Người ta nói “danh sư xuất cao đồ” (thầy giỏi thì có trò hay). Thế nào là danh sư, thế nào là cao đồ? Câu chuyện của thầy trò Khổng Tử có lẽ là câu trả lời thỏa đáng…
Khổng Tử thua kém bốn học trò?
Tử Hạ hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, Nhan Hồi là người như thế nào?”
Khổng Tử nói: “Nhan Hồi nhân nghĩa còn hơn cả ta“.
Tử Hạ lại hỏi tiếp: “Còn Tử Cống là người như thế nào?”
Khổng Tử trả lời: “Tử Cống tài hùng biện còn hơn cả ta“.
Tử Hạ lại hỏi thêm: “Thế còn Tử Lộ là người như thế nào?”
Khổng Tử nói: “Tử Lộ dũng cảm hơn cả ta“.
Tử Hạ lại hỏi tiếp: “Vậy Tử Trương là người như thế nào?”
Khổng Tử trả lời: “Tử Trương trang trọng hơn cả ta“.
Tử Hạ cảm thấy bối rối, hỏi: “Nếu họ đều hơn thầy thì tại sao họ đều nguyện ý bái người làm thầy?”
Khổng Tử nói: “Nhan Hồi nhân nghĩa nhưng không hiểu biến thông. Tử Cống tài hùng biện nhưng không đủ khiêm tốn. Tử Lộ dũng cảm nhưng không hiểu lui nhường. Tử Trương trang trọng nhưng không hòa hợp được với mọi người. Bốn người ai nấy đều có sở trường sở đoản, họ đều nguyện ý bái ta làm thầy bởi vì sở trường của ta chính là những điều họ còn thiếu“.
Danh sư và cao đồ
Khổng Tử thông qua quan sát tỉ mỉ các học trò mà nhìn rõ những ưu điểm, khuyết điểm khác nhau của họ, do đó những đánh giá của ông về học trò rất chính xác, nhằm đúng điểm cốt yếu. Có câu: “Nhân bất thập toàn” – Con người không ai có toàn là ưu điểm mà không có khuyết điểm, cũng không ai có toàn là khuyết điểm mà không có ưu điểm nào.
Thế nên bậc danh sư không hẳn phải là người mọi mặt đều siêu phàm xuất chúng, mà là người có nhân cách hoàn thiện và có sự nhìn nhận đánh giá chính xác con người, sự vật xung quanh, từ đó giúp mọi người hoàn thiện, thành tựu cho người khác. Bậc danh sư cũng là người khiêm nhường, ghi nhận những ưu điểm của người khác, sẵn sàng thừa nhận những điểm mạnh của học trò, thừa nhận những điểm học trò hơn mình. Đó là sức mạnh của chính trực và khiêm tốn, chính vì thế mà họ càng được học trò và mọi người tôn trọng.
Còn người biết học tập chính là người biết tiếp nhận cái tốt, ưu điểm, sở trường của người khác để bồi bổ, bù đắp cho những chỗ thiếu sót, bất cập, sở đoản của mình. Bốn học trò này của Khổng Tử đều có những sở trường, ưu điểm còn vượt trên cả Khổng Tử, nhưng họ biết chỉ một chút sở trường, tài năng đó là không đủ, con người còn phải cần trau dồi nhiều mặt, để hoàn thiện bản thân, chứ không thể cậy chút tài năng mà khoe khoang phô diễn, để đạt được cảnh giới nhân cách hoàn thiện thì vẫn còn con đường dài xa xôi phía trước. Nếu thỏa mãn với những thành tựu, sở đắc của bản thân mình, không tìm thầy, tìm bậc minh sư chỉ ra những khiếm khuyết và giúp mình hoàn thiện thì chính là đã dừng bước, mà lại lầm tưởng mình đã đạt đến đỉnh cao rồi.
Là học trò, khi nhìn thấy mình còn những khiếm khuyết, mong tìm bậc lương sư, bạn hiền để học hỏi thì họ đang bước trên con đường hoàn thiện mình. Biết mình thấp tức là đang lên cao, biết mình yếu tức là đang mạnh lên, thấy mình “ngu” tức là đang tiến bước tới hiền năng. Bậc cao đồ là người “Kiến hiền tư tề” – thấy người hiền năng thì suy nghĩ cách để học hỏi, tìm thầy, học bạn, để mình cũng có thể hiền năng như người ta. Bậc cao đồ là người luôn biết nhìn vào bản thân để hoàn thiện mình.
Danh sư xuất cao đồ, thầy hay thì có trò giỏi, cả thầy và trò đều khiêm tốn học hỏi, không ngừng hoàn thiện mình. Câu chuyện Khổng Tử và các học trò gặp một người phạm tội bị chặt chân trên đường chu du các nước dưới đây, là minh chứng cho đức tính khiêm tốn học hỏi mọi người của bậc danh sư cùng các cao đồ: Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, rất nhiều người tìm đến, mong được bái ông làm thầy. Nước Lỗ có người gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Anh ta vì vi phạm pháp luật nên bị xử tội chặt một chân. Thấy Khổng Tử, anh ta cứ cà nhắc chống nạng theo sau, mong muốn được gặp Khổng Tử và xin bái ông làm thầy.
Khi được tiếp kiến, Khổng Tử nói với anh ta: “Anh làm việc không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt một chân. Mặc dù nay anh cũng đã tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được, thế thì có tác dụng gì?”.
Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý, nên mới mắc sai lầm để bị tội, bị chặt mất một chân. Hôm nay tôi tìm đến Ngài, là vì vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, tôi muốn bảo toàn nó. Trời không nơi nào không che phủ, vạn vật đều được Đất nâng đỡ. Tôi vốn coi Ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ Ngài lại có thái độ như thế này”.
Khổng Tử nghe xong, vô cùng xấu hổ, nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Khổng Khâu ta thực sự nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, tôi vô cùng cung kính lắng nghe và xin được học tập tiên sinh”.
Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến Khổng Tử nữa mà đã bỏ đi.
Khổng Tử nói với các đệ tử: “Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước kia của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người như Thúc Sơn Vô Chỉ thế này, bị mắc tội mà bị chặt mất một chân, vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân. Thế thì người không có lỗi lầm thì còn thế nào. Các trò nhất định phải ghi nhớ, cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới không ngừng tiến bộ”.
Trung Hòa/NTD.com/Dịch
(Tham khảo nguồn Zhengjian và dkn.tv)