Trong cuộc sống này ai cũng có ngọt bùi và ai cũng có đắng cay. Dù là ngọt bùi hay cay đắng thì nó cũng có giá trị riêng của nó. Nếu sẵn sàng cho đi, phúc báo càng nhiều, lòng đầy cảm ân, đường càng thuận lợi, vui thích giúp đỡ, quý nhân càng gần…
Đời người như một con thuyền, những khoảnh khắc phẳng lặng thường kéo dài chẳng được bao lâu. Như bầu trời ngoài kia, gió không ngừng đổi hướng. Hướng gió không thể đổi nhưng ta có thể điều khiển cánh buồm. Ngoại cảnh không thể tác động nhưng ta có thể điều chỉnh lại tâm thái.
Coi những khó khăn chính là trải nghiệm cuộc sống khiến bạn vừa thản nhiên đối mặt với khổ nạn, vừa có thể bình thản hưởng thụ những niềm vui. Học cách trải nghiệm mới có thể chân thành đối diện với thế giới bằng tâm thái bình hoà.
Không tranh giành
Khổng Tử cho rằng, người hành theo đạo của thánh nhân là phải “kính trời biết mệnh”, đạt tới cảnh giới cùng “thiên địa tương thông” và “thiên nhân hợp nhất”. Đạo trời thường là thắng mà không cần phải tranh giành, vạn sự vạn vật đều được nuôi dưỡng thuận theo tự nhiên, nương tựa vào nhau để sinh tồn, không phải dũng cảm lao về phía trước để tách mình ra khỏi sự tuần hoàn đó để nổi bật tồn tại, mà chính là sự mềm mại, dịu dàng uyển chuyển của tất cả mọi thứ được hoà vào nhau để sinh tồn.
Theo lời dạy của Khổng Tử thì Thiên đạo tự có đức, sinh tạo vạn vật, tính chất quang minh, có năng lực sinh sôi nảy nở không ngừng. Thiên Đạo có mặt ở khắp nơi, không đâu là không có, biểu hiện ở nơi đất là địa đạo, ở nơi nước là thủy đạo, ở nơi người là nhân đạo. Làm người cần không ngừng bồi dưỡng đạo đức mới có thể biết được Thiên đạo và Thiên mệnh, mới có thể đạt tới an thân dựng lập sự nghiệp.
Nếu hiểu thiên mệnh của mình thì con người không phải vất vả cả đời tranh giành, oán giận. Cuộc sống khó vui và cuộc tranh giành càng ngày càng không phân thắng bại, có người vì thế mà lao tâm khổ tứ cả một đời, người thân không còn nhìn mặt, các mối quan hệ cũng dần chia tay, đến một ngày nhận ra, người thân thì ít kẻ thù gia tăng. Những thứ của mình thì nay thuộc về người khác.
Khổng Tử còn nói rằng: “Trời vô tư phủ che, đất vô tư nâng đỡ, nhật nguyệt vô tư chiếu rọi”, làm người nên là tuân theo tinh thần vô tư đó mà hành. Trái tim vô tư là con đường, lòng người thư thái, và học cách không tranh giành để được thanh thản.
Kiểm soát tức giận
Lại nói “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên”, tức là: Ức chế mình theo lễ là nhân. Một khi ức chế mình khôi phục điều lễ, thiên hạ sẽ theo về điều nhân. Làm điều nhân là do ở mình.
Cuộc sống được ví như con thuyền, không phải lúc nào cũng thuận chèo mát mái. Sách Hoàng Đế nội kinh có câu: “tất cả bệnh tật đều sinh ra từ khí”, ý muốn nói rằng nếu bạn muốn khoẻ mạnh, bạn cần có một tâm hồn bình tĩnh, thư thái, lạc quan. Chúng ta có thể sống hết mình nhưng nên hạn chế tức giận, nóng nảy là bản năng mà ai cũng có, nhưng kiểm soát được nó là khả năng của mỗi người.
Thế sự vô tình, nổi giận là tự trừng phạt mình trước lỗi lầm của người khác. Làm chủ được mình sẽ khiến tâm an và luôn thoải mái trong lòng. Đạo đức là sức mạnh giáo hoá lễ nghi. Khổng Tử cho rằng nó có thể dẫn dắt tâm linh con người, giúp con người hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và sinh mệnh có sự tương giao. Con người cần lấy “nhân, lễ , nghĩa, trí, tín” làm trọng, vui với bạn bè thì sẽ ngày càng thêm bạn, không tức giận chính là người luôn cởi mở chân thành, cuộc sống sẽ có nhiều may mắn hơn.
Lo lắng thái quá
Trong cuộc sống, việc chúng ta lo lắng là điều không tránh khỏi. Có người hỏi thiền sư: “Ngài có thể nói rõ được điều kỳ lạ của con người hay không?”.
Thiền sư trả lời: “Họ nóng lòng trưởng thành, sau đó lại kêu than đã đánh mất đi cái thời niên thiếu; thời trai tráng họ dùng sức khỏe để đánh đổi tiền bạc, đến khi già rồi lại muốn dùng tiền bạc để đổi lấy sức khỏe. Họ đối với tương lai lo lắng không thôi, nhưng lại bỏ qua hạnh phúc trong hiện tại. Bởi vậy, họ vừa không sống cho hiện tại, cũng không sống cho tương lai; khi họ sống, dường như cảm thấy bản thân sẽ không chết đi; trước khi chết, lại cảm thấy bản thân dường như chưa từng sống qua”.
Thật ra, nhiều thứ trên đời này đang tự đuổi theo gió mà tự ràng buộc lo lắng cho bản thân. Có một câu chuyện như vậy.
Một tiểu đạo sĩ trên núi được giao xuống chợ mua dấm. Khi rời đi, đầu bếp của vị đạo sĩ cảnh báo anh ta: “Hãy cẩn thận khi cậu trở lại. Đừng bao giờ làm đổ nó.”
Trên đường trở về, vị đạo sĩ thận trọng hết mực, vừa cảm thấy hồi hộp vừa lo lắng khi nghĩ đến vẻ mặt hung dữ của người đầu bếp.
Hắn càng lo lắng càng không yên tâm, về đến đạo viện, đã bước vào đến ngưỡng của nhà bếp mà còn làm đổ ra ngoài mất gần một nửa.
Vị đầu bếp mắng: “Đồ ngu, chuyện nhỏ này không làm được.” Đạo sĩ nhỏ đã khóc và rất buồn.
Nhìn thấy sự khổ não ấy, lão đạo sĩ đầu bếp một lần nữa thu xếp để tiểu đạo sĩ đi mua dấm, nhưng lần này, lão yêu cầu lão đạo sĩ kể lại phong cảnh và những gì nhìn thấy trên đường đi.
Lần này, vị đạo sĩ thấy cảnh vật trên đường thật đẹp: Đồng cỏ xanh mướt dưới chân những rặng núi, những người nông dân chăm chỉ làm ruộng, và những thiếu nữ giặt quần áo bên sông… Và lần này khi vị đạo sĩ quay lại đạo viện, dấm trong xô không bị đổ.
Thực tế, cuộc đời chúng ta giống như một tấm gương, khi bạn cười thì nó cười, khi bạn lo lắng thì nó cũng lo lắng. Bởi vậy chúng ta đừng lo lắng về những vấn đề tầm thường mà làm hỏng một cuộc sống tươi đẹp.
Cáu gắt không những không giải quyết được vấn đề mà còn mang đến năng lượng tiêu cực cho những người xung quanh và làm tâm hồn của chính bạn bị tổn thương. Hãy biết trân quý từng phút giây đẹp đẽ, mất đi tình cảm của một người, nếu biết là rất khó để vãn hồi, vậy có đáng hay không.
Thể hiện sự tự tu dưỡng của bạn bằng sự rộng lượng. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng nếu nhẹ nhàng nhìn mọi thứ, bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn. Hãy thả lỏng đầu óc, đừng tranh giành, nóng giận hay lo lắng, bạn có thể hạnh phúc và thư thái rất nhiều. Đường đời của bạn sẽ ngày càng thuận lợi hơn.
Nguồn: Soundofhope
Hằng Tâm