Nguồn ảnh: ST

Dạy Con Thông Thái

Dạy con như hoàng đế Khang Hy: “Các con đi bộ 5 km đến lớp học, đọc sách phải đọc 120 lần”

By Lan Hòa

April 01, 2022

Hoàng đế Khang Hy được người đời sau ca ngợi không chỉ vì tài cai trị đất nước lỗi lạc mà còn ở cả cách dạy con thông minh, sáng suốt. Là Hoàng đế, Khang Hy vô cùng bận rộn với những công việc đại sự của vương triều và phê duyệt tấu chương. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ lấy lý do bận rộn để xao nhãng việc giáo dục con cháu, ông tranh thủ mọi thời gian không kể sáng hay tối, mùa xuân hay mùa đông, đều đặn tự mình nhắc nhở, kiểm tra việc học tập của tất cả các hoàng tử và cách cách.

Hoàng đế Khang Hi từng nói trước tất cả các quan trong triều rằng: “Phục sự trọng trách tổ tiên để lại, muốn chọn được người tài giỏi xây dựng đất nước, kế nghiệp giang sơn, trước tiên việc giáo dục các hoàng tử chưa bao giờ ta dám khinh suất dù chỉ là từng khắc”.

Trời chưa sáng, trẫm đích thân đốc thúc việc đọc kinh thư từ Đông Cung thái tử đến các hoàng tử và cách cách. Chiều buông xuống, khi các con cần phải học chữ, luyện võ, bắn cung, dù đông qua xuân đến, năm này đến tháng khác, chưa có một ngày trẫm không lo về việc học của các hoàng tử”.

Đi bộ 5 km đến lớp học

Khang Hy đại đế là vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh. Trong suốt 61 năm trị vì của mình, ông đã đưa Trung Quốc đến thời kỳ thịnh trị và được người đương thời cũng như người đời sau ca ngợi là vị minh quân hiếm có.

Khang Hy có cả thảy 35 người con trai, 20 người con gái và 97 người cháu. Để dạy dỗ các Hoàng tử và Hoàng tôn, Khang Hy đã đề ra rất nhiều phương pháp đặc biệt.

Trong cung điện nhà Thanh, nơi học tập của con cháu Hoàng tộc được gọi là “Thượng thư phòng”.

Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, căn phòng này được gọi là “Vô Dật Trai”, nghĩa là phòng học vất vả, không có sự an nhàn.

Khi vào phòng học này, các Hoàng tử sẽ không được chơi đùa, nô nghịch.

Không chỉ vậy, để đến được “Vô Dật Trai”, con cháu Hoàng tộc sẽ phải đi bộ 3-4 dặm, và khi về cũng phải đi bộ chứ không được dùng kiệu. Điều này được áp dụng ngay cả trong mùa đông.

Vào mùa hè, dù thời tiết nóng nực thì con cháu Hoàng tộc cũng không được dùng quạt và phải ngồi thẳng lưng, không vặn vẹo, xiên xẹo.

Buổi sáng, các Hoàng tử sẽ học các kinh thư và luyện thư pháp ít nhất 100 lần. Còn buổi chiều, họ sẽ ra sân để luyện võ thuật, cưỡi ngựa, bắn cung.

Thông thường, việc học tập sẽ kéo từ 3 giờ sáng tới 7 chiều, có nghỉ trưa. Thời khóa biểu này áp dụng cho cả mùa hè và mùa đông.

Đọc sách 120 lần

Như đã nói ở trên, tất cả các Hoàng tử đều phải dậy từ 3 giờ sáng để bắt đầu một ngày học tập và không có ngoại lệ. Hoàng thái tử Dận Nhưng khi ấy mới 13 tuổi nhưng vẫn phải dậy sớm để học bài.

Trong khung giờ từ 5-7 giờ sáng, các Hoàng tử sẽ được thầy giáo kiểm tra bài vở. Sau lễ quy bái, các Hoàng tử phải ghi nhớ bài học, đọc to bài chính xác đến từng chữ.

Chỉ khi nào đạt yêu cầu, các Hoàng tử mới được học kinh thư mới.

Từ 7- 9 giờ sáng, Hoàng đế Khang Hy sẽ đích thân đến “Vô Dật Trai” để kiểm tra việc học của các con. Theo đó, ông chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu Hoàng tử phải đọc thuộc lòng.

Tương truyền rằng, Hoàng đế Khang Hy có một cách học thuộc lòng kinh thư vô cùng đặc biệt, đó là đọc đi đọc lại đến 120 lần. Cách này được ông truyền lại cho các Hoàng tử và yêu cầu họ phải làm theo.

Hoàng đế Khang Hy nói: “Khi còn trẻ, ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần và sau đó đọc thuộc lòng nó 120 lần”.

“Liệu đọc thuộc 100 lần có hiệu quả không ạ?”, một vị đại thần dạy học cho các Hoàng tử lên tiếng hỏi.

“Không được, nhất định phải đọc đúng 120 lần thì mới đạt yêu cầu”.

Hoàng đế Khang Hy từ nhỏ đã rất hiếu học.

Trước khi ra về, Hoàng đế Khang Hy còn quay lại nhắn nhủ các đại thần:

“Các khanh không nên biểu dương con trẻ mà phải phê bình chúng nhiều hơn nữa, có như vậy chúng mới không tỏ ra kiêu ngạo”.

Chính vì sự giáo dục nghiêm khắc này mà về sau, cả con trai Ung Chính và cháu trai Càn Long của ông đều là những minh quân, mở ra một thời “Khang Ung Càn thịnh thế” kéo dài đến 134 năm.

 

 

Lan Hòa tổng hợp/ biên tập