Văn Hóa

Đức độ của người xưa

By Đăng Dũng

March 30, 2021

Đức dày chính là phúc khí lớn nhất của đời người, người cao quý không phải bởi danh phận mà chính bởi đã tôi luyện đức độ khiến cho người ta trong ngoài đều sáng. Đức ấy giống như mạch nước ngầm dưới lòng sông, có sức mạnh vô cùng to lớn nhưng trên bề mặt lại không chút gợn sóng.

Yến Anh chung thủy với vợ già

Một lần Tề Cảnh công muốn gả con gái yêu của mình cho Yến Anh nên bèn đến nhà Yến Anh uống rượu. Trong lúc thưởng nhạc, men say, Tề Cảnh Công thấy vợ của Yến Anh liền hỏi:

– Đây là thê tử của khánh à?

-, Đúng vậy! _Yến Anh trả lời

Vua Cảnh Công nói:

– Vợ khanh vừa già vừa xấu. Ta có một tiểu nữ, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh.

Yến Anh lập tức đứng dậy, cung kính trả lời:

– Thê tử của thần nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp, tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng tôi chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay Quân vương muốn ban con gái của ngài cho thần, nhưng thần làm sao có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?

Nói rồi Yến Anh bái tạ Tề Cảnh Công và từ chối.

Lại có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Anh ở nhà một mình và một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản đơn, tóc đã điểm sương. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Anh:

– Người đàn bà đó là ai vậy?

– Là thê tử của ta. _ Yến Anh đáp

Điền Vô Vũ nói:

– Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?

Yến Anh đáp:

– Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là vô đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?

Một lần khác, có một cô gái là thợ khéo đến xin làm tôi tớ cho nhà Yến Anh, nói rằng: – Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà ngài, xin được làm hầu thiếp.

Yến Anh đáp:

– Đến nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức! Thời xưa kẻ nắm việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính.

Bách Lý Hề “trong tướng phủ, nhận ra vợ”

Sau khi Bách Lý Hề làm Tể tướng nước Tần, ông rất giàu sang phú quý. Năm đó khi Bách Lý Hề rời khỏi nhà, vợ ông là Đỗ thị ở nước Sở, một mình nuôi con trai, nhưng họ sống rất khó khăn. Cả hai mẹ con bèn đến nơi khác xin ăn, sau đó lưu lạc đến nước Tần. Bà nghe nói đến Đại phu Bách Lý Hề của nước Tần, bà muốn xem xem có phải là chồng mình hay không.

Nhưng khi Bách Lý Hề di chuyển, ông ngồi trong xe ngựa nên bà không thể thấy rõ mặt. Sau này bà nghĩ cách đến tướng phủ làm công việc giặt giũ quần áo. Bà rất chịu khó lại hài hước, còn biết ca hát, do đó mọi người đều yêu mến bà. Có một lần Bách Lý Hề dùng yến tiệc với khách, Đỗ thị nói:

– Tôi có thể chơi cổ cầm và ca hát, liệu tôi có thể biểu diễn một lần được không?

Bách Lý Hề đồng ý. Bà bèn thương lượng với nhạc công, đưa cho bà cổ cầm. Bà tấu lên một khúc nhạc vô cùng thê lương sầu thảm. Còn các nhạc công thì cảm thấy bà chơi giỏi hơn họ rất nhiều. Sau đó bà bắt đầu hát một bài, nội dung đại ý như sau:

– Bách Lý Hề, Ngũ Cổ Đại phu. Ông còn nhớ lúc rời quê hương, tôi đã kéo vạt áo của ông mà khóc… Khi đó nhà chúng ta không có gì ăn, tôi bổ cửa làm củi hầm gà mái… Giờ đây ông đã làm Tể tướng nước Tần, thân ông mặc áo gấm nhưng tôi vẫn làm mướn giặt đồ cho người ta… Hiện tại ông phú quý rồi, ông có còn nhớ người vợ nghèo năm ấy không….

Bách Lý Hề nghe xong bài hát liền giật mình. Ai có biết được rõ ràng chuyện năm xưa khi ông ly hương chứ? Ông bèn bảo người phụ nữ đến trước mặt ông, nhìn một cái thì quả nhiên là thê tử của mình. Hai vợ chồng ba mươi mấy năm mới gặp lại, hai người ôm nhau mà khóc. Bách Lý Hề hỏi thê tử: “Thế con trai chúng ta đâu?”. Bà đáp: “Con trai đi săn bên ngoài rồi”.

Bách Lý Hề tìm con trai rồi gia đình họ ở trong tướng phủ. Tần Mục công sau khi nghe tin đó lập tức chúc mừng gia đình họ đã đoàn tụ, đồng thời thưởng cho họ một ít tiền. Con trai ông sau này làm một vị đại tướng tên Mạnh Minh Thị.

 

Thông Lộ tham khảo nguồn Ntdvn.com