Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự chuyển động, bình thản vô tâm mà khéo sắp đặt mọi việc. Đạo trời không thiên vị ai, luôn giúp đỡ cho người lương thiện. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất).
Đạo trời ví như cánh cửa khép mở, vạn vật từ đó đi ra rồi lại trở về đó. Đạo có tính chất trừu tượng, nó không có hình thù cụ thể, không thể nắm rõ, không sáng ở nơi rực rỡ, không mờ ở nơi tối tăm và cũng không có tiếng động. Đạo vĩnh viễn không có tên gọi. Vạn vật chuyển động theo một vòng tròn khép kín. Tất cả bắt đầu từ “có”, có lại bắt đầu từ “không”.
Vạn vật tuần hoàn, trong dương có âm, âm cực dương sinh, có sinh ắt có tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở về với đạo. Từ xưa đến nay, đạo tồn tại và sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu biết được vạn vật ? Là nhờ có đạo!
Có câu: “Khiêm tốn là gốc của cao quý”. Người khôn ngoan giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ cho nên mới hơn người. Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.
Có câu: “Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn”, há phải hư ngôn! Nên chân thành giữ lấy đạo mà về với nó. Trong trời đất có bốn cái vĩ đại là Đạo, tự nhiên, trời đất và con người. Luật con người nên bắt chước tự nhiên, luật tự nhiên bắt chước luật của trời đất, luật trời đất bắt chước Đạo.
Ít nói thì hợp với tự nhiên. Cơn gió lớn không thể thổi suốt buổi sáng, cơn mưa lớn không kéo dài suốt ngày. Ai làm ra những cái ấy? Chính là do trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống chi là con người ? Người hiểu đạo biết rằng không ai có thể đoán trước những gì tương lai nắm giữ.
Tương truyền, Khổng Tử qua Chu thăm Lão Tử. Lão Tử cởi trâu ra tận đầu làng đón Khổng Tử. Hai người đàm đạo với nhau trong ba ngày về Đạo. Đến khi chia tay, Lão Tử bảo với Khổng Tử rằng:
“Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng vàng bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, tạm coi mình là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quý, xem ngoài như không có gì; người đức cao thì tướng mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”
Khổng Tử về đến nhà suốt ba ngày không ra khỏi cửa, bảo với môn sinh rằng:
“Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt, bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?”
Thực là ngược đời, cái triết học “ngược ngạo” của Lão tử lại sản sinh ra cái lý tưởng cao thượng nhất về hòa bình, khoan dung, giản phác và tri túc. Giáo huấn của ông gồm bốn điểm: trí tuệ nên như ngu độn, đời sống nên ẩn dật, xử thế nên nhu nhược và tính tình nên giản phác.
Người đắc đạo đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì họ không tư lợi mà thành được việc riêng của mình ư?
Người cực khéo thì dường như vụng. Người nói giỏi thì dường như ấp úng. Cử động thì thắng được lạnh. Nhưng yên tĩnh thì thắng được nóng. Vậy cứ thanh tĩnh thì mọi vật sẽ đâu vào đấy.
Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất. Người tốt thật sự không ý thức được tính thiện trong việc làm của mình, trái lại kẻ dại dột luôn cố gắng tỏ ra là mình tốt.
Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân không trộm cắp, không phô bày cái gợi ham muốn để lòng dân không loạn.
Lão Tử cũng nói:“Cái thiện cao nhất như nước, nước thiện lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ mà mọi người đều không thích, do đó nó gần với Đạo”. Người hay vật biết hợp với mệnh trời, thuận theo thiên đạo, tuy không tranh với vật khác nhưng tự nhiên giành chiến thắng.
Trong cuộc đời, mỗi tình huống chúng ta trải qua đều là định trước, cho dù nó không phù hợp với nguyện vọng của chúng ta. Vậy nên, thay vì oán trách số phận hay than vãn với Ông Trời, chi bằng hãy học theo đặc tính của nước: Lúc khó khăn thì hãy kiên cường, vượt qua thử thách; khi yếu thế thì biết hợp sức đồng lòng, vượt qua nghịch cảnh; khi sung mãn đủ đầy thì hãy bao dung, trải lòng rộng khắp; khi cần tiến thì hãy tiến, cần lùi thì hãy lùi, “công thành thân thoái”, lùi một bước để thấy phía trước là bầu trời…
Phái Đạo gia suy dần, tuy nhiên những tư tưởng của Lão Tử thì đã trở nên bất tử với thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng của Lão Tử không chỉ là một triết học nhân sinh mà còn là vũ trụ quan tiên báo khoa học hiện đại.
Nguồn Secretchina
Hằng Tâm