Hàng nghìn năm nay, trong sử sách và truyền thuyết đều lưu truyền rất nhiều câu chuyện về tình yêu và hôn nhân. Biết bao đôi nam nữ đã gửi gắm cả sinh mệnh và tâm hồn của mình trong những vui buồn tan hợp, lưu lại cho người đời sau những câu chuyện để suy ngẫm mà soi xét mình.
Từ Đức Ngôn môn khách thái tử nước Trần thời Nam Triều và công chúa Lạc Xương là vợ chồng rất mực thương yêu nhau. Bấy giờ, triều đình nhà Trần đã bước vào thời kỳ suy tàn, Tùy Văn Đế lại cử binh đánh nước Trần. Trần Hậu Chủ chỉ lo ở trong cung ăn chơi, làm thơ đề từ nên quân Trần thua chạy khắp nơi. Từ Đức Ngôn biết chắc nước Trần sớm muộn cũng bị diệt vong, vợ chồng sẽ phải chia tay nhau, bèn nói với vợ rằng:
– Với tài hoa và sắc đẹp của nàng, khi nước đã mất rồi, chắc chắn sẽ lọt vào tay những bậc quyền qúy sau này. Nếu duyên phận chúng ta chưa dứt, ta rất mong gặp lại nàng sau này, nhưng chúng ta cũng phải có một tín vật gì đó để mà nhận nhau!
Nói xong thì lấy chiếc gương đồng bẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa chiếc gương. Hai người cùng ước hẹn với nhau rằng, sau này nếu có muốn gặp nhau thì vào ngày Tiết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng hàng năm, cứ đem nửa mảnh gương nầy mà rao bán giữa chợ Trường An.
Ít lâu sau, Dương Kiên vua nước Tùy diệt được nước Trần thống nhất miền bắc. Dương Tố là người có công không những được phong làm Việt Quốc Công, mà còn được nhiều phong thưởng, trong đó có công chúa Lạc Xương. Dương Tố rất sủng ái công chúa, nhưng nàng thì luôn buồn bã vì nhớ đến chồng.
Nhiều năm sau đó, cuộc chiến đã kết thúc, Từ Đức Ngôn trở lại làm dân thường nhưng vẫn luôn nhớ đến công chúa qua nửa mảnh gương nên thường ra dạo chợ Trường an.
Ngày 15 tháng giêng năm đó, Từ Đức Ngôn đến một phiên chợ thì thấy một bà cụ đang ngồi bán một nửa mảnh gương đồng với giá rất đắt. Ông chăm chú nhìn kỹ thì nhận ra nửa mảnh gương của vợ mình. Thì ra, bà cụ này là người đầy tớ trong Dương phủ được công chúa Lạc Xương sai đem gương ra bán để nghe ngóng tin tức chồng.
Từ Đức Ngôn liền viết một bài thơ rồi nhờ bà cụ chuyển cho công chúa. Trong thơ đại ý viết:
Gương đi người cũng đi theo
Gương về người chẳng về theo lại nhà.
Đâu còn thấy được bóng Nga
Bơ vơ như ánh trăng tà trống không!
Sau khi công chúa đọc thơ và nhìn mảnh gương kia của chồng cảm thấy lòng đau như cắt. Suốt mấy ngày liền không ăn uống gì cả. Dương Tố biết chuyện vô cùng cảm động cho tình vợ chồng sắt son gắn bó, bèn cho người đi mời Từ Đức Ngôn vào dinh, làm tiệc khoản đãi sau đó mời công chúa đến dự.
Khi đến nơi, công chúa Lạc Xương thấy trong bàn tiệc có cả chồng cũ lẫn chồng mới, nàng vô cùng ngỡ ngàng, nửa mừng nửa lo, xúc động mà ngâm rằng:
Hôm nay khéo đổi dời
Chồng cũ cùng chồng mới.
Cười khóc cũng không được
Khó làm người cho nổi!
Từ Đức Ngôn nghe xong cảm động mà rơi nước mắt; còn Dương Tố nghe xong thì cảm động mà cười lớn rằng: “Thôi được rồi, ta sẽ trả nàng về để cho vợ chồng đoàn viên sum họp”.
Sau bữa tiệc, Dương Tố chẳng những trả Lạc Xương Công Chúa về cho Từ Đức Ngôn mà còn ban thưởng nhiều vàng bạc cho hai vợ chồng về lại Giang Nam để sống yên vui hạnh phúc tới già.
Điển cố “Phá kính trùng viên” từ đó được lan truyền khắp thiên hạ, khi truyền đến Việt Nam thì được dịch thành câu thành ngữ “Gương vỡ lại lành”. Cũng mong rằng tất cả những “gương vỡ” trong cuộc sống đều “lại lành” sau những phân ly cách trở lận đận của cuộc đời!
Biên tập: Thông Lộ