Ảnh: studywalker.jp

Làm Cha Mẹ

Dạy con giữ lời hứa – Một điều quan trọng trong việc nuôi dạy con cái

By Đăng Dũng

June 12, 2021

Ngũ thường “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” được xem là thước đo đạo đức của mỗi người. Ngũ thường là bản quy chiếu để con người hướng thiện, rèn luyện bản thân, toàn tài. Nếu mất đi bất kỳ đặc tính nào, con người rất dễ lầm đường lạc lối. Trẻ con mà biết giữ lời hứa chúng sẽ lớn lên thành người đáng tin cậy, có uy tín.

Chính vì vậy mà việc biết giữ lời hứa là điều quan trọng, cần thiết cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Nếu như biết giữ lời hứa thì sẽ nhận được sự tín nhiệm và tôn trọng từ mọi người. Vậy hướng dẫn trẻ như thế nào để trẻ có suy nghĩ đúng đắn về việc giữ lời hứa.

  1. Giải thích cho trẻ về lời hứa và sự quan trọng của lời hứa

Tư duy của trẻ rất đơn giản, ngay từ đầu trẻ sẽ chưa hiểu thế nào là lời hứa và tại sao lời hứa lại quan trọng. Nên các bậc cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết về sự cần thiết và quan trọng của lời hứa. Bạn nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.

Việc dạy trẻ giữ lời hứa nghĩa là cha mẹ dạy trẻ biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, là một người uy tín.

Khi giải thích, hãy nhấn mạnh những bất lợi của việc không giữ lời hứa cho con bạn hiểu. Ví dụ như: “Nếu không thực hiện được điều này, thì có thể con sẽ không có được một công việc mà con muốn khi con trưởng thành. Cũng như vậy nếu con chỉ ăn quà vặt mà không ăn cơm, thì con sẽ không thể cao và trở thành một người trưởng thành tuyệt vời” chẳng hạn,…Tuỳ vào từng bối cảnh mà cha mẹ có thể dạy con theo nhiều cách ý nghĩa hơn. Làm sao để con bạn hiểu rằng bạn không yêu cầu phi lý và ép buộc con phải học việc giữ lời hứa này.

  1. Cách nhớ những điều đã hứa

Để dạy trẻ biết giữ lời hứa, trước hết bạn cần làm gương cho trẻ, chính mình giữ lời hứa với trẻ và giảng giải cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc giữ lời hứa là như thế nào.

Bản thân người lớn nhiều khi cũng hứa xong lại quên. Trong rất nhiều trường hợp bạn không nhớ ra bạn đã đã hứa gì hơn là việc bạn không thực hiện lời hứa. Những trường hợp như vậy, việc lặp đi lặp lại và hình dung lời hứa sẽ rất hiệu quả. Bằng cách lặp lại lời hứa, bạn có thể nhớ chúng nhiều hơn. Sau đó, bạn ghi những lời hứa của mình vào một tờ giấy và để nó ở một nơi dễ thấy ví dụ như lối vào, bàn học của con, bàn làm việc của bạn… Sự trực quan có thể ngăn chặn tình trạng dễ dàng “quên”.

Trong suốt quá trình dạy dỗ con cái, những việc mà cha mẹ thực hiện khi đã hứa với trẻ là rất quan trọng. Bất cứ trường hợp nào cha mẹ cũng nên đã hứa thì hãy làm. Khi cha mẹ luôn giữ lời hứa, được tín nhiệm, trẻ sẽ hành động một cách tích cực và trẻ cũng sẽ ứng xử theo điều mà cha mẹ đã thể hiện.

Thái độ ứng xử của cha mẹ về việc thực hiện lời hứa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và hành vi của con cái. Những hành vi ứng xử của cha mẹ luôn ăn sâu trong từng nét tính cách của trẻ. Vì thế, việc cha mẹ không giữ lời hứa với trẻ cũng dễ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tính cách của trẻ, khiến trẻ bất an, hoài nghi và mất lòng tin về cha mẹ, gia đình. Mà cha mẹ, gia đình lại là điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng với con cái.

  1. Xác định hình phạt

Còn một chặng đường dài phía trước để con bạn hình thành thói quen giữ lời hứa.

Bạn cần bắt đầu với một lời hứa đơn giản, bạn có thể khen thưởng cho con và dần đần đi đến một lời hứa khó hơn một chút nếu con bạn có thể làm tốt. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng hình phạt với con nếu liên tục không giữ lời hứa. Việc quyết định hình phạt theo tâm trạng và cảm xúc của cha mẹ vào hoàn cảnh đó sẽ là không ổn và bạn nên tránh.

Trước khi đưa ra hình phạt, bạn cần nhiều lần nhắc cho con bạn biết điều gì sẽ xảy ra nếu con bạn thất hứa. Khi đưa ra hình phạt, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu trẻ không hiểu tại sao mình lại bị như vậy.

Thói quen giữ lời hứa không phải là thứ con bạn có thể thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bạn có thể làm tấm gương tốt cho con mình thì điều đó sẽ trở nên đơn giản hơn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ sâu sắc hơn và con bạn sẽ trở nên nghe lời hơn. Lời hứa cũng là động lực giúp con hoàn thành tốt mọi việc hơn và đây cũng là những thỏa thuận có qua có lại.

“Một lần thất tín, vạn lần bất tin” vậy nên đừng làm mất chữ tín của mình, đừng nên dối những ai đã tin mình. Dù là trong cuộc sống, hay trong kinh doanh, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu, là chuẩn mực để xây dựng các mối quan hệ lâu dài, bền chắc. Chữ tín không chỉ là tôn trọng người khác, mà còn là tôn trọng chính bản thân mình. Vậy nên đừng chỉ nói những lời “hứa xuông” để ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của mọi người đối với ta.

Nguồn: epochtimes.jp

Mộc Hương biên tập