Người xưa nói: “Thông minh không sánh được với đức hạnh”. Thông minh có thể do thiên phú nhưng đức hạnh lại do tu dưỡng mà thành. Cũng có câu nói: “Chiến thắng nhỏ dựa vào trí tuệ, thắng lợi lớn dựa vào đức hạnh”. Nghĩa là sự khôn khéo và danh tiếng của một người có được trong một thời gian ngắn và cái gọi là thành công dựa vào năng lực và vận may của bạn, nhưng nếu bạn muốn đạt được thành công thực sự và giành được sự tôn trọng của người khác, bạn phải dựa vào đức hạnh.
Chắc các bạn đều biết Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649), vị Hoàng đế thứ hai của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Sinh thời, ông nổi tiếng là một vị minh quân và cũng là người đã mở ra thời kỳ thịnh trị của vương triều này. Thế nhưng để có thể ngồi lên ngai vị Hoàng đế, Lý Thế Dân đã từng phát động “Sự biến Huyền Vũ môn”, giết huynh sát đệ, ép cha ruột nhường ngôi. Cho tới ngày nay, đây vẫn là một trong những vết đen khó gột rửa trong cuộc đời của vị Hoàng đế nổi tiếng này.
Lý Thế Dân năm xưa luôn vô cùng nghiêm khắc trong việc nuôi dạy các hoàng tử, đồng thời lại rất cẩn thận trong việc lựa chọn người kế thừa cốt để tránh con cái đi vào vết xe đổ của mình. Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, cơ nghiệp mà ông cả đời gây dựng sau cùng lại truyền cho một người con trai bị cho là không có gì nổi bật. Đó chính là Lý Trị, tức Đường Cao Tông sau này. Vậy lý do nào đã khiến Lý Thế Dân chọn Lý Trị trở thành người kế vị?
Những “gương mặt” sáng giá trong công cuộc tranh quyền đoạt vị thời Lý Thế Dân:
Sinh thời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng có tới 14 người con trai. Thế nhưng để bàn tới việc kế vị, “ứng cử viên” cho ngai vàng của ông chỉ có 3 người con trưởng do Hoàng hậu sinh hạ, đó là: Lý Thừa Càn, Lý Thái và Lý Trị.
Theo lẽ thường, Lý Thừa Càn là con trưởng lớn nhất nên sẽ được danh chính ngôn thuận kế thừa ngai vị. Thế nhưng Lý Thế Dân còn sủng ái một người con trai khác cũng thuộc dòng trưởng. Đó là Lý Thái, đây là vị Hoàng tử được cho là sở hữu tính cách vô cùng giống phụ hoàng. Năm xưa, Hoàng đế thường xuyên để Lý Thái tham gia những cuộc luận đàm với bề tôi về quốc gia đại sự. Vì vậy địa vị của người con này cũng tương đối vững vàng trong triều đình.
Nếu so sánh với hai người anh trai cùng mẹ nói trên cũng như những người con của dòng thứ, Lý Trị có thể coi là vô cùng mờ nhạt. Chẳng những chịu thiệt thòi về tuổi tác vì sinh sau đẻ muộn, ông còn bị cho là không sở hữu tài năng xuất chúng, cũng không được vua cha quá mức sủng ái. Thế nhưng, ngôi vị vua cha truyền lại không ai khác là Lý Trị.
Vậy nguyên nhân nào khiến Lý Thế Dân lựa chọn truyền ngôi cho Lý Trị?
Năm xưa để có được ngai vàng, Lý Thế Dân đã từng giết chết hai người anh em ruột thịt và ép cha ruột nhường ngôi cho mình. Vì áy náy nên vị Hoàng đế ấy chưa bao giờ mong muốn các con đi vào vết xe đổ của mình. Cũng bởi vậy mà kể từ sau khi phong con trưởng Lý Thừa Càn làm Thái tử, ông ra sức trợ giúp, từ từ giao lại việc triều chính cho người con này. Thế nhưng vì Lý Thái cũng có địa vị trong triều, lại được vua cha yêu thương, Thái tử lo sợ rằng người em trai ấy sẽ nối gót cha mà phát động chính biến, đoạt đi ngai vị của mình. Vì vậy, Lý Thừa Càn đã âm thầm lên kế hoạch soán ngôi, mục tiêu là trước đem ngai vàng đoạt về tay mình, sau đó mới trừ khử đối thủ. Điểm đáng nói nằm ở chỗ, âm mưu ấy không có cơ hội trở thành hiện thực. Vua cha sau khi biết được ông mưu đồ soán ngôi đoạt vị liền thẳng tay phế đi ngai vị Thái tử.
Thái tử đã bị phế, Lý Thái cho rằng ngai vị chắc chắn sẽ về tay mình, liền càng lúc càng trở nên ngông cuồng, mở yến tiệc tại tư gia thết đãi trọng thần, thậm chí còn khoác lác rằng mình chắc chắn sẽ lên làm Hoàng đế. Mặc dù người con này sở hữu tính cách vô cùng giống cha, nhưng Lý Thế Dân lại hết sức bài xích sự ngông cuồng, tự đại đó. Bởi vậy, ông quyết định thu lại Vương tước của Lý Thái, đồng thời cũng gạt vị Hoàng tử này khỏi danh sách ứng cử viên thừa kế ngai vàng.
Trải qua một loạt các biến cố nói trên, Hoàng tử thuộc dòng trưởng của Lý Thế Dân lúc đó chỉ còn lại duy nhất một người. Đó không ai khác ngoài Lý Trị. Về phần Lý Trị, mặc dù không quá nổi bật, thế nhưng ông lại sở hữu một ưu điểm mà vua cha luôn tìm kiếm – không bị mờ mắt vì tranh đoạt quyền lợi. Đó là chưa kể Lý Trị lúc sinh thời sở hữu phong thái trầm ổn, lại biết cách đối nhân xử thế.
Cũng bởi vậy nên ông được vua cha coi trọng, sau cùng được chọn làm người kế thừa ngai vàng, danh chính ngôn thuận tiếp quản giang sơn nhà Đại Đường, trở thành Đường Cao Tông sau này.
Có câu nói: “Thông minh không bằng có đức hạnh.” Người sắc sảo luôn cho rằng mình thông minh nhưng lại hay bị lầm tưởng là người thông minh vì trong lòng không có đức, dù có được công danh nhất thời cũng khó được hưởng cả đời. Đối xử tốt với người khác là tài sản lớn nhất để một người có thể bước chững chạc trên con đường đã được an bài.
Đừng đánh mất lương tâm và đức hạnh của bạn dù trong hoàn cảnh nào
Bạn có thể đánh mất tất cả nhưng không được đánh mất lương tâm, đừng tưởng rằng việc xấu xa mình làm là khôn khéo và “thần không biết, quỷ không hay”. Có câu: Muốn người khác không biết tốt nhất là đừng làm. Bạn có thể thoát khỏi những bản án của cuộc đời nhưng không thoát khỏi bản án trong lương tâm đâu.
Biển không rộng bằng lòng người, đất không dày bằng đức hạnh. Lương tâm là nền tảng vững chãi nhất của đời người, người mất lương tâm thì khác gì kẻ chết đi một nửa.
Lương tâm được ví như nền móng của ngôi nhà, không có nó thì nhà cao tầng sẽ sụp đổ. Đức hạnh như là cái gốc nâng đỡ cây cối, không có sự nuôi dưỡng của nó, dù cây cao chót vót cũng sẽ trở nên héo khô và chết dần chết mòn.
Đạo làm người: Lương tâm là nền móng, không có thì nhà sẽ sụp; đức hạnh như gốc rễ, không có cây sẽ gục mòn. Nên mới nói rằng: Đạo đức là chìa khóa vạn năng, có thể mở tất cả cánh cửa cuộc sống. Con người có đạo đức chính là họ đang sở hữu được chiếc chìa khóa đó. Mọi sự thành công đều từ đó mà nên.
Nhung Nguyễn sưu tầm