Tiếp phần 1: Cuốn sách giáo khoa dành cho lứa tuổi tiểu học của cổ nhân “Tam Tự Kinh” (P1): Bản chất con người là gì?
“Tam Tự Kinh” là một trong những tác phẩm kinh điển Nho giáo nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, được viết lần đầu tiên bởi Vương Ứng Lân, một nhà Nho lớn ở triều đại nhà Tống.
Khi đó, nó được dùng làm sách giáo khoa cho các học trò mới đi học (tương đương với trường tiểu học hiện nay). “Tam Tự Kinh” là một mô hình thu nhỏ của văn hóa truyền thống Trung Quốc, với các nội dung như văn học, lịch sử, triết học, địa lý thiên văn cô đọng từ cội nguồn của Nho giáo. Vì vậy, người xưa tôn sùng nó như một cuốn sách “Kinh”. “Kinh” nghĩa là lý bất di bất dịch, người xưa coi đó là mẫu mực mà mọi người nên noi gương.
“Tam Tự Kinh” được viết bằng ca từ dễ đọc và ngắn gọn với một cụm từ và ba chữ cái, việc học “Tam Tự Kinh” tương đương với việc mở ra cánh cửa học thuật truyền thống của Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài 2 trong cuốn “Tam Tự Kinh”.
Nguyên văn: “Tích Mạnh mẫu, trạch lân xử, tử bất học, đoạn cơ chữ
Đậu Yến San, hữu nghĩa phương, giáo ngũ tử, danh câu dương”
Tạm dịch: “Ngày xưa mẹ Mạnh Tử, chọn láng giềng mà ở
Con trốn về không học, mẹ cắt vải chặt khung
Lão Đậu ở Yên Sơn, có cách dạy học hay
Dạy dỗ năm người con, cả năm đều thành tài”
Giải nghĩa: Ngày xưa mẹ của Mạnh Tử, vì muốn tìm môi trường để con có thể học tập thành tài bà đã không quản khó khăn vất vả mà chuyển nhà đến 3 lần. Có lần Mạnh Tử trốn học bỏ học về nhà, mẹ ông đã tức giận cắt miếng vải đang dệt và chặt gẫy khung cửi. Bà nói với Mạnh Tử: “Công việc học tập cũng giống như công việc dệt vải, dệt cẩn thận từng sợi, dệt từng chút từng chút một rồi cuối cùng mới thành được một tấm vải hoàn chỉnh có ích. Việc học của con cũng như vậy, nếu con bỏ dở giữa chừng, tất cả những nỗ lực của con sẽ trở nên uổng phí”.
Vào thời Ngũ đại, có một người cha rất coi trọng việc giáo dục con cái tên là Đậu Vũ Quân (hay còn gọi là Đậu Yên Sơn). Ông đã sử dụng những lời dạy của các bậc Thánh hiền như một hình mẫu để nuôi dạy con cái. Kết quả cả năm người con trai của ông đều rất thành công và danh tiếng của họ lan rộng khắp nơi.
Bút giả sở cảm: Chữ “Nho (儒)” trong Nho giáo được cấu thành từ 2 chữ là chữ “Nhân đứng (亻)” và chữ “Nhu (需)”. Nó có nội hàm rất sâu rộng, ý nghĩa đại khái là Nho học là đạo lý cơ bản của con người, và là tri thức cần thiết cho nhân loại. Kể từ thời của Khổng Tử, các tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức mà con người chúng ta phải tuân theo trong cuộc sống của mình, từ gia đình đến xã hội đều được chỉ ra. Nói cách khác, rèn luyện cá nhân là cơ sở để sống trong xã hội sau này. Đó là lý do vì sao Nho giáo rất coi trọng nhân nghĩa, không chỉ đối xử tốt với người thân mà còn đối xử tốt với tiền bối, bạn bè, cấp trên, cấp dưới, v.v…
Trong kinh thư của Nho giáo có một câu thơ như sau: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nghĩa là để có thể cai trị thiên hạ thì trước tiên phải tu chỉnh bản thân mình, sau đó là chỉnh đốn gia đình, gia tộc mình cho tốt, rồi mới cai quản đất nước và bình ổn thiên hạ. Nói cách khác, trong quan hệ giữa người với người ở gia đình hay ngoài xã hội, hoặc trong việc giải quyết các sự việc gặp phải, mục đích cơ bản của việc “tốt cho người khác” là đồng nhất cho dù nội dung, quy mô, địa vị, quan hệ và nghi thức khác nhau.
Trong phần trước, chúng ta đã làm sáng tỏ chương giới thiệu vốn là trục phát triển của “Tam Tự Kinh”. Vương Ứng Lân đã xóa tan màn sương mù và sự mênh mông của các tác phẩm kinh điển của Nho giáo, chỉ ra một cách đơn giản rằng mục đích cơ bản và cốt lõi của giáo dục Nho giáo là bảo vệ bản chất tốt đẹp tự nhiên của con người. Cho dù nội dung có rộng lớn đến đâu, thì phần cơ bản vẫn không thay đổi, đó là dẫn đường cho con người hướng về những bản chất tốt đẹp tự nhiên, đó là cơ sở để ông đặt ra trục phát triển của “Tam Tự Kinh”.
Gia đình Mạnh Tử từng sống gần các lò mổ, chợ và nghĩa địa. Mạnh Tử là một đứa trẻ bắt chước bất cứ điều gì mà bản thân nhìn thấy và nghe thấy, thường bắt chước cách giết lợn của hàng xóm, chơi trò bán hàng và hơn thế nữa. Người mẹ nhận thấy điều đó, nên đã quyết định chuyển nhà để thay đổi môi trường sống. Sau khi chuyển nhà từ nơi này đến nơi khác và chuyển đến sống gần trường vào lần thứ ba, Mạnh Tử bắt đầu học bằng cách bắt chước những học sinh. Mạnh Mẫu nhìn thấy được tình hình và quyết định định cư ở đó.
Câu chuyện đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với trẻ em. Những sự việc xảy ra xung quanh có thể thay đổi những điều tốt đẹp mà một đứa trẻ ban đầu có được. Vì vậy, việc giáo dục con cái tính nhất quán cũng như giữ nguyên vẹn những phẩm chất vốn có của chúng là vô cùng quan trọng. Mạnh Mẫu đã ba lần chuyển nhà và thể hiện sự sẵn sàng làm hết sức mình trong việc dạy dỗ con cái.
Những lời dạy của Mạnh Mẫu, ảnh hưởng to lớn đến con người hiện đại chúng ta. Nhiều bậc phụ huynh cũng có xu hướng chọn nơi có môi trường giáo dục tốt để ở nhằm tạo một môi trường phát triển tốt cho con cái.
Câu chuyện ngụ ngôn: Đậu Yên Sơn dạy con
Câu chuyện ngụ ngôn của bài thứ 2 trong “Tam Tự Kinh”, giới thiệu câu chuyện về Đậu Yên Sơn đã nuôi dạy 5 người con thành tài. Câu chuyện này cũng cho thấy rằng bạn có thể tạo nên tên tuổi cho chính mình và đạt được một điều gì đó bằng cách hướng dẫn con bạn đi đúng hướng.
Vào thời Hậu Tấn, có một người tên là Đậu Vũ Quân, sống ở Kế Châu (khu vực này mọi người gọi là nước Yên thời cổ đại) vì vậy người ta gọi ông là Đậu Yên Sơn. Ông lớn lên trong một gia đình giàu có, nhưng ông có tính cách rất xấu và thường bắt nạt những người nghèo hơn mình, chính vì những hành động xấu của mình mà hơn 30 tuổi ông vẫn chưa có con. Một ngày nọ, trong giấc ngủ ông mộng thấy cha mình báo tin. “Con tâm địa bất chính, đã làm rất nhiều điều sai trái. Nếu tiếp tục như vậy, con không những không có con mà còn bị rút ngắn tuổi thọ. Trong tương lai, nếu con chịu sửa đổi tâm tính của mình, làm những việc tốt, giúp đỡ được người khác, thì vẫn có thể có khả năng cứu vãn”. Khi tỉnh dậy, ông đã khắc sâu những lời cha nói trong giấc mơ và thề sẽ không làm điều gì sai trái nữa.
Sau đó, ông không những không làm việc xấu nữa mà còn giúp đỡ rất nhiều người. Ông mở lớp học tại nhà, thuê một thầy giáo nổi tiếng về dạy cho những đứa trẻ có gia cảnh nghèo khó không có cơ hội đến trường. Một hôm ông nhặt được một túi tiền trước cửa nhà trọ. Ông đã đợi ở đó cả ngày cho đến khi người chủ quay lại tìm chiếc túi, ông đã trả lại nó nguyên vẹn rồi mới trở về.
Một đêm sau đó vài tháng, ông lại mơ thấy cha mình. Cha nói với ông: “Thần Phật sẽ ban cho con 5 người con và kéo dài tuổi thọ cho con vì con đã tích đức rất nhiều”. Ông biết đó chỉ là một giấc mơ, nhưng ông vẫn học hành nghiêm túc và làm nhiều việc thiện hơn. Sau đó, vợ chồng ông thực sự có với nhau 5 người con.
Đậu Yên Sơn rất coi trọng việc giáo dục con cái, ông dạy chúng đối nhân xử thế và đạo lý của các bậc Thánh hiền. Năm người con lớn lên dưới sự hướng dẫn của ông đều thi cử đỗ đạt. Danh tiếng của Đậu Yên Sơn và 5 người con trai của ông không chỉ lan rộng trong địa phương mà được lan truyền khắp nơi.
Câu chuyện này tương tự như truyện Châu Xử trừ tam quái của bài 1 trong “Tam Tự Kinh”. Cả Chu Xử và Đậu Vũ Quân đều xấu nhưng sau khi thức tỉnh và tu sửa tâm tính thì đều đã thành công. Ngoài chuyện cải sửa tâm tính hướng thiện và đạt được thành công, thì việc thiện ác hữu báo cũng được nói đến trong bài học này. Nhất cử nhất hành của con người Thần Phật đều đang phán xét. Nói cách khác, không phải ngẫu nhiên mà những lời dạy của Nho giáo, khuyến khích con người làm việc thiện và đề cao đức hạnh đã được lưu truyền ở Trung Quốc hàng ngàn năm, mà còn cho thấy những đạo lý sâu rộng ẩn sau nó. Mục đích của nó là giúp con người duy trì sự tốt lành và nhận được phúc báo.
Đậu Yên Sơn đã thay đổi tâm tính tôn trọng đức hạnh và hành thiện, bởi vì ông nhận ra rằng trên đầu ba thước có thần linh, và ông đã được ban phúc nhờ vào sự tu sửa đạo đức của mình. Câu chuyện đã cho chúng ta hiểu được tại sao trẻ em cần được học những lời dạy của các bậc Thánh hiền và tầm quan trọng của nó. Cả Mạnh Mẫu và Đậu Yên Sơn đều là những tấm gương thành công trong việc dạy điều tốt cho trẻ em thời cổ đại, khẳng định sự đúng đắn của bài học trong phần trước.
Nguồn: epochtimes.jp Mộc Hương biên dịch