Sự thấu hiểu là cầu nối tâm linh giữa con người với nhau; hiểu cũng là một loại lý giải, thấu tỏ nỗi lòng của người khác, hơn nữa nó còn tinh tế và nhạy cảm hơn, có thể làm được đến độ “người chưa nói mà ta đã hiểu”.
Một chữ “hiểu” nói ra thật giản đơn nhưng làm được thì không hề dễ dàng. Mọi người đều nói họ hiểu, tuy nhiên mức độ họ thực sự hiểu được là bao nhiêu?
Hiểu sự tôn trọng
Tôn trọng là chiếc chìa khóa vàng trong giao tiếp giữa người với người. Nếu không biết tôn trọng, mối quan hệ giữa hai người sẽ không bền lâu.
Người không hiểu sự tôn trọng sẽ luôn khiến người khác rời xa.
Trên thế gian này, không có ai là cao hơn ai, người không hiểu sự tôn trọng cuối cùng sẽ chỉ cô đơn một mình. Ngược lại, người hiểu được tôn trọng sẽ luôn khiến đối phương cảm thấy ấm áp, như ánh mặt trời xuyên qua những đám mây ảm đạm.
Hiểu cách tôn trọng cũng là một loại học vấn, không nhìn xuống cũng chẳng nhìn lên, không tự ti cũng chẳng kiêu ngạo.
Hiểu cách tôn trọng cũng là một loại tu dưỡng, khiến nhân cách con người ngày càng đề thăng
Hiểu cách nhường nhịn
Giữa bạn bè với nhau nếu không biết nhường nhịn thì sau một thời gian lâu sẽ bị lợi ích che lấp đi tình bạn; trong mâu thuẫn đôi đường rời xa.
Nếu có thể hiểu được đối phương, tình bạn chắc chắn sẽ bền lâu.
Giữa người thân với nhau nếu không biết nhường nhịn, thì sẽ rất dễ phát sinh xích mích; khi mâu thuẫn ập đến, mối quan hệ tình thân sẽ ngày càng rạn nứt, mọi người đều cảm thấy xa lạ với nhau.
Vậy nên nếu biết nhường nhịn, gia đình sẽ mãi ấm êm hạnh phúc.
Trong chuyện tình cảm, nếu như không biết nhường nhịn, khi tan vỡ xảy ra quay đầu nhìn lại thì đã quá muộn.
Con người khẩu khí tranh không dứt, nhưng thắng rồi cũng chỉ lưu lại sự cô đơn; chuyện tình đạo nghĩa lại càng không bị bó buộc bởi những tranh chấp nhỏ nhoi ấy, nếu có thể biết nhường nhịn, tình cảm sẽ mãi bền lâu.
Nhường nhịn không phải là hèn nhát, mà là tính cách thân thiện!
Bất kể loại tình cảm nào, nếu như có thể hiểu và làm được “nhường nhịn”, thì đó chính là từ bi; bởi lẽ biết nhường nhịn chính là khoan dung; biết khoan dung chính là biết nghĩ cho người khác, biết nghĩ cho người khác chính là bạn đã xuất được từ bi, mọi người đều cảm thấy bạn là một người chân thật dễ gần.
Hiểu cách trân trọng
Một cậu thanh niên trẻ tuổi muốn biết điều gì là quý giá nhất trên thế gian, vậy nên anh đã tìm đến hỏi vị trí giả.
Vị trí giả nói với anh: “Nếu anh muốn biết điều gì là quý giá nhất trên thế gian, anh nên ra ngoài để tìm nó“.
Sau khi nghe xong, chàng trai trẻ quay về đóng gói hành lý, nói lời tạm biệt với vợ con, và bắt đầu một hành trình dài đi tìm thứ quý giá nhất trên thế gian. Sau khi đã đặt chân qua ngàn núi vạn sông, anh vẫn chưa tìm được thứ quý giá nhất trên thế gian.
Cuối cùng anh chỉ còn cách quay lại tìm vị trí giả.
Vị trí giả hỏi anh rằng: “Anh tìm được thứ quý nhất trên thế gian chưa?”
Chàng trai trẻ trả lời: “Tôi đã ra ngoài quá lâu. Bây giờ tôi rất nhớ vợ và những đứa trẻ dễ thương ở nhà, tôi chỉ muốn có một mâm cơm đầm ấm bên gia đình. Đó là việc tôi thấy là quý giá nhất“.
Vừa nói dứt câu, anh chợt lĩnh ngộ ra rằng đây chẳng phải là những gì trước giờ anh luôn có? Ngôi nhà đầm ấm đó chẳng phải là điều anh thấy hạnh phúc nhất? Dường như điều quý giá nhất trên thế gian này không phải là cố gắng để có được những gì không có, mà điều quý giá nhất chính là tất cả mọi thứ hiện có.
Vì vậy, khi chúng ta có được thứ gì đó, chúng ta nên biết trân quý nó.
Chỉ có trân trọng mới có thể cảm nhận được hạnh phúc, chỉ có biết quý tiếc hạnh phúc, mới biết cách lưu giữ hạnh phúc bền lâu.
Hiểu cách phó xuất
Đạo Trời công bằng, nếu như bạn muốn đắc được thứ gì đó, thì ắt bạn phải phó xuất sức lực.
Một người nông dân cầu nguyện trên cánh đồng ruộng rằng: “Ông Trời ơi, nếu Người có thể ban cho con nhiều lương thực hơn trong năm nay, thì con xin hứa sẽ gieo thêm nhiều hạt giống vào năm tới và làm việc chăm chỉ“.
Tuy nhiên không phải chúng ta cứ cầu ông Trời thứ gì là ông Trời sẽ cho chúng ta thứ đó. Vụ mùa xuân bạn gieo bao nhiêu hạt thì cũng sẽ thu hoạch lại được bấy nhiêu. Người nông phu chỉ cần chăm chỉ gieo hạt vào mùa xuân, thì mùa thu sẽ thu hoạch lại được rất nhiều; bởi vì trước khi thu hoạch, họ đã phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt lao động.
Nếu chúng ta muốn cuộc sống đem lại cho chúng ta điều gì đó, trước tiên chúng ta phải học được cách cho đi.
Khi chúng ta nỗ lực phó xuất, thì tương lai bạn sẽ phát hiện rằng những thứ đạt được sẽ là rất nhiều.
Hiểu cách hành động
Có người từng hỏi một cụ bà 90 tuổi rằng: “Điều hối tiếc nhất trong cuộc đời cụ là gì?”
Cụ bà trả lời: “Ta muốn học piano khi 20 tuổi, nhưng khi đó việc học hành trên lớp rất bận rộn, vậy nên ta nghĩ rằng đợi đến khi nào có thời gian rảnh mới học piano. Khi ta 30 tuổi, ta lại muốn học piano, nhưng cảm thấy rằng quá bận rộn với công việc và gia đình, vì vậy ta lại đợi đến nghỉ hưu rồi mới học. Đến khi 60 tuổi, ta lại cảm thấy rằng đã quá muộn và đã bỏ cuộc. Nhưng nếu bắt đầu vào thời điểm đó thì hiện tại ta cũng đã chơi piano được hơn 30 năm rồi”.
Chúng ta có thể thấy được sự tiếc nuối và bất lực trong những câu nói của bà. Năm tháng không bao giờ chờ đợi người khác. Khi tuổi tác mỗi ngày một nhiều mới hối hận đã không làm được những việc mình muốn làm.
Vì vậy, nếu như bạn muốn làm gì đó, thì hãy thu xếp thực hiện, đừng để những ngày sau phải nuối tiếc.
Điều khó làm trọn vẹn nhất trong đời người chính là một chữ “hiểu”.
Người hiểu được tình yêu mới biết cách trân trọng; hiểu được thương xót mới là người có ái tâm; hiểu được cảm kích mới là tồn thiện niệm; hiểu được phó xuất mới có hồi báo; hiểu cách lựa chọn mới có thể làm việc lớn.
Anh Kỳ/ NTD.com/Dịch
Nguồn Secretchina