Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ trong thời gian nghỉ hành kinh mỗi tháng, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định quy định về chính sách cho lao động nữ ngày đèn đỏ.
Hàng tháng,dự thảo Nghị định lao động nữ được nghỉ “đèn đỏ” theo nhu cầu?
Để bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ, pháp luật có quy định cho phép người lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh hay còn gọi là ngày “đèn đỏ” vì đây là thời gian khó chịu, mệt mỏi nhất trong tháng của họ (theo khoản 5 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012).
Hiện nay, để hướng dẫn cụ thể quy định về thời gian đèn đỏ của lao động nữ nêu tại Bộ luật Lao động 2012, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 85 năm 2015, Chính phủ nêu rõ, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
– Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
– Trong khoảng thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Do đó, lao động nữ đến ngày “đèn đỏ” sẽ được nghỉ tối thiểu 03 ngày trong tháng, mỗi ngày 30 phút, được hưởng đủ lương trong thời gian nghỉ và được thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian nghỉ cụ thể.
Ngày 20/11/2019, khi Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành, thay thế Bộ luật Lao động năm 2012, quy định nhân văn này tiếp tục được kế thừa và giữ nguyên tại khoản 4 Điều 137.
Tuy nhiên, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng này của lao động nữ, đồng thời quy định rõ hơn các chính sách dành cho lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định với nhiều điểm mới về việc chăm sóc sức khỏe với lao động nữ.
Trong đó ngoài những quy định hiện nay đã nêu tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 85 khi quy định về thời gian nghỉ trong khi “đèn đỏ” của lao động nữ, khoản 3 Điều 7 dự thảo còn bổ sung thêm nhiều quy định mới gồm:
– Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;
– Nếu lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định nêu trên thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực té tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Như vậy, theo quy định trên, nếu lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thời gian 30 phút/ngày, tối thiểu 03 ngày/tháng… khi đến ngày “đèn đỏ” thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ. Đồng thời, người lao động cũng phải thông báo thời điểm nghỉ cụ thể từng tháng.
Đi làm ngày đèn đỏ, lao động nữ được trả thêm tiền?
Theo quy định hiện nay, tại Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng (điểm b khoản 1).
Đồng thời, khoản 3 Điều 27 Nghị định 28 nêu trên còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút là người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ cho họ.
Như vậy, theo quy định hiện nay, nếu lao động nữ không nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian “đèn đỏ” thì người lao động phải trả thêm tiền làm thêm giờ. Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng.
Để quy định cụ thể về tiền làm thêm giờ khi lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc trong thời gian hành kinh, dự thảo Nghị định này quy định như sau:
Người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng tiền lương đã được hưởng với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động
Có thể hiểu, theo quy định này, lao động nữ nếu không nghỉ trong thời gian “đèn đỏ” thì được hưởng quyền lợi như sau:
– Được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng tiền lương được hưởng tương đương thời gian nghỉ;
– Thời gian làm việc nếu không nghỉ “đèn đỏ” không được tính vào thời gian làm thêm của người lao động do đã được thanh toán thêm tiền trong thời gian này.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định này được thông qua thì người lao động nữ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn trong thời gian nghỉ “đèn đỏ”.
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: Luật Việt Nam