Giải nghĩa: Trong tiếng Trung, thành ngữ “liễu ám hoa minh” là chỉ mắt nhìn thấy tình huống không còn đường tiến nữa, thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hy vọng.
Ví dụ: Sau khi anh ấy trải qua hết lận đận trong cuộc sống, giờ đây đúng là đã ‘liễu ám hoa minh’ rồi (trong hoàn cảnh khốn khó, mà tìm được lối thoát).
Gần nghĩa, trái nghĩa: ‘hoa hồng liễu lục, hoa kiều liễu mị’ (hoa đỏ liễu xanh, hoa đẹp liễu tươi—chỉ cảnh sắc tươi đẹp); ‘sơn cùng thủy tận’ (núi cùng nước tận—lâm vào cảnh tuyệt vọng).
Điển cố thành ngữ Liễu ám hoa minh
Thành ngữ này lấy từ bài thơ Đường «Ma Ha Trì tống Lý thị ngự chi phong tường» của Võ Nguyên Hành. Thi nhân yêu nước Lục Du nổi tiếng thời Nam Tống kiên quyết chủ trương kháng Kim, bị tước mất chức quan. Lục Du trở về cố hương Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang), chỉ ngồi đọc sách qua ngày.
Một ngày, Lục Du đi chơi xa, vượt qua con đường có non có nước, đi được hơn một canh giờ, nhà cửa ngày càng thưa thớt. Khi ông leo lên một sườn dốc phóng mắt nhìn, chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa. Nhưng Lục Du ham chơi nên không muốn quay đầu. Ông men theo sườn núi đi về phía trước, được mấy chục bước, rẽ qua góc núi, thì đột nhiên phát hiện ở trong một thung lũng gần đó có một thôn trang nhỏ. Nơi ấy hoa đỏ liễu xanh, cảnh sắc xinh tươi, hệt như cõi bồng lai trong truyền thuyết.
Trở về nhà, Lục Du có ấn tượng sâu sắc với chuyến tản bộ xa này, mới sáng tác bài thơ luật thất ngôn «Du Sơn Tây thôn», trong đó có hai câu: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Bóng liễu hoa tươi một thôn làng).
Ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng. Đây là hai câu thơ tả cảnh trữ tình, hàm chứa triết lý phong phú, được mọi người yêu thích và truyền tụng hàng trăm ngàn năm qua.
Nguồn Chanhkien
Đường Vân