Ảnh: tamthuc.com

Dạy Con Thông Thái

Cuốn sách giáo khoa dành cho lứa tuổi tiểu học của cổ nhân “Tam Tự Kinh” (P1): Bản chất con người là gì?

By Đăng Dũng

July 17, 2021

“Nhân chi sơ, tính bản thiện” chắc hẳn là một câu nói nằm lòng đối với mỗi người dân Việt Nam. Đó chính là câu mở đầu trong tác phẩm “Tam Tự Kinh”. “Tam Tự Kinh” là một phiên bản thu nhỏ của văn hóa truyền thống Trung Quốc, với nội dung bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, địa lý, thiên văn và những luân thường đạo lý được cô đọng từ cội nguồn của Nho giáo. Vì vậy người xưa tôn sùng nó như một cuốn sách “Kinh”.

“Kinh” nghĩa là nghĩa lý bất di bất dịch, người xưa coi đó là tiêu chuẩn mẫu mực mà mọi người cần học tập và làm theo. Có rất nhiều tác phẩm kinh điển ở Trung Quốc, nhưng trong số đó, “Tam Tự Kinh” là tác phẩm đơn giản và dễ đọc nhất. Vì lý do này “Tam Tự Kinh” được một số học giả ví như “Luận ngữ” do Khổng Tử và những đệ tử của mình biên soạn.

“Tam tự Kinh” là một trong những tác phẩm kinh điển Nho giáo nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, được viết lần đầu tiên bởi Vương Ứng Lân, một nhà Nho lớn ở triều đại nhà Tống. Khi đó, nó được dùng làm sách giáo khoa cho các học trò mới đi học ( tương đương với trường tiểu học hiện nay).

“Tam Tự Kinh” với hình thức thơ 3 chữ với lời như bài hát đồng dao, dễ đọc rất thích hợp để đọc miệng. Nội dung phong phú, thú vị, xúc tích và truyền cảm dẫn con người đi đúng đạo.

Học “Tam Tự Kinh” tương đương với việc mở ra cánh cửa học thuật truyền thống của Trung Quốc, bạn có thể biết lịch sử đã trải qua nhiều quá trình thăng trầm khác nhau, hiểu được các nguyên tắc làm một con người chân chính. Đó là lý do tại sao “Tam Tự Kinh” đã được phát hành rộng rãi từ xa xưa và được yêu thích như một cuốn sách khai sáng giáo dục trẻ em hợp với mọi thời đại.

Tìm hiểu về “Tam Tự Kinh” sẽ giúp chúng ta giải khai quan điểm lệch lạc về Nho giáo nhằm giúp trẻ em ngày nay trở về với văn hóa chính thống. Hơn nữa, để cho chúng ta, những người lớn đã quên mất những điều của văn hóa truyền thống có cơ hội quay ngược thời gian trở lại tìm hiểu những điều cơ bản của Nho giáo và thụ ích từ trí tuệ của cổ nhân.

Các nhà Nho thời bấy giờ đã giáo dục con cái bằng tâm thái gì? Mục đích để làm gì? Và điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào? Cũng vậy, những lời dạy của Nho giáo rất chú trọng đến đối nhân xử thế, nhưng tại sao vậy? Những học vấn này muốn truyền đạt những điều gì? Mục đích của việc học có phải là để nổi tiếng cá nhân và thăng tiến trong sự nghiệp? Nếu bạn đọc “Tam Tự Kinh” một cách bình tĩnh và thư thái, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Ngoài ra, cũng có giải quyết nhiều vấn đề mà nhiều người mắc phải trong nền giáo dục hiện đại.Trên thực tế, bạn có thể thấy rằng nó được gây ra bởi hiện tượng đảo ngược giữa sự giáo dục đạo đức và giáo dục trí tuệ.

Vậy nên hãy cùng nhau tìm hiểu “Tam Tự Kinh” từ bây giờ. Bạn sẽ thấy rằng những lời dạy của Nho giáo có liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng ta. Việc dạy chữ Nho không khó, đó chỉ là những điều căn bản của cuộc sống. Nếu bạn biết sớm hơn, bạn sẽ biết cách giải quyết những khó nạn xảy đến trong cuộc đời, bạn sẽ không bị mất phương hướng và phải nếm trải những thất bại của cuộc đời.

Cuốn sách không hẳn là do thánh nhân làm ra, nhưng nó là kết tinh của sách vở của các bậc thánh hiền truyền lại, chỉ với hơn một ngàn chữ mà nêu ra đủ trọng tâm các vấn đề. Mở đầu của “Tam Tự Kinh” đó là 24 chữ:

Nguyên văn: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn

                      Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”

Tạm dịch: “ Con người ban đầu, vốn tính là tốt

                   Tính gần giống nhau, do thói mà cách xa

                   Nếu không được dạy, thì tính ấy thay đổi

                   Đạo trong dạy học, lấy chuyên làm trọng”

Giải nghĩa: Khi tất cả mọi người được sinh ra, tính ban đầu của họ là tốt. Bản chất của mọi người đều giống nhau, không có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên khi chúng ta lớn lên, môi trường chúng ta lớn lên là khác nhau nên những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy là khác nhau. Những người lớn lên trong môi trường tốt sẽ tự nhiên có được cái nhìn sâu sắc, còn những người lớn lên trong môi trường không tốt có xu hướng ghi nhớ những điều tồi tệ, và sẽ dẫn đến những khác biệt giữa mọi người với nhau. Nếu chúng ta không được dạy dỗ đúng cách và mắc phải nhiều thói quen xấu khác nhau, tính cách tốt của chúng ta sẽ thay đổi. Điều quan trọng nhất trong giáo dục, đó là phải giáo dục một cách chuyên tâm, không thể lúc học lúc dừng, như thế mới khiến việc học tập hoàn chỉnh, hoàn thiện được.

Bút giả sở cảm: Chương giới thiệu của Tam Tự Kinh, như lời bài hát ngắn, nó đã truyền tải mục đích cuối cùng của các kinh điển Nho gia khác nhau đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm nay.

Sáu chữ đầu “ Nhân chi sơ, tính bản thiện” thể hiện nhận thức của Nho gia về bản tính thiện của con người. 12 chữ tiếp theo: “Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên” nói ngay vào ý nghĩa cốt yếu, mục đích căn bản của giáo dục Nho gia: Thực chất của giáo dục là duy trì và bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp của con người. Bản chất của con người là khi sinh ra ai cũng tốt và đều giống nhau. Tuy nhiên, những gì bạn tiếp xúc và những gì bạn bị ảnh hưởng phụ thuộc vào môi trường mà bạn lớn lên, cũng như những người và sự việc bạn gặp. Vì vậy, nếu bạn không nhận được sự giáo dục tốt, bạn sẽ dần mất đi bản chất thật của mình do nhiều tác động mắc phải khác nhau, và bạn sẽ hành ác mà không hay biết. 6 chữ cuối cùng “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” nói rằng điều quan trọng là phải tiếp tục học tập và không được dừng lại giữa chừng.

Ngoài ra, khi giảng dạy ngoài việc giải thích ý nghĩa của từng từ, còn có các câu hỏi thảo luận được dùng để hướng dẫn học trò nghĩ sâu thêm và củng cố sự hiểu biết của mình về đề tài của bài học. Kèm theo đó là một đoạn, một hoặc hai câu chuyện liên quan được trình bày, giới thiệu những sự kiện và nhân vật lịch sử, giúp việc giáo dục đạo đức được dễ dàng hơn.

Bài học mở đầu của cổ nhân dạy học trò đã nói rõ được mục đích căn bản, tầm quan trọng của giáo dục và cách thức thực hiện giáo dục. Đây là điều mà hàng chục hàng trăm cuốn sách, công trình nghiên cứu hiện nay cũng chưa chắc đã nói rõ ra được.

Câu chuyện ngụ ngôn: Chu Xử trừ tam quái

Câu chuyện ngụ ngôn trong chương đầu tiên của cuốn sách “Tam Tự Kinh” giới thiệu là câu truyện Chu Xử trừ tam quái.

Vào triều đại nhà Tấn, ở vùng Nghĩa Hưng có một chàng trai tên là Chu Xử. Cậu bị mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, và không được dạy về đạo lý của thế gian. Dù là người tốt và khỏe mạnh nhưng vì thường xuyên gây gổ, quấy phá dân làng nên bị dân làng tránh như gặp phải rắn độc, mãnh thú vậy.

Một ngày nọ, khi cậu đang đi trên phố, cậu thấy một số người đang tụ tập và nói chuyện. Khi cậu tò mò đến gần, nhưng mọi người bỏ đi không nói lời nào. Cảm thấy một chút khó chịu, Chu Xử tóm lấy một người đàn ông và hỏi: “Các người đang nói về vấn đề gì?”

Người đàn ông thành thật trả lời với vẻ sợ hãi. “Làng này đang bị tấn công bởi 3 con quái vật. Một là con hổ ăn thịt người ở núi Nam Sơn. Thứ hai là con giao long ở dưới sông dưới cây cầu Trường Kiều. Chúng đã giết rất nhiều người…” Không đợi người đàn ông nói xong, Chu Xử hét lên: “Hổ hay Giao Long thì có gì phải sợ, tôi sẽ đi tiêu diệt chúng”. Nói xong Chu Xử chạy đi trong nháy mắt.

Theo kể lại, Chu Xử sau đó thực sự đến Nam Sơn để tìm kiếm con hổ ăn thịt người. Khi tìm thấy con Hổ ăn thịt người, và khi sắp bị tấn công, cậu đã nhanh nhẹn tránh con hổ và nhảy lên lưng nó. Cậu vung tay đấm vào đầu con Hổ nhiều lần cho đến khi Hổ chết.

Sau khi tiêu diệt Hổ thành công, cậu đến sông Trường Kiều, nhảy xuống sông và đối đầu với Giao Long. Chu Xử mất ba ngày ba đêm ròng rã, cuối cùng cũng tiêu diệt được Giao Long.

Khi dân làng thấy Chu Xử không trở về, mọi người tưởng rằng cậu đã bị Hổ hoặc Giao Long ăn thịt, họ gióng trống khua chiêng để ăn mừng. Khi trở về, cậu nhận ra mình là một trong tam quái đã khiến dân làng khiếp sợ khi nghe mọi người ăn mừng vui vẻ nói: “Chúng ta đã thoát khỏi 3 con quái vật rồi”.

Cậu cảm thấy rất xấu hổ và có lỗi vì những hành động sai trái, tác oai tác quái của mình với mọi người và quyết tâm tu sửa, làm lại từ đầu. Sau đó, cậu theo Lục Vân chăm chỉ học tập, cuối cùng trở thành một vị quan tốt và làm nhiều việc tốt cho dân.

Con người ai sinh ra cũng đều có bản tính thiện. Chu Xử gặp phải những điều không tốt trong cuộc sống do cha mẹ mất sớm và cậu không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn nào từ ai. Nhưng khi thức tỉnh, cậu đã có thể lấy lại ý thức đạo đức mà con người ban đầu vốn có. Chính vì vậy, việc giáo dục sớm về lối sống và đạo đức cho trẻ là điều rất quan trọng. Chúng ta không thể chỉ cần có tài năng và khả năng mà còn cần có cả kiến ​​thức để sử dụng chúng đúng cách. Cũng giống như con dao có thể gây ra những hậu quả khác nhau tùy thuộc vào người sử dụng chúng, các bác sĩ thậm chí có thể làm mất đi mạng sống của bệnh nhân bằng dao mổ nếu họ mắc sai lầm.

Ngoài ra, cũng có những người không biết tôn trọng người khác. Luôn nghĩ rằng bản thân giỏi hơn người khác vì có tài năng và học vấn cao, hay tỏ ra kiêu ngạo với người khác, cư xử theo kiểu khoe khoang, thậm chí lựa chọn công việc để làm khiến cấp trên khó chịu, và dần dần làm những người xung quanh cũng né tránh họ. Vậy nên dù bạn có tài giỏi đến đâu nhưng nếu bạn không tôn trọng người khác, bạn sẽ không được người khác chấp nhận.

Xem tiếp: Cuốn sách giáo khoa dành cho lứa tuổi tiểu học của cổ nhân “Tam Tự Kinh” (P2): Môi trường giáo dục lý tưởng là gì?

Nguồn: epochtimes.jp Mộc Hương biên dịch