Nguồn ảnh: Tinhhoa

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Đức Phật dạy về lòng khoan dung: Dùng từ bi và trí huệ của Phật để bao dung hết thảy

By Lan Hòa

July 12, 2021

Đức Phật từng dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Bao dung, tha thứ cho người khác cũng là tạo phúc cho chính mình. Khoan dung, đồng cảm và tha thứ, nó còn thể hiện cảnh giới của một người có tu dưỡng, cũng như biển lớn có thể dung nạp trăm sông nghìn suối.

Chuyện kể rằng, có một ngôi chùa nọ ở trên núi, trong chùa có một tiểu hòa thượng, tiểu hòa thượng này rất tự tin vào kiến thức, sự khôn ngoan của mình. Người thông minh đương nhiên sẽ nguyện ý giao lưu với người thông minh, đó kì thực là một điều rất hạnh phúc.

Nhưng khi tiếp xúc với những sư huynh sư đệ có học thức nông cạn, có những suy nghĩ mông lung, nói chuyện không có đầu đuôi, tiểu hòa thượng thường cảm thấy bực bội, khó chịu, thường nói câu: “Sao huynh/đệ không hiểu biết như thế? Đúng là đầu óc bã đậu?”. Sư Phụ đã nhiều lần phê bình tiểu hòa thượng về vấn đề này, nhiều lần cậu cũng thừa nhận lỗi về mình, nhưng khi gặp những tình huống kiểu như vậy, vẫn không thể nhẫn nhịn mà phát hỏa lên. Nhưng có một ngày, kinh nghiệm lên núi kiếm củi đã thay đổi cách nghĩ của tiểu hòa thượng.

Ngày hôm đó, tiểu hòa thượng đốn được rất nhiều củi, tâm trạng rất vui vẻ. Trên đường trở về, vì mệt quá nên cậu bèn đặt gánh củi xuống bờ suối để uống nước, rửa mặt. Lúc này “Tiểu Cường” đến. Tiểu Cường là một chú khỉ nhỏ trên núi, nó thường đến đây chơi, nó cũng thường gặp những tiểu hòa thượng lên núi đốn củi. Lâu ngày, họ trở thành những người bạn tốt của nhau. Sau khi tiểu hòa thượng rửa mặt xong, liền muốn lấy khăn tắm lau mồ hôi, nhưng phát hiện chiếc khăn vẫn ở trên gánh củi, lúc đó tiểu hòa thượng quả thực rất mệt, do đó cậu mới chỉ vào gánh củi, ra hiệu cho Tiểu Cường lấy giúp chiếc khăn lau mồ hôi.

Tiểu Cường chạy đi lấy, từ gánh củi rút ra một thanh củi, đưa cho tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng cảm thấy chú khỉ này rất thú vị, rồi sau đó cậu dùng tay ra hiệu hình vuông, rồi nói: “Cái khăn, cái khăn”. Tiểu Cường lại chạy đi lấy lần hai, mang về vẫn là cành củi. Tiểu hòa thượng cười càng khoái chí hơn, lần này cậu nhặt một hòn đá ném về phía bó củi, may sao rơi vào trúng chiếc khăn, sau đó cậu nói với chú khỉ: “Nhìn thấy chưa, giúp tôi cầm cái khăn lại đây”. Tiểu Cường lại chạy đi lấy, lúc mang về vẫn là củi, hơn nữa còn ra vẻ dương dương tự đắc, kiểu như muốn biểu đạt rằng: “Đấy cậu nhìn xem, tôi giỏi chưa này”, nhìn thấy bộ dạng đắc chí của Tiểu Cường, tiểu hòa thượng cười nghiêng cười ngả.

Sau khi trở về, câu đem chuyện này kể cho phương trượng, sau đó phương trượng bèn hỏi: “Con giảng đạo lý với các sư huynh sư đệ, họ không hiểu thì con tức giận. Nhưng Tiểu Cường nghe không hiểu, con tại sao lại cảm thấy thích thú như thế?”

Tiểu hòa thượng chột dạ đáp: “Tiểu Cường nghe không hiểu là chuyện rất bình thường, vì nó chỉ là một con khỉ, còn huynh đệ là người, họ đáng nhẽ ra phải nghe hiểu đạo lý mà con nói.”

Phương trượng lại hỏi: “Phải? Theo con như thế nào thì gọi là phải? Trước tiên, mỗi người sinh ra ngộ tính là khác nhau, người nào ngộ đạo nhanh không phải là công lao của người đó, họ ngộ đạo chậm cũng không phải là lỗi lầm của họ. Cứ coi như khả năng ngộ đạo của họ giống nhau đi, nhưng hoàn cảnh sống khác nhau.

Người được sinh ra trong nhung gấm lụa là, danh gia vọng tộc không phải công lao người đó, người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn khốn khó cũng không phải lỗi của họ. Hơn nữa, cứ cho là hoàn cảnh sống giống nhau đi thì Sư Phụ mà họ gặp cũng khác nhau, gặp được Sư Phụ giỏi không phải công lao của họ, gặp được Sư Phụ không tốt cũng không phải lỗi của họ. Giữa người với người có sự khác biệt với nhau rất lớn, con dựa vào cái gì nói người ta phải thế này, người khác phải như thế kia?”

Tiểu hòa thượng nghe đến đây, cúi đầu không nói được gì. Phương trượng nói tiếp: “Huống hồ, Thiên Đạo vô thường, nhân thế vô thường. Hôm nay người ta kém con, con có thể coi thường họ, nhưng ngày mai họ giỏi hơn con thì sao? Lúc đó, người ta lại coi thường con, trong lòng con cảm thấy như thế nào, có thể vui vẻ được không?”

Tiểu hòa thượng xấu hổ, đáp: “Sư phụ, con biết lỗi sai của con rồi ạ”.

Phương trượng lắc đầu nói: “Không, kì thực, cái sai lớn nhất của con không phải ở điểm này.”

Cậu mở to mắt ngạc nhiên hỏi: “Vậy chỗ sai của con ở đâu ạ?”

Vị phương trượng nói: “Sai ở chỗ, con không biết dùng con mắt của Phật để nhìn người khác, không biết dùng tâm của Phật để suy xét vấn đề”.

Tiểu hòa thượng như được khai sáng, kính cẩn dập đầu nói: “Đức Phật từ bi, xin Sư phụ dạy bảo con!”

Phương trượng mỉm cười nói: “Con hãy thử nghĩ kĩ lại xem, cùng là một chuyện nhưng sư huynh sư đệ con không hiểu con tức giận với họ, nhưng con lại cười vui vẻ với Tiểu Cường. Bọn họ là giống nhau, chỉ có con là thay đổi thôi.”

“Bởi vậy, vấn đề không phải ở họ mà chính là ở con. Con không tức giận với Tiểu Cường vì nó là khỉ còn con là người, trí tuệ con cao hơn nhiều nó, nên con bao dung cho lỗi lầm của nó. Nhưng sư huynh sư đệ con là người, trí tuệ các con là như nhau nên con không bao dung được lỗi lầm của họ. Nếu là Phật thì sao? Phật nhìn thấy sự kém cỏi của sư huynh sư đệ, Phật có thể tức giận không? Tất nhiên là không, vì trí huệ của Phật có thể bao dung được tất cả. Cái sai của con là con không dùng con mắt của Phật, cái tâm của Phật để quan sát , thương cảm và bao dung nhân loại”.

 

Nguồn: Dusheng

Lan Hòa biên tập