Đạo “Trung Dung” là một cuốn sách trong bộ “Tứ thư” của Nho giáo . Có lẽ vì vậy mà khi nói về đạo “Trung Dung” nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn đi trên con đường “Trung dung” mà không để ý.
“Trung” trong “Trung dung” nghĩa là giữa, ở giữa, ở trong. Khổng Tử nói rằng: “Quá do bất cập” nghĩa đơn giản nhất là “cái gì quá cũng không tốt” chắc hẳn đây là câu nói rất quen thuộc với chúng ta hàng ngày. Câu nói này của Khổng Tử đã giải thích một cách dễ hiểu nhất về đạo “Trung Dung”, đạo lý nhắc nhở mọi người rằng làm việc gì cũng đừng làm quá, đừng quá cố chấp, đừng quá cực đoan, bởi cái gì nếu đi quá giới hạn cũng sẽ gây nên rắc rối hoặc sẽ dẫn dến thất bại, đi ngược với mục tiêu của bạn. Có quy luật rằng vạn vật luôn quay ngược chiều khi phát triển đến đỉnh vì vậy khi làm bất cứ việc gì nên cần biết cân bằng.
Ví dụ như khi đi thuyền nếu chúng ta ngồi dồn về 1 phía thì thuyền sẽ bị lật. Trong trường hợp này đạo “Trung dung” được áp dụng là đặt trọng lượng ở giữa, không thiên lệch, không đi sang cực đoan, bảo trì sự cân bằng trong quá trình thực hiện các việc. Đây là đỉnh cao trong tư tưởng của Nho giáo mà mọi người có thể dễ hiểu và dễ thực hành.
Khổng Tử có thể trở nên uyên thâm đến vậy chính là vì ông đã hiểu thấu đạo lý này. Nếu bạn không thật sự hiểu ý nghĩa của đạo “Trung Dung” bạn sẽ không thể nhận thức cũng như lý giải được những bài giảng về nhân nghĩa mà Nho giáo muốn truyền đạt, thậm chí còn cho rằng đây là những giáo điều cổ hủ. Vì vậy, đạo “Trung Dung” rất quan trọng, và nếu vận dụng tốt, nó có thể giúp chúng ta giữ vững vị trí và được đặt vào thế bất bại.
Cũng như vậy, muốn dạy con hiểu lễ nghĩa thì đạo “Trung Dung” rất là quan trọng. Ví dụ trong việc giáo dục con cái, nếu khi con mắc lỗi bạn không đành lòng trách phạt và đưa ra hình thức kỷ luật con cái vì bạn thương con và nuông chiều con quá mức, thì chính lòng thương theo cách này vô tình bạn đang làm hại con khiến chúng trở thành những đứa trẻ có cách cư xử kém. Thậm chí có những đứa trẻ lớn lên chỉ biết đòi hỏi, phàn nàn và oán trách cha mẹ, phủ nhận tình yêu thương của cha mẹ.
Nhìn từ quan điểm đạo “Trung Dung”, việc cha mẹ nuông chiều con cái một cách thái quá là họ đã đi chệch hướng quỹ đạo cân bằng và kết quả là “Quá do bất cập”. Khi đó yêu thương quá lại thành như không thương, nếu đi lệch tình yêu sẽ xa rời.
Còn nếu giáo dục con cái quá khắt khe, lúc nào cũng nói với trẻ những câu như: “con như thế là không được”, sẽ sinh ra sự ám ảnh, hận thù trong lòng đứa trẻ. Đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người có tính cách quá nhu nhược hoặc quá ngỗ ngược. Đây cũng là kết quả của việc giáo dục một cách cực đoan và sẽ dễ dẫn đến thất bại. Vì vậy nếu không cân bằng, không hiểu rõ đạo “Trung Dung” sẽ không thể đem lại một tình yêu tốt đối với con trẻ.
Đạo “Trung Dung” không chỉ quan trọng trong việc giáo dục con cái, mà còn trong các mối quan hệ khác nhau như vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, vv… chính là lấy hết thảy đạo lý làm người thời xưa để đối đãi. Nếu bạn nắm giữ thiện niệm mà không bị thiên lệch, bạn sẽ giữ được tâm công bằng, vị tha và có thể làm tốt mọi việc.
“Dung” trong “Trung Dung” chính là bình thường, luôn luôn, bất biến. Trong cuộc sống, từ việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, hay việc lớn trong thiên hạ, ở trong đó đều có cái lý bình thường chi phối cả. Lý ấy là thiết thực, không quái lạ, mà cũng không thay đổi được. Chỉ cần có sự thay đổi chính là đã đi chệch quỹ đạo công chính, hoặc thiên lệch sẽ mất đi sự cân bằng không thể đứng vững và sẽ bị sụp đổ. Đây là nguyên tắc bất biến.
Vậy “Trung Dung” chính là không thiên lệch về một bên nào, luôn luôn giữ ở mức quân bình, không thái quá mà cũng không bất cập, thích đáng trong tất cả quan hệ đối với người hay xử lý các việc.
Nguyên lý Trung Dung chi phối đời sống hằng ngày bằng sự điều hòa các hành vi, tình cảm, chi phối đời sống xã hội, điều hòa những mối quan hệ giữa các sự vật, sự việc trong cuộc sống, sao cho giữ được thế quân bình thích đáng cần thiết cho sự sinh tồn.
Nguồn: visiontimesjp.com Mộc Hương biên tập