Cổ ngữ có câu: “Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, phú quý truyền gia, bất quá tam đại”, đạo đức có thể truyền lại mười đời không hết, nhưng truyền lại phú quý giàu có thì bất quá chỉ đến ba đời là tiêu tan.
1. “Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo gây thù”
Câu thành ngữ trên ý nói đến một câu chuyện khi giúp đỡ người khác một chén cơm lúc họ đói thì họ sẽ cảm ơn bạn. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho anh ta thóc để trồng ra hạt gạo thì với họ bao nhiêu cũng là không đủ.
Trong cuộc sống vẫn có những điều như vậy, khi giúp đỡ người khác lần đầu họ sẽ biết ơn bạn, đến lần thì hai lòng biết ơn sẽ phai nhạt hơn, và lần sau nữa thì họ sẽ cho đó là chuyện đương nhiên, và khi không còn được giúp đỡ họ sẽ quay sang oán giận, bởi vậy lòng tốt cũng cần được giữ gìn.
Khi việc cho đi trở thành thói quen, nó sẽ tạo thành trách nhiệm không thể chối bỏ. Có câu nói rằng: Dục vọng giống như nước biển vậy, uống càng nhiều sẽ càng khát. Dục vọng, ham muốn thật ra chính là vết ngứa trong tâm hồn.
2. Kiên trì
Dung Hoành là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời cận đại Trung Quốc, là học sinh du học đầu tiên của Trung Quốc tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ).
Tăng Quốc Phiên từng đặt kỳ vọng vô cùng to lớn đối với Dung Hoành, cũng nhờ vậy mà Dung Hoành luôn không ngừng nỗ lực để cống hiến, làm nên sự nghiệp. Nhưng cuối cùng cũng có lúc mệt mỏi khiến ông muốn dừng lại.
Có một lần, Dung Hoành than phiền kể khổ với Tăng Quốc Phiên. Lúc ấy, Tăng Quốc Phiên đã nói rằng: “Lão phu sống hơn 50 tuổi, sự việc trải qua không ít, thiên hạ có những việc nhờ ép mà ra. Khó khăn, ép bức chính là khởi nguồn của sự khích lệ”.
Câu nói ấy của Tăng Quốc Phiên khiến Dung Hoành vô cùng cảm kích, từ đó về sau không còn nhắc lại nỗi khổ nữa. Ông nỗ lực hết mình, từng ngày từng ngày tiến bộ, từng bước từng bước tiến lên. Bị ép bức, bị thất bại, bị thiệt thòi cũng không nhất định là việc xấu. Ngược lại, chính là nhờ đó mà con người mạnh mẽ hơn, nhờ đó mà làm nên việc lớn. Thành công có vẻ như là một tương lai xa nhưng thực ra nó chỉ là bước cuối cùng của sự cố gắng.
3. Cơ hội có khắp mọi nơi
Thay vì phàn nàn về người khác, tốt hơn là bạn nên bước nhanh hơn để theo kịp. Cơ hội ở khắp mọi nơi trên thế giới này, điều cốt lõi là bạn phải xem mình có khả năng hay không.
Trời không phụ lòng người, năng lực có bao nhiêu thì làm, không có thì để việc cho người khác, đừng vì sự yếu kém của bản thân mà phải đi tranh giành những thứ không thuộc về mình. Nếu dùng thủ đoạn mà có được thì dù giàu có cũng chẳng bền lâu, và không được mọi người tin cậy
Không phải quá lo lắng. Chỉ cần có niềm tin về năng lực của mình, bạn sẵn sàng để tiến lên phía trước, làm việc bằng lương tâm và sẽ nhận lại những thứ của chính mình, như thế mới được bền lâu.
4. Trung thành
Người xưa nói: “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm hỏi mấy người?”. Lại có câu: Đàn ông chỉ có khổ một lần mới sẽ biết người phụ nữ nào yêu bạn thật lòng; phụ nữ chỉ có xấu một lần, mới biết người đàn ông nào sẽ không rời bỏ bạn.
Người bạn xã giao thấy bạn mắc lỗi sẽ giữ trong lòng, không muốn tổn hại tình hữu nghị. Bạn cứ sai lầm chồng chất, dần dà họ sẽ bỏ bạn mà đi. Còn người tri kỷ thấy bạn mắc lỗi sẽ vì bạn mà khuyên can, dù bị bạn tức giận cũng góp ý đến cùng, không bao giờ rời bỏ bạn. Sống trên đời, mỗi người đều có nỗi khổ riêng, cũng không thể oán trách bạn bè người thân sao không giúp đỡ ta khi sa cơ lỡ vận.
5. Hiếu thuận
Người xưa nói: “Trăm việc thiện, chữ ‘Hiếu’ đứng đầu”, lòng hiếu thảo là đức tính tốt nhất của con người và là một trong những con đường dẫn đến thành công.
Thái độ của con cái đối với cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của họ vào thời điểm nhất định. Hiếu thuận với cha mẹ còn hơn ngàn lời yêu thương. Yêu mến tất cả mọi người và giữ lấy tinh thần: “Yêu tất cả những bậc làm cha làm mẹ trong thiên hạ như cha mẹ của chính mình, yêu tất cả những đứa trẻ trong thiên hạ như con cái của chính mình”. Hãy mở rộng tình yêu thân quyến của mình thành tình yêu bao la với tất cả mọi người và những sinh mệnh trên thế gian. Đây cũng là sự hiếu thuận lớn nhất với cha mẹ vậy.
6. Chăm chỉ
Mọi việc trên đời sẽ không khó nếu bản thân bạn luôn thật sự cố gắng, cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người, khi công việc khó khăn, bất kể năng khiếu của bạn là gì, chỉ cần siêng năng và kiên trì, trí huệ của bạn sẽ luôn được cải biến, thành quả sẽ như ý.
Những người đạt được công lớn không nhất thiết phải có trí thông minh phi thường, mà vì họ có sự siêng năng phi thường. Người xưa nói: “Cần cù bù thông minh” là một minh chứng rằng những người chăm chỉ cũng sẽ gặt hái thành công.
Chỉ có tài năng thì chưa đủ để thành công, chỉ có sự cần cù mới có thể biến nhân tài thành thiên tài. Thành công lớn tỷ lệ thuận với làm việc chăm chỉ, và sẽ có được kết quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
Cổ nhân dạy rằng: “Thiên đạo thù cần”( người bỏ công sức nhất định được hồi báo), đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chịu khó. Đây không phải là câu nói để an ủi, khích lệ con người trong cuộc sống, mà thật sự là đạo lý nhân sinh, cũng giống như câu nói “trời không phụ lòng người.”
Nguồn: Secretchina
Hằng Tâm biên dịch