Nguồn ảnh: Trần Qúy Thanh

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Dùng tĩnh khí dưỡng thân, lấy hòa khí đãi người là cách sống thông tuệ nhất của bậc trí huệ

By Lan Hòa

June 14, 2021

Trong “Thái Căn Đàm” có câu: “Tâm an mao ốc ổn, tính định thái căn hương, thế sự tranh phương kiến, nhân tình đạm thủy trường”, nghĩa là tâm an thì ở nhà tranh vẫn vững chắc, bản tính ổn định thì ăn rễ cây cũng ngon, tĩnh nhìn mọi chuyện thế sự, tình cảm đạm bạc thì gắn bó lâu dài, điều chúng ta cảm nhận được là sự bình tĩnh, thong dong, siêu nhiên, ôn hòa trong hành xử của mỗi người.

Ôn hòa là đức tính tốt đẹp, người ôn hòa có lòng nhân đức bao dung vạn vật, khoan dung, độ lượng với mọi người, biết cương biết nhu; bề ngoài tuy tầm thường, kỳ thực nội tâm sâu sắc, giống như mặt biển bình lặng, mặc dù đáy biển cuồn cuộn sóng nhưng mặt biển vẫn phẳng lặng như gương, nội tâm họ bác đại tinh thâm, nội tâm tĩnh lặng mà vô cùng mạnh mẽ.

Người ôn hòa chân thành mà không khoe mẽ, trung thành mà không dối trá, làm người quang minh lỗi lạc, làm việc lòng dạ thoáng đãng, tâm của họ sáng như ban ngày, tài của họ quý như châu ngọc. Họ mang khí chất khiêm nhường của người quân tử “người quân tử trong sáng vô tư, kẻ tiểu nhân thường mang ưu sầu”.

Ôn hòa chính là biểu hiện tu dưỡng làm người, đó cũng là một thái độ đối nhân xử thế. Khi đối mặt với biến cố và sự sỉ nhục vô cớ có thể “đột nhiên đối diện mà không kinh sợ, gặp chuyện vô cớ mà không phẫn nộ”, khi vượt lên trên tình cảm cá nhân và lợi ích thì trí huệ sẽ liên tục thăng hoa, xử lý vấn đề sẽ tự nhiên thông suốt, thuận lợi. Khi gặp hoàn cảnh bất lợi,  họ không giống “thất phu bị nhục, rút kiếm tương đấu”, mà bình tĩnh đối xử với mọi người, lý trí giải quyết vấn đề

Ôn hòa là một thái độ sống, xử sự với mọi người đúng mực, đối đãi với mọi người khoan dung, nghiêm túc và thỏa đáng, thường suy nghĩ cho người khác, không làm qua loa từ những việc nhỏ, nắm vững một chữ “Độ”, nghĩa là vừa phải, điều độ.

Trong “Trung Dung” viết rằng: “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi trung, phát nhi giai trung tiết, vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bổn dã, hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”.

Nghĩa là: Khi vui buồn, oán hận bi ai chưa biểu lộ ra ngoài thì gọi là “trung”. Khi biểu lộ ra rồi mà có thể ước chế thì gọi là “hòa”. “Trung” là bản tính căn bản nhất của mỗi người, “hòa” chính là đạo lý mà mọi người cần tuân theo. Khi đạt được cảnh giới “trung hòa”, thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hòa, là một trong những cảnh giới cao nhất mà văn hóa Trung Hoa truy cầu, là đạo lý ngàn đời trong quan hệ giữa người với người. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người thì vạn vật thuận lợi, khi giao tiếp giữ thái độ cởi mở, ôn hòa, nhẹ nhàng thì có thể hóa giải mọi bất hòa, hiểu lầm, mâu thuẫn.

Đạo lý giao tiếp chỉ có một từ “hòa”. Khi tâm hòa, thì khí bình, khí bình thì tâm trở nên rộng lớn, khi tâm rộng lớn thì bạn sẽ trở nên khiêm tốn, khi khiêm tốn và kính trọng trước người khác, bạn sẽ được nhiều người yêu mến và kính trọng hơn.

Cũng giống như trong “Tăng Quảng Hiền Văn” thuyết rằng: “Phụ tử hòa nhi gia bất bại, huynh đệ hòa nhi gia bất phân, hương đảng hòa nhi tranh tụng tức, phu phụ hòa nhi gia đạo hưng“.

Nghĩa là: Cha con hòa hợp thì gia đình sẽ không sụp đổ, anh em hòa hợp thì gia đình sẽ không ly tán. Hòa hợp với mọi người xung quanh sẽ không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Vợ chồng hòa hợp thì gia đình càng thêm hạnh phúc, hưng thịnh.

Trong “Luận Ngữ” lại giảng rằng: “Hòa vi quý, hòa nhi bất đồng“, nghĩa là hòa hợp nhưng vẫn giữ được sự khác biệt. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người bằng một trái tim bao dung và tôn trọng. Mỗi người đều có cá tính riêng, có cả ưu điểm và nhược điểm. Hòa khí là chỉ nhìn vào những điểm tốt của người khác và bao dung những mặt chưa được như tính ganh đua, cố chấp, tham lam, ích kỷ trong tính cách của họ.

Câu chuyện “Khổng Tử mượn ô” được lưu truyền qua nhiều đời thể hiện rõ hòa khí ấy. Khổng Tử có khá nhiều môn sinh và ông hiểu rõ tâm tính của từng môn đệ. Một ngày Khổng Tử ra ngoài tản bộ, trời đổ mưa nhưng ngài lại không mang theo ô, vì vậy có môn đệ thưa rằng: “Con biết Tử Hạ có ô, thầy mượn của Tử Hạ đi ạ“.

Khổng Tử đáp: “Không được, Tử Hạ vốn là người rất keo kiệt. Nếu như ta hỏi mượn ô, y không cho mượn thì đồng môn sẽ nói y không tôn trọng thầy. Còn nếu cho ta mượn, thì trong lòng y chắc chắn sẽ không vui”.

Đây chính là dùng hòa khí đối đãi với người khác, trong giao tiếp cần phải hiểu rõ ưu điểm lẫn nhược điểm của người khác, không nên ép buộc người khác phải làm những việc họ không thích, hay làm mất thể diện của họ, và dùng hòa khí để bao dung họ

Nếu nhìn người và nhìn mọi điều bằng ánh mắt chứa đựng hòa khí bao dung cùng trái tim ấm áp như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời vô cùng tươi đẹp. Nếu như chúng ta dùng hòa khí đối đãi với người khác, tôn trọng cá tính của họ, thì trên thế giới này sẽ không còn sự thù hận và ai oán nữa. Nếu như chúng ta dùng hòa khí để dung hòa mọi việc, thì trên đời này sẽ chẳng có việc gì khiến bạn có thể khó chịu được nữa.

Một người nếu luôn nuôi dưỡng cho mình tâm bình khí hòa, để lòng an tĩnh như mặt nước thì ắt sẽ làm nên những việc đại sự. Dũng tĩnh khí dưỡng thân, lấy hòa khí đãi người là cách sống thông tuệ nhất của bậc trí huệ.

 

Nguồn: Zhengjian

Chân Nhiên biên tập