Cuộc đời mỗi người cũng giống như muốn cuốn sách, vì vậy khi đọc hiểu người khác cũng phải học cách khoan dung, học cách độ lượng, có như vậy mới đọc được những thứ có ích với bản thân, mới đọc ra được sự cao thượng, đọc ra được sự vui vẻ, đọc ra được hạnh phúc.
Chúng ta nghiêm túc đọc, đọc cả nửa đời người, nhưng cho tới nay vẫn chưa thể đọc hiểu được “cuốn sách đời người”. Ai chẳng muốn mình được hiểu, được người khác tiếp nhận, nhưng suy cho cùng, thứ khó đọc nhất trên đời này chính là con người.
Có những người, vào những ngày trời quang mây tạnh sẵn sàng đưa ô cho bạn mượn, nhưng lúc mưa, lại âm thầm cầm ô đi mất. Lúc bạn đọc họ, tuyệt đối đừng oán trách họ. Bởi bản thân họ không muốn bị thấm mưa (huống hồ gì đó là ô của họ), cũng không muốn chia sẻ gánh nặng với người khác. Bạn còn có thể nói gì? Vẫn nên tự chuẩn bị cho mình một chiếc ô thì hơn!
Có những người, khi bạn có chức có quyền, chạy vòng vòng quanh bạn, nhưng khi bạn không còn gì trong tay lại trốn ở một góc xa xa. Khi bạn đọc họ, hãy cố gắng hiểu họ. Bởi trong quá khứ, họ vì một vài nhu cầu nào đó mà tán thưởng bạn, còn bây giờ không còn cái động lực đó nữa, cũng không cần phải “cậu hát tớ khen hay” thêm nữa. Những lúc như này, bạn cần phải tịnh tâm lại, tự hỏi mình: trước kia, có phải mình đã quá dễ tin người?
Có những người, khi bạn dốc hết tâm can ra với họ, họ tỏ ra là một dòng sông phẳng lặng, trong suốt, tươi mát, nhưng dưới đáy sông lại là những dòng chảy hỗn tạp, đục ngầu. Khi bạn đọc họ, tuyệt đối đừng hận họ. Bởi phàm là những quen đeo mặt nạ đi lừa dối người khác, họ sống cũng không dễ dàng gì, không cần thận lại bị những người đeo mặt nạ khác lật mặt. Điều bạn nên làm là tha thứ cho cách sống này của họ, đợi nhân tính của họ tự quay lại và tự kiểm điểm lại mình!
Có những người, khi bạn vất vả gieo trồng, họ đứng đó khoanh tay nhìn, không muốn đổ bất cứ giọt mồ hôi nào; nhưng khi bạn thu hoạch, họ lại không chút xấu hổ tìm đủ mọi lý do đến chia sẻ quả ngọt với bạn. Khi bạn đọc họ, đừng cảm thấy nực cười. Bởi có người sẵn sàng chia sẻ niềm vui với bạn, bất kể trong lòng họ nghĩ cái gì, bạn cũng nên dùng sự vui vẻ để nghênh đón họ, dẫu sao thì bạn có hi sinh một chút, nhưng lại thành toàn được khát vọng thành tựu của cả một đời người, dần dần, sẽ khiến họ tự học được thế nào là tự trọng, thế nào là xấu hổ.
Có những người, bên ngoài trông thì bóng loáng, sang chảnh, cao quý nhưng nội tâm lại trống rỗng, toàn là sự vô tri và ngu dốt, kiểu văn hóa ảo ấy thường thường sẽ bộc lộ qua lời nói và hành động. Khi bạn đọc họ, tuyệt đối đừng khinh thường họ. Bởi họ không hiểu rằng quần áo là do con người tạo ra, nó chỉ là một kí hiệu của đồng tiền, còn tri thức, nhân phẩm và khí chất mới là giá trị đích thực của một người.
Đọc người khác, thực ra chính là đang đọc mình; khi đọc “Chân”, đọc “Thiện”, đọc “Nhẫn”, những phẩm chất cao quý của vũ trụ này, nếu con người đồng hóa với những phẩm chất đó thì là người tốt. Trong cuộc sống này không ít những người tốt như thế, nhưng cũng không ít những người chưa đạt được những tiêu chuẩn tốt đẹp đó, vậy khi đọc người ta cũng nên đọc được sự giả tạo đằng sau sự đạo mạo nghiêm trang, đọc được sự xấu xí đằng sau sự mỹ miều trang nhã, đọc được sự giảo hoạt tinh ranh đằng sau mỗi nụ cười.
Đọc người, quan trọng nhất là đọc hiểu làm sao để làm người. Đọc người, là để làm một con người đích thực. Vì vậy, lúc đọc người cũng phải học cách khoan dung, học cách độ lượng, có như vậy mới đọc được những thứ có ích với bản thân, mới đọc ra được sự cao thượng, đọc ra được sự vui vẻ, đọc ra được hạnh phúc. Một người độ lượng ắt là một người khoan dung, tấm lòng như biển lớn, nhìn ra xa tận chân trời. Khoan dung độ lượng giống như trời biển, trời xanh, biển rộng, tâm mới rực rỡ.
Đọc người không phải để thấy người như thế nào mà chính là để tự nhủ mình phải sống tốt hơn. Khi ta nhìn người khác bằng tấm lòng từ bi, rộng lượng, khoan dung thì ta sẽ có thể cảm thông và chia sẻ tận tâm với họ. như thế họ sẽ không thấy cuộc đời này vô cảm và biết đâu họ lại thay đổi.
Nhung Nguyễn biên tập