, lúc đó lại có thể bắt đầu việc khác. Chuyên nhất là cách làm thông minh nhất, hiệu quả cao nhất.

Đơn giản

Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Việc theo đuổi chủ nghĩa tối giản sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng: sở hữu ít hơn để nhận lại nhiều hơn

Yêu cầu càng ít, tự do càng nhiều; xa hoa càng ít, thoải mái càng nhiều. Sống một cách đơn giản không hề khó, chỉ cần bạn biết sống cho mình, sống vì cái đẹp và làm vì hạnh phúc là cuộc sống tự nhiên sẽ trở nên đẹp đẽ và thuận lợi hơn rất nhiều. Đại Đạo chí giản chí dị (Đại Đạo đơn giản nhất, dung dị nhất).

Chúng ta do không nắm được Đại Đạo (đường lớn), cứ đi theo các con đường nhỏ, ngõ hẹp, nên thường phức tạp hóa, rườm rà hóa vấn để. Cũng bởi vậy mà tự mình trói buộc tư tưởng bằng những tri thức phức tạp, lại cứ lầm tưởng là cao siêu lắm.

Khí chất

Người có khí chất cao quý thật sự không theo đuổi phồn hoa, hư danh quá mức. Họ thường giữ vẹn tinh anh, chất phác, trở về với chân ngã của mình. Càng là người có học thức, tu dưỡng cao thì càng hòa ái, phúc đức.

Họ xem nhẹ hết thảy quyền lực, tiền tài. Khi đối diện với những mảnh đời bất hạnh, họ nổi lòng thương xót, dấy khởi tâm từ bi, không còn coi “đẳng cấp” xã hội là điều quan trọng nữa. Đây chính là một loại khí chất cao quý nhất.

Không cứ có địa vị là có khí chất, khí chất là cái áo của tấm lòng. Khi nội tâm thuần thiện, tu tâm thủ đức, thì biểu hiện ra ngoài vẻ trang trọng. Người xưa nói “Đức cao vọng trọng” là như vậy.

Người điềm đạm như đầm nước tĩnh, chẳng điều gì làm cho nổi sóng, chẳng việc gì động đến cái tâm họ được. Phải trải qua khổ công ma luyện tâm tính giữa dòng đời ô trọc rất lâu dài mới có thể đạt đến được. Đây cũng là cảnh giới của bậc đắc Đạo.

Tha thứ

Tức giận, cay đắng, hận thù, những thứ cảm xúc này sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho tinh thần của bạn. Nếu không được loại bỏ, chúng sẽ cắm rễ sâu bên trong, biểu hiện ra những phản ứng về thể chất như đau bụng, huyết áp cao, nặng hơn thì dẫn đến lo lắng, trầm cảm.

Với những điều trên tuy đơn giản nhưng có lẽ chúng ta học và vận dụng cả đời cũng không hết. Đối với một số điều, bạn phải bỏ ra rất nhiều như công sức, chất xám, thời gian và đôi khi còn phải trải qua đau khổ, mệt mỏi, thất vọng để lĩnh hội. Đến lúc ấy bạn sẽ thấy mình muốn trưởng thành cần phải học rất nhiều điều từ cuộc sống.

Từ Thanh