Biển Thước là một vị danh y nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại. Khi khám cho người bệnh, ông có thể thấy được nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh đó. Phương pháp bắt mạch của Biển Thước được xem là đã đặt nền móng quan trọng cho ngành Đông y.
Theo sử sách, danh y tên Chương Tang Quân thời đó vì quý mến nhân cách của Biển Thước đã truyền lại những kiến thức và bí kíp y học cho ông. Từ đó, Biển Thước đi khắp nơi hành nghề chữa bệnh giúp dân, dần dần danh tiếng ngày càng được nhiều người biết đến.
Một lần nọ, khi Biển Thước đến nước Tề, Tề Hoàn Công thiết đãi ông như thượng khách. Biển Thước vừa nhìn qua Tề Hoàn Công, bèn tâu: “Bệ hạ có bệnh ở cơ bắp. Nếu không chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.
Vua Tề đáp lại “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước nghe vậy bèn lui ra.
Năm ngày sau, Biển Thước quay lại yết kiến vua Tề và nói: “Bệ hạ có bệnh trong máu. Nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.
Tề Hoàn Công trả lời “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước lại cáo lui.
Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến Tề Hoàn Công và nói: “Bệ hạ có bệnh trong dạ dày. Nếu không sớm chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”. Tề Hoàn Công chẳng nói lời nào. Biển Thước lại cáo lui một lần nữa. Sau khi Biển Thước cáo lui, Tề Hoàn Công nói với các cận thần, ta không có bệnh gì, thầy thuốc chỉ hay hù dọa.
Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào gặp Tề Hoàn Công. Vừa nhìn thấy vua Tề từ xa, Biển Thước liền đi mất. Tề Hoàn Công thấy vậy sai người hầu đuổi theo hỏi Biển Thước vì sao ông lại rời đi. Biển Thước trả lời: “Khi bệnh còn ở cơ bắp, dược liệu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong máu, châm cứu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong dạ dày, rượu thuốc có thể chữa trị được. Nhưng khi bệnh đã vào đến tủy xương, thì ngay cả thần thánh cũng phải bó tay! Bệnh của Tề Hoàn Công đã vào đến tủy xương rồi, tôi không thể chữa trị được nữa”.
Sau năm ngày, quả nhiên Tề Hoàn Công thấy trong người đau nhức. Ông được đưa đến chỗ Biển Thước, nhưng lần này Biển Thước đã rời đi rồi. Chẳng bao lâu sau, Tề Hoàn Công qua đời.
Theo Hán thư ngoại truyện, có lần Biển Thước dẫn 5 học trò đến nước Quắc (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) để làm thuốc. Nghe nói Thế tử nước Quắc bị bệnh qua đời đột ngột, ông cảm thấy đáng ngờ bèn xin được vào xem.
Quan sát một hồi, thấy cánh mũi người chết còn động đậy, hai chân còn ấm, Biển Thước chẩn đoán kỹ rồi kết luận: “Thế tử mắc chứng “thi quyết” (chết giả), có thể cứu sống được”. Ông châm kim ở các huyệt trọng yếu, sai học trò Tử Minh làm ngải cứu, Cốc Tử đổ thuốc, Tử Dung xoa bóp không ngừng tay. Hồi lâu, quả nhiên “người chết “dần dần tỉnh lại. Biển Thước lại dùng thuốc dán dưới hai nách, bệnh nhân ngồi dậy được ngay.
Căn cứ vào kinh nghiệm hành nghề của mình, khi chữa bệnh cho bệnh nhân, Biển Thước sử dụng phương pháp “tứ chẩn”, tức gồm 4 bước chẩn đoán bệnh. Đầu tiên, ông quan sát bệnh nhân và chú ý tới vẻ bề ngoài như màu da, màu lưỡi. Bước thứ hai, ông nghe giọng nói, nhịp thở. Bước thứ ba, ông hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà họ gặp phải. Cuối cùng, ông bắt mạch.
Tương truyền, Biển Thước chính là người đã khai sinh ra phương pháp bắt mạch, đặt tiền đề quan trọng cho Đông y. Về phương pháp bắt mạch của Biển Thước, dân gian lưu truyền một giai thoại.
Có lần, Biển Thước đến nước Tấn, biết được Triệu Giản Tử người đang nắm quyền chính trị trong nước lâm bệnh, hôn mê đã 5 ngày. Biển Thước bắt mạch, thấy mạch bệnh nhân yếu ớt, lại nghe rằng chính trị nước Tấn lúc ấy rối ren nên đoán Triệu Giản Tử lao tâm quá mức khiến máu không tuần hoàn tốt dẫn tới hôn mê. Biển Thước kê thuốc cho Triệu Giản Tử uống. Chỉ hai ngày sau, bệnh nhân tỉnh lại, bệnh dần thuyên giảm. Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên tán tụng: “Thiên hạ nói đến mạch là nói đến Biển Thước”.
Ngoài “tứ chẩn”, Biển Thước còn am hiểu và sử dụng nhiều các phương pháp trị liệu như châm cứu, châm kim đá, xoa bóp. Đặc biệt, ông đề cao phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh có giá trị gấp đôi chữa bệnh. Điều này có thể thấy rõ trong giai thoại về Tề Hoàn Công.
Biển Thước để lại cho người đời nhiều bí kíp, tác phẩm y học đồ sộ như “Nạn Kinh”, “Biển Thước ngoại kinh”. Về sau, Biển Thước cùng Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được hậu thế xưng tụng Trung Quốc cổ đại Tứ đại danh y.
Thậm chí ngày nay, các bác sĩ Trung Y vẫn phải học tập phương pháp bắt mạch của Biển Thước. Tác phẩm quan trọng bậc nhất mà Biển Thước để lại là “Hoàng Đế 81 Nạn Kinh”, một công trình đặt nền móng cho Trung Y, và đã có một ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của y khoa Trung Quốc.
Tk The Epoch Times Kiên Tấn