Gia đình vốn là nơi để yêu thương, là nơi để tương thân tương ái, không phải là nơi để xả giận trút hờn… Với người thân yêu gần gũi nhất chúng ta còn không yêu thương quan tâm vậy còn yêu thương được ai đây!
Chứng kiến cuộc trò chuyện điện thoại của cặp vợ chồng dưới đây không khỏi khiến tôi suy ngẫm về cách mà các cặp vợ chồng ứng xử với nhau ngày nay.
Tôi có một cô bạn chơi thân từ nhỏ mở tiệm làm móng. Hôm trước tranh thủ ghé thăm cô ấy rồi rủ đi ăn cùng, đến nơi thấy cô bạn đang làm dở cho khách nên lán lại chờ. Khách tới làm móng là một người phụ nữ có dung mạo đoan trang, ăn mặc bình dị nhưng khí chất lại toát lên sự quý phái ôn hòa khiến tôi không khỏi chú ý.
Trong khi cô ấy làm móng, có một cuộc điện thoại gọi đến, âm thanh bên đầu dây là một người đàn ông. Anh ấy nhờ vị khách nữ này giúp anh ấy giặt quần áo, hai người nói chuyện rất có chừng mực nho nhã, lúc đầu tôi và cô bạn đoán hai người họ là người yêu của nhau.
Em à, em đang ở đâu vậy!
Em đang ở tiệm làm móng ạ.
Làm xong em có bận gì không?
Dạ em không bận gì ạ, làm xong em về nhà.
Vậy em giúp anh giặt hai chiếc áo khoác ở nhà nhé! Tuần sau anh đi công tác nên sẽ dùng đến.
Một chiếc màu xanh đậm và một chiếc màu trắng đúng không anh? Vâng em biết rồi ạ.
Cảm ơn em, thật vật vả cho em rồi. Thế không còn gì khác anh cúp máy trước nhé!
Bạn tôi làm móng nghe thấy thế liền hiếu kỳ hỏi vị khách: “Là bạn trai chị ạ?”
Vị khách nữ vui vẻ trả lời: Bạn trai gì chứ em, đó là chồng chị. Vợ chồng chị lấy nhau được 10 năm rồi em.
Cả tôi và bạn tôi nghe xong đều ngạc nhiên: “10 năm rồi?”
Chúng tôi ngạc nhiên vì bạn biết đấy, những cặp vợ chồng lấy nhau lâu năm thì thường sẽ như thế này, khi nhấc điện thoại lên câu đầu tiên là: “Alo, đang đâu đấy? Đem hai chiếc áo trên kệ của tôi giặt đi, tuần sau tôi cần dùng đến nó!”
Còn người đàn ông đầu dây bên kia lại hoàn toàn ngược lại. Vị khách nữ kể thêm rằng anh ấy là người đàn ông ấm áp, cho dù với ai anh ấy cũng vậy, dẫu người lớn tuổi hay trẻ em anh ấy vẫn dùng thái độ ôn hòa nhẹ nhàng để nói chuyện.
Lúc đầu khi mới yêu anh ấy, chị về nhà chồng chơi cũng có chút không quen, vì ở gia đình họ chỉ tiện làm chút việc như mua hoa quả, nấu cơm hay dọn dẹp nhà cửa thì các thành viên trong gia đình đều không ngừng cảm ơn. Bố mẹ chồng chị đối với ai cũng vậy, từ cháu chắt con cái trong nhà đến hàng xóm, chỉ cần người khác giúp họ một chút họ nhất định sẽ nói cảm ơn.
Sau này chị phát hiện ra đó không phải là những lời nói sáo rỗng khách sáo mà thật sự là từ chân tâm của họ. Gả cho một gia đình như vậy tính cách của chị cũng dần thay đổi.
Trước đây chị cá tính lắm hay nóng giận nữa nhưng sau này nhiều người bảo rằng chị thay đổi rồi, đến nỗi bố mẹ đẻ chị cũng không nhận ra. Mẹ chị nói chị sau khi lấy chồng tính cách như thể hai người khác nhau, giờ chị đối nhân xử thế đều có lễ nghi, nhu hòa, không bao giờ to tiếng.
Ở với anh ấy hơn 10 năm nhưng hai vợ chồng hiếm khi cãi nhau, việc trong nhà đều cùng nhau thương lượng và giải quyết êm đẹp.
Chị không phải con hát mẹ khen hay, mà thật sự nhờ có gia đình anh ấy mà mấy đứa con chị sinh ra đều ngoan ngoãn thông minh lanh lợi, cách nói chuyện và cư xử của chúng giống hệt ông bà nội chúng, tuy còn nhỏ tuổi nhưng chúng biết quan tâm chăm sóc người khác, khiến mọi người đều yêu quý.
Câu chuyện của vị khách trên quả thật khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách mà chúng ta ứng xử nói năng với người thân trong gia đình. Nói chuyện nhẹ nhàng ấm áp chính là nền tảng để một gia đình hạnh phúc. Người với người khi mâu thuẫn cũng là vì hơn nhau ở khẩu khí, ai cũng muốn lấn át được đối phương, muốn mình thắng nhưng kỳ thực thắng ấy cũng là thua rồi!
Trong xã hội hiện nay không thiếu những câu chuyện như vậy, cãi nhau chỉ vì ngữ khí lời nói.
Trời mưa, vợ không có nhà muốn nhờ chồng cất hộ quần áo liền gọi điện về, thay vì nói: “Trời sắp mưa rồi anh ạ, anh cất giúp em quần áo phơi ngoài dây nhé, em về không kịp, cảm ơn anh nhiều!”thì lại nói: “Trời sắp mưa rồi, có biết đường cất quần áo đi không hay lại ngồi cắm đầu vào cái máy điện thoại.” Nếu thế thì chắc hẳn lại có một cuộc gây gổ lời ra tiếng vào, nghiêm trọng hơn có những người chồng nóng tính anh ta có thể đập cả cái điện thoại luôn.
Tính cách của một người phần lớn đều ảnh hưởng từ gia đình. Một gia đình mà mọi người đều tôn trọng lẫn nhau, kính trên nhường dưới, nói năng có chừng mực thì đây chính là nơi để bồi dưỡng ra những người con ưu tú. Còn nếu một gia đình thường xuyên cãi nhau, hơn thua đúng sai thì con cái là người khổ nhất, chúng sẽ trở nên tự ti, phải sống trong một môi trường u ám, căng thẳng không lúc nào có được một nụ cười trên môi.
Thay đổi cách nói chuyện cũng là thay đổi vận mệnh gia đình!
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: DKN