Tuệ Tĩnh là người đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam với quan điểm chữa bệnh rõ ràng, nỗ lực nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ những đóng góp quan trọng đó ông được phong làm ông tổ ngành thuốc Nam.
Các bộ sách Hồng Nghĩa tư giác y thư và Nam Dược thần hiệu mà thiền sư để lại không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà có vai trò quan trọng đối với nền y học cũng như văn học dân tộc.
1. Tiểu sử cuộc đời thiền sư Tuệ Tĩnh
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa sinh năm 1330. Ông xuất thân trong một gia đình thuần nông thuộc làng quê nghèo ở Phủ Thượng Hồng, trấn Hải Đông (nay thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Đến năm 6 tuổi biến cố gia đình xảy đến, cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ nên được các nhà sư ở chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy cưu mang, nuôi ăn học.
Đến năm Tân Mão 1351 khi vừa tròn 22 tuổi, ông đỗ Thái Học Sinh. Dù được vua Trần Dụ Tông mời ra làm quan nhưng Nguyễn Bá Tĩnh kiên quyết khước từ, xin quay lại con đường làm tu hành và làm thuốc. Năm Giáp Dần 1374, chàng trai trẻ tuổi Xứ Đông lại đỗ Hoàng Giáp nhưng vẫn chọn theo nghiệp nghiên cứu thuốc để trị bệnh cứu người.
Với sự tài giỏi và uyên bác về y học cổ truyền, năm 1385 Tuệ Tĩnh bị triều đình cống sang Trung Quốc, tại đây ông được phong là Đại y Thiền sư khi trị bệnh thành công cho vua và hoàng hậu triều Minh. Cũng kể từ đây, Nguyễn Bá Tĩnh không trở về quê hương mà tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho nền y học dân tộc. Ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc sau đó nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể.
2. Quan điểm về y học cổ truyền của danh y Tuệ Tĩnh
Thiền sư Tuệ tĩnh cho rằng, người làm y không chỉ chữa bệnh cứu người mà còn phải nghiên cứu, viết viết sách để lưu truyền những bài thuốc hữu ích đến nhân dân. Ông xây dựng một quan điểm y học độc lập, khác biệt so với những thầy thuốc cùng thời.
3. Nam dược trị nam nhân
Không chỉ chữa bệnh, tìm kiếm thêm những bài thuốc mới, vị đại danh y này còn dạy nhân dân trồng thuốc, cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. Đây được xem là quan điểm vô cùng tiến bộ khi con người chủ động phòng tránh bệnh tật, sử dụng thế mạnh vốn có về cây thuốc Nam để tăng cường sức khỏe.
Trong suốt sự nghiệp, danh y Tuệ Tĩnh luôn đánh giá cao vai trò chữa bệnh của các vị thuốc Nam. Các bài thuốc của ông sử dụng 630 vị thuốc để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau như: Lao lực, hỏa tích, trúng độc, hóa đàm, thanh nhiệt…
4. Phương pháp chữa bệnh dưỡng sinh của danh y Tuệ Tĩnh
Với quan điểm không chữa bệnh thụ động, thiền sư Tuệ Tĩnh đã chủ động đi sâu nghiên cứu và tìm ra các phương pháp phòng chống bệnh tật hiệu quả. Ông nhận thức được tầm quan trọng của tập luyện trong nâng cao sức khỏe, hướng dẫn người dân tránh ưu phiền để cơ thể dẻo dai.
Bên cạnh các bài thuốc Nam, danh y Tuệ Tĩnh còn chỉ ra phương pháp dưỡng sinh cực hiệu quả:
– Bế tinh: Luôn giữ gìn tinh thần và thể chất, không nên hao phí tinh chất. Đây là điều cốt yếu trong bảo vệ sức khỏe.
– Dưỡng khí: Tăng cường luyện tập, hấp thu dưỡng khí để bồi bổ khí lực cho cơ thể. Có như vậy cơ thể mới cường tráng, sức khỏe mới thật sự dẻo dai.
– Tồn thần: Bồi dưỡng bế tinh, dưỡng khí. Tuy rằng tinh thần là yếu tố bên ngoài nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe. Bởi khi tinh thần phấn chấn thì mới cảm thấy sảng khoái tự tin, cơ thể mới được ổn định và tăng cường.
– Thanh tâm: Luôn sống trong sạch, chất phác, không gian dối, tránh những tức giận, buồn bực.
– Quả dục: Hạn chế những ham muốn thái quá, giảm dục vọng, không hám tiền tài danh vọng.
– Thủ chân: Thiên về chân khí, những yếu tố liên quan đến quan hệ xã hội, sống chan hòa với những người xung quanh.
– Luyện hình:Tích cực rèn luyện thân thể, tham gia luyện tập thể thao để khí huyết được lưu thông.
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: tapchiyhoccotruyen