Làm Cha Mẹ

Cuộc thi chọn Tể Tướng

By Đăng Dũng

April 20, 2021

Đối với ông, từng giây phút hiện tại là cuộc thử thách buông bỏ dục vọng, ta phải đối diện nó, chứ không phải sửa soạn chờ đón thử thách ở tương lai, cũng không có cuộc thi cuối cũng nào cả, mà lúc nào cũng phải giữ tâm tính bản thân khỏi sự phóng túng xa rời lời dạy của Thần.

Tại một tiểu quốc nọ, một ngày kia vị Tể Tướng đương triều đột nhiên bị bạo bệnh và từ trần. Vị Tể Tướng này rất tài ba lỗi lạc, khó ai sánh bằng. Cả vương quốc bàng hoàng và lo lắng. Nhà vua truyền lệnh phải tìm gấp cho bằng được một người tài giỏi khác để thế vào chỗ trống của quan Tể Tướng cho kịp xử lý mọi công vụ quốc gia.

Lệnh được ban truyền ra, mọi người từ các quan đến thần dân đều tìm kiếm khắp nơi. Từ hang cùng ngõ hẻm cho tới rừng núi trên cao, và cuối cùng họ kiếm được ba người để trình kiến nhà vua. Mong mỏi tài năng của họ có thể giúp vua trị vì đất nước.

Người thứ nhất là một nhà tân toán học, một khoa học gia lỗi lạc nhất nước. Ông ta có thể giải đáp tất cả các bài toán hóc búa nhất trong nháy mắt, chia chẻ ngọn ngành các phương trình hệ thống khoa học tân kỳ mà khó có người nào hiểu thấu được.

Người thứ hai là một nhà triết học xuất chúng. Ông ta biện luận rất giỏi có thể bẻ gẫy mọi luận thuyết, giải đáp những vấn đề siêu hình của thế gian qua lời thuyết của ông ai cũng thấy có vẻ hợp lý. Ông là người lỗi lạc nhất trong số các triết gia đương thời. Từng lời nói, câu văn của ông được mọi người khen thưởng như những câu nói hay nhất.

Người thứ ba là một người theo tôn giáo, một người có đầy đủ đức tin, sùng bái và dâng hiến. Người này không nổi tiếng, người dân trong nước không mấy ai biết, chỉ người dân trong vùng có vài người biết được người này đã tu được đạo hạnh cao thâm.

Ba người được tuyển chọn này tượng trưng cho ba góc độ tư tưởng và tri thức. Nhà bác học quan tâm đến những thử nghiệm, nghiên cứu, phân tích. Tất cả mọi vấn đề phải được ông ta nghiên cứu tường tận, nếu không, ông không chấp thuận. Sự thật theo ông là sự thực đã được kiểm chứng.

Cả ba người đó được dẫn đến trình diện trong cung điện, nhà vua nói:

– Được rồi, các khanh cứ tự nhiên nghỉ ngơi trong ba ngày và đến ngày thứ tư sẽ là ngày thử thách, chỉ một cuộc thi mà thôi. Ai thắng sẽ được chọn phong làm Tể Tướng, vì kẻ đó thông minh tài trí nhất.

Ba người họ lui ra và bắt đầu suy nghĩ theo cách riêng của mỗi người. Nhà khoa học thì nghĩ, ba ngày thì không đủ thời gian để phát mình ra điều gì cả, không biết làm thí nghiệm gì đây để nhà vua sẽ tròn mắt ngạc nhiên trước tài năng của ông. Vì thế ông ta không tài nào ngủ được, cũng không muốn phí thời gian cho việc ngủ. Ông ta không ngủ không ăn để tìm kiếm một cách thức nào đó cho hoành tráng trước mặt nhà vua.

Vị triết gia kia cũng thế, ông ta ngồi trầm tư mặc tưởng suy nghĩ đến nhiều rất vấn đề. Ông ta cũng không ăn, không ngủ, đi đi lại lại, ngồi đứng không yên. Bao nhiêu vấn đề trên trời dưới đất, cái gì cũng đều được nhà triết gia lôi ra mổ xẻ, nghiền ngẫm, phân tích.

Duy chỉ có người theo tôn giáo là an nhiên tự tại. Đến giờ ăn, ông ta ăn uống thoải mái. Đến lúc ngủ, ông ta đánh một giấc an lành, thời gian còn lại ông ngồi thiền tịnh tâm. Ông ta đều thực hành cẩn mật, đàng hoàng, nghiêm túc. Ông cũng đi dạo ngắm trời mây, và cám ơn trời đất đã ân sủng che chở cho muôn dân được sống an bình trong đó có ông. Đối với ông, từng giây phút hiện tại là cuộc thử thách buông bỏ dục vọng, ta phải đối diện nó, chứ không phải sửa soạn chờ đón thử thách ở tương lai, cũng không có cuộc thi cuối cũng nào cả, mà lúc nào cũng phải giữ tâm tính bản thân khỏi sự phóng túng xa rời lời dạy của Thần.

Biểu hiện của vị theo tôn giáo như thế làm cho hai nhà khoa học và triết gia cùng lên tiếng: “Này, người làm gì thế? Chỉ biết ăn, ngủ, ngồi thiện hay cầu nguyện thôi sao? Phí thì giờ vô ích, hãy lo tìm phương pháp giải quyết vấn đề đi chớ, sau này có cầu nguyện hay ngồi đó bao lâu mà chẳng được.”

Nhà theo tôn giáo chỉ cười, không trả lời; ông ta không phải là người thích tranh cãi. Ba ngày cứ thế trôi qua, ngày thứ tư đã đến. Ba người được mời đến trình diện, đến lúc này nhà khoa học mới thấy mình không còn đủ sức đứng vững nữa; ông ta mệt quá, hai mắt cứ díu lại, không mở ra nổi, hai chân rã rời, bước không vững.

Còn nhà triết học lỗi lạc kia thì đầu óc mơ mơ màng màng ở tận đâu đâu, ông ta không mệt lắm nhưng đầu óc như lãng đãng phiêu bồng chốn nào, không tập trung được vào cuộc sống hiện thực này. Cái đầu bây giờ như mớ bòng bong, rối tung mù mịt lên, câu hỏi này chồng lên câu hỏi kia, vấn đề kia chẳng biết nguyên nhân kết quả ở đâu. Ông ta muốn rút lui vì cảm thấy không chắc chắn, nhưng được nhà khoa học khuyến khích vị triết học cũng cố tham gia.

Duy chỉ có nhà tôn giáo là bước tới vui vẻ, thoải mái, an nhiên. Ông điềm tĩnh tiến bước khoan thai tới trước nhà vua.

Nhà vua là một người túc trí đa mưu, chính vua đã sắp xếp một cuộc thi tài trí cho ba người. Vua sai người dẫn ba người vào một căn phòng, khóa lại. Ổ khóa căn phòng đó là một cái ổ khóa số đặc biệt, không có chìa và người nào mở được cánh cửa thì thắng cuộc.

Nhà khoa học bắt đầu loay hoay tìm và viết ra hàng trăm bài toán để mở khóa; ông triết gia thì nhắm mắt lại tư duy: “Chà, vấn đề này hóc búa thật, chẳng phải chơi đâu, con số nào là con số mở khóa đây,” vv và vv…

Nhà theo tôn giáo thì tự nhiên như không. Ông ta chẳng màng đến nhìn cái ổ khóa, cũng chẳng bóp đầu bức tóc suy tư gì cả. Ông đâu phải nhà toán học nên chẳng biết toán mà làm, cũng không phải là triết gia để tìm hiểu phân chia. Ông chỉ vắt chân ngồi thiền, cảm thấy rằng căn phòng này với ngoài kia cũng đều như nhau cả, không có gì ràng buộc giữ được ông lại, ông đứng dậy và cứ vậy mở cửa bước ra.

Đã được một thời gian khá lâu, nhà vua bước vào phòng:

– Ô hay, hai người còn ở đây à? Người thứ ba đã đi ra ngoài từ lâu rồi.

– Nhưng sao hắn ta ra khỏi đây được? Cửa khóa mà…?

Hai nhà toán học và triết gia ngạc nhiên, lắp bắp hỏi.

– Nhưng cửa đâu có khóa.

Nhà vua tủm tỉm cười hóm hỉnh trả lời. Nhà toán học vùng chạy ra túm lấy áo nhà tôn giáo gặn hỏi. Ông này từ tốn trả lời:

“Tôi chỉ ngồi thiền tịnh tâm. Chợt tôi cảm thấy không gian trong phòng và bên ngoài như nhau, không có sự chia cắt nên tôi nghĩ cửa không khóa, tôi đứng dậy đi về phía cửa và quả thực cửa không có khóa.”

Nếu như cánh cửa có mật mã thì có lẽ nhà khoa học kia đã tìm ra đáp án rồi, nếu cánh cửa bị khóa chốt có lẽ nhà triết học kia cũng đã phân tích ra một hệ thống nào đó để mở chốt rồi. Nhưng cánh cửa cuộc đời không hề bị gài chốt, cuộc đời cũng không phải một bài toán đố, nếu cứ mải mê tìm cách giải bài toán có lẽ đã đánh mất cuộc đời rồi.

Cánh cửa cuộc đời luôn rộng mở và hầu như không bao giờ khóa lại; chúng ta gán cho cuộc đời những cách nhìn theo quan điểm cá nhân, rồi chúng ta lại bị dính mắc vào chính quan điểm đó như hai nhà khoa học và triết học kia. Chỉ có thản đãng bước đi, dũng cảm đối mặt với hiện thực thì cảnh cổng tương lai mới mở ra.

Nhà theo tôn giáo sau khi được chọn làm Tể Tướng quả thật còn hơn cả mong đợi của nhà vua, ông giúp nhà vua trị vì thiên hạ, ban phúc cho muôn dân, mọi việc đều công chính, không châu báu, ngọc ngà hay mỹ nữ nào có thể cám dỗ vị Tể Tướng mới. Nhà vua cũng rất hài lòng, vương quốc ngày càng thịnh trị.

 

Biên tập Thông Lộ