Danh lợi thế gian vốn hư ảo, nhưng lại cám dỗ con người ta.
Có một vị thư sinh tên Tề Ánh tham gia khoa thi Tiến sĩ, anh tạm trú ở Nam viện của Lễ bộ. Sáng sớm trời đổ mưa, Tề Ánh thì chậm rãi đi bộ dưới chân tường. Lúc này, anh nhìn thấy có một lão nhân mặc bạch y chống gậy đi tới, phía sau là hai người hầu nhỏ tuổi đi theo. Ông lão chào Tề Ánh nói: “Mặt trời đã lên cao, chắc cậu vẫn chưa ăn cơm, nhà lão cách đây không xa, cậu có thể đến đó”. Tề Ánh cảm kích rồi đi theo ông lão.
Ông lão nói: “Ta đi về trước, để lại một người hầu dẫn đường cậu vậy.” Nói xong ông lão cưỡi lừa phóng đi như bay.
Tề Ánh được đưa đến một gian nhà mới thanh tịnh, sân vườn sạch sẽ ngăn nắp. Đợi một lúc lâu, ông lão từ trong đi ra, đi cùng ông là mười mấy người hầu trên tay đều mang xách đồ đạc. Tất cả đi đến gian nhà chính để tìm chỗ ngồi, chỉ thấy gian chính nhìn lộng lẫy sạch sẽ, xa xỉ phong phú.
Một lúc sau, mấy người hầu nữ dọn lên rượu và đồ ăn nhìn rất thịnh soạn. Tề Ánh và ông lão dùng bữa được một lúc thì có người thưa rằng ai đó đã đưa đến một trăm đồng tiền. Ông lão nói: “Đây là của tửu quán đưa đến, tôi đã dùng một viên thuốc làm một vò rượu cho họ“. Đến tối, Tề Ánh xin cáo từ để ra về, lúc này ông lão hỏi: “Cậu có tướng mạo rất đặc biệt, cậu muốn làm Tể tướng, hay muốn làm Thần tiên?“.
Tề Ánh nói: “Tôi muốn làm tể tướng“. Ông lão cười nói: “Năm sau, cậu nhất định có thể thi đỗ, làm Tể tướng không thành vấn đề.” Lúc ra về, ông lão tặng cho Tề Ánh mấy chục cuộn gấm vóc, và dặn rằng: “Đừng nói với người khác chuyện này. Lúc nào rảnh rỗi thì hãy qua chơi“. Tề Ánh bái tạ ông lão.
Về sau, Tề Ánh lại đến mấy lần nữa, lần nào đều cũng đều nhận được quà tặng. Mùa xuân năm thứ hai, quả nhiên anh đã thi đậu. Đám bạn đồng lứa thấy anh mũ áo chỉnh tề, đã hỏi anh trong lúc anh uống say. Cuối cùng Tề Ánh đã vô tình đem toàn bộ mọi chuyện nói ra. Anh còn cùng với hơn 20 người đến bái kiến ông lão. Ông mượn cớ bệnh không gặp mặt bọn họ, chỉ gọi một mình Tề Ánh vào và trách mắng: “Sao cậu lại dễ dàng tiết lộ mọi chuyện như vậy? Đáng nhẽ cậu còn có thể thành tiên nữa, nhưng bây giờ đã không thể được nữa rồi“. Nghe xong Tề Ánh đi ra ngoài, trong tâm rất hối hận. Mười ngày sau, anh lại quay lại thăm nhưng ông lão đã bán ngôi nhà cho người khác, không biết đã đến nơi nào.
Vì lợi mà kiện cả Thần Tiên
Năm xưa Lão Tử có một người hầu tên là Từ Giáp đã đi theo ông được hơn 200 năm. Lão Tử mỗi ngày trả trả anh ta 100 tiền, tổng cộng đã nợ anh ta tiền công là 720 vạn tiền. Khi Lão Từ sắp xửa ra khỏi Quan Tây đến núi Côn Luân, Từ Giáp sợ rằng sau sẽ không đòi được tiền công nữa, bèn cầu người viết cáo trạng và chuyển đến cho người giữ quan ở đây – Doãn Hỷ. Người viết cáo trạng kia thấy rằng nếu Từ Giáp đòi được khoản tiền công này thì sẽ thành phú ông, liền đồng ý gả con gái cho y. Y cũng thấy cô gái đó rất đẹp, càng vui mừng hơn, liền đưa cáo trạng đến Doãn Hỷ.
Lão Tử biết được chuyện này bèn nói với y rằng: “Ngươi lẽ ra phải chết từ lâu rồi. Ban đầu ta nhà nghèo, chỉ làm quan nhỏ, bên cạnh ta không có người làm tạp vụ bèn thuê ngươi, đồng thời cho ngươi bùa “Thái Huyền Thanh Sinh Phù”, do đó ngươi mới sống đến ngày hôm nay. Tại sao ngươi lại kiện ta? Ban đầu ta đã đồng ý với ngươi rằng, nếu ngươi sau này đến ‘cõi yên nghỉ’, khi đó ta sẽ dùng vàng tính tiền công của ngươi, trả lại hết cho ngươi. Tại sao ngươi lại vội vàng không đợi chờ thế này?”. Nói xong rồi bảo Từ Giáp cúi mặt xuống đất há miệng ra, chỉ thấy bùa ‘Thái Huyền Sinh Phù’ lập tức bị nôn ra, chữ trên bùa vẫn như mới viết, còn Từ Giáp lập tức biến thành bộ xương khô.
Doãn Hỷ biết Lão Tử là bậc Thần tiên, liền quỳ xuống dập đầu xin cho Từ Giáp, còn tự nguyện hoàn trả tiền thiếu nợ cho Lão Tử. Lão Tử bèn ném bùa Thái Huyền Chân Phù cho Từ Giáp, Từ Giáp lập tức sống lại. Doãn Hỷ bèn đưa cho Từ Giáp 200 vạn tiền rồi bảo ông ta đi. Còn Doãn Hỷ tu hành chiểu theo lời dạy bảo của Lão Tử, sau này cũng thành Tiên.
Minh Hoàng biên dịch và T/H
Nguồn: epochtimes và dkn