Tiết nghĩa đạo đức luôn là thiện tâm vốn có của mỗi con người. Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức, có hàm dưỡng đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ác dục. Vì “háo sắc tham dục” là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nếu người quân tử coi đó là tai họa mà biết tránh thì sẽ được phúc tinh soi chiếu, Thiên thượng bảo hộ đắc phúc; kẻ tiểu nhân coi đó là vui thú mà lao vào thì sẽ chuốc lấy tai ương, ác báo vào thân. Phúc họa không tự nhiên đến, tất cả đều là do con người tự chiêu mời.
Văn Xương Đế có câu: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hành kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí. Ta nhĩ hữu chúng, thính dữ huấn ngôn. Duy huệ địch cát, tự cổ vân nhiên. Bất thiện giáng ương, thác nhân minh giới.” Ý nghĩa là: Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương. Các bậc sỹ tử hãy nghe lời khuyên của ta: Từ xưa đến nay thuận trời thì mới đạt được cát khánh; trái ý trời chính là tội ác, tất sẽ gặp tai họa, đây cũng là lời răn dạy của các bậc thánh hiền xưa nay.
Cổ nhân có câu “vạn ác dâm vi thủ”, vì suy nghĩ tà dâm vừa nảy ra thì cũng kéo theo các loại suy nghĩ xấu xa và tội nghiệp; các suy nghĩ tốt vì thế mà mất đi. Suy nghĩ tà dâm đến từ sắc dục, khởi tâm sắc dục đã là có tội, huống hồ là kẻ phạm tội tà dâm thì ác nghiệp càng nặng, không thể chạy thoát khỏi báo ứng. Kẻ đó không chỉ gặp tai họa vào thân mà còn ảnh hưởng đến con cháu; quả báo không chỉ ở đời này mà còn bao nhiêu kiếp về sau. Nếu hiểu được luật nhân quả này thì nhất định sẽ thấy hối hận, còn dám phóng túng bản thân nữa không? Trong sách xưa có rất nhiều câu chuyện về phương diện này nhằm cảnh tỉnh người đời không nên phóng túng dục vọng, phục hồi lương tri đạo đức, tu xuất tâm thanh tịnh vô vi, loại bỏ điều ác để bước đi trên con đường chính đạo.
Vào thời nhà Minh ở Ninh Ba có một thư sinh tên là Tôn Hậu, vì gia đình nghèo túng nên phải qua sông để dạy học, kiếm kế sinh nhai. Về sau ngay cả công việc này cũng bị mất, nên đành đến nhà Trương Thị ở Đường Tây để giúp việc ghi chép, đổi lấy cái ăn cái mặc.
Một hôm đêm khuya thanh vắng, một người tỳ nữ nhà họ Trương lén lút chạy đến phòng của Tôn Hậu, anh biết ý liền lớn tiếng quở trách từ chối rằng: “Thái thượng cảm ứng biên” có nói, các vị thần Tam Đài, Bắc Đẩu, Tam Hộ luôn đi theo để giám sát lỗi lầm của mỗi người, lẽ nào đêm khuya thanh vắng thì thiên thượng không biết hay sao?” Nhưng ông thầy trong nhà họ Trương chứng kiến cảnh này liền tư thông với tỳ nữ kia. Đến Tết Đoan Ngọ, thì ông thầy này phát bệnh không thể chữa khỏi, lúc này chủ nhà liền mời Tôn Hậu lên làm thầy giáo.
Một hôm, Tôn Hậu khi đang ở cửa sông thì gặp chú của người thầy kia, ông chú kinh ngạc nói: “Ta vì bệnh của con trai mà đã đến cầu xin ở miếu thành hoàng, đêm đó liền nằm mơ thấy rằng, Thành hoàng ngồi trong điện, gọi thuộc hạ đem đổi tên của người sẽ bị định là chết đói ra sửa, từng cái tên được đọc lên, đọc đến khoảng mười mấy người thì tôi nghe thấy tên anh. Tôi liền khẽ hỏi vị quan kia, tại sao Tôn Hậu lại có thể được thay đổi mệnh chết đói? Vị quan đó nói: “Bản mệnh của người này vốn chỉ là đến năm 46 tuổi sẽ bị tha hương chết đói. Nhưng vì vào đêm khuya ngày mười tám tháng tư năm nay, anh ta kiên quyết từ chối người tỳ nữ tham dâm nên được chuyển từ sổ chết đói sang sổ lộc.”
Về sau, Tôn Hậu ngày càng có nhiều học sinh theo học, mỗi năm học sinh đóng hơn trăm lạng vàng tiền học phí. Đến năm Vạn Lịch ba mươi sáu nhà Minh, Tôn Hậu 46 tuổi, cũng chính là năm mà ông lẽ ra phải bị chết đói, quả nhiên năm đó mất mùa, giá gạo tăng cao, người nghèo không có tiền mua nên có rất nhiều người bị chết đói. Nhưng Tôn Hậu không những qua được kiếp nạn này mà còn rất sung túc, đến những năm cuối đời, Tôn phủ đã trở thành một gia tộc giàu có. Khi ông bảy mươi tuổi thì qua đời mà không có bệnh tật gì.
Người xưa kính trời kính thần, người quân tử thận trọng, biết rằng: Trên đầu ba tấc có trời đất thần linh đang giám sát. Mặc dù ở trong phòng tối cũng không dám phóng túng dục niệm của bản thân mà nghiêm khắc ước chế. Cao Phan Long triều Minh đã nói: “Nếu con người có một niệm thành tâm thì thiên thượng sẽ ban phúc cho người đó. Tôn Hậu cự tuyệt sắc dục là xuất phát từ sự thành tâm, nên tự nhiên sẽ nhận được phúc báo.”
Nguồn minhhui
Vũ Tường