Người lớn chúng ta thường mắc sai lầm khi vội đưa ra những suy nghĩ không đúng về trẻ nhỏ. Tư tưởng đó xuất phát từ quan điểm ta luôn coi trẻ là thơ dại chưa biết suy nghĩ, chưa từng trải như người lớn, chưa có đủ độ chín chắn vv và vv.
Vậy nên nhiều lúc người lớn đối xử với trẻ chưa đúng mức, vội vàng kết luận theo ý chủ quan của mình. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người lớn hay làm tổn thương trẻ bằng những lời lẽ không đúng mức hoặc những hành động thô bạo, và sau đó bạn sẽ phải đối diện với những phản ứng của trẻ mà bạn không thể ngờ tới.
Giáo dục con cái chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trẻ con là tờ giấy trắng. Vì thế cha mẹ hãy viết lên những dòng đẹp đẽ nhất để đứa trẻ phát triển toàn diện với thái độ tích cực và lạc quan nhất trong những năm tháng đầu đời. Hai câu chuyện sau đây sẽ nhắc nhở ta những điều khá thú vị.
1. Câu chuyện quả táo
Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ em bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”
Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay phải, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo bên tay trái.
Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.
Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.
Bạn thấy cô bé thật đáng yêu phải không? Em đã cắn hai quả táo hai miếng, điều đó đã làm người mẹ nghĩ con gái mình thật xấu tính, và chắc bà nghĩ thói tham ăn là nét xấu thông thường của con trẻ. Bà đã vội thất vọng về con mình và cũng may là bà chưa nói lời khó nghe đối với con.
Nhưng chỉ cần có một chút chững lại hoài nghi như thế, tấm lòng của bạn đã vơi mất biết bao nhiêu tình yêu mà bà dành cho con. Cô bé vẫn hồn nhiên như không biết điều gì đang xảy ra với mẹ và nó nói một cách ngây thơ: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”
Nếu là bạn trong hoàn cảnh đó bạn sẽ thế nào? Còn tôi, nếu lỡ nghĩ sai cho con như thế, tôi sẽ ôm nó vào lòng và hôn lên trán nó, ôm thật chặt và lặng lẽ không nói gì chỉ để nó cảm nhận tình yêu của tôi qua nhịp đập thổn thức của con tim: con yêu! Mẹ xin lỗi con!
Đừng bao giờ vội vàng kết luận cho tính cách trẻ thơ khi ta chưa thấu hiểu nó!
2. Ngọn nến trong đêm.
Hàng xóm nhà tôi có một gia đình chỉ hai mẹ con. Quanh năm suốt tháng chẳng quan hệ với ai và hình như cũng không có nhà ai chơi với họ. Tôi biết hình như họ rất nghèo, và cũng mang máng biết rằng đứa bé rất ngoan, vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành. Tôi vẫn như mọi người khác, không bao giờ đặt chân vào nhà họ vì nghĩ rằng mình quan hệ với người nghèo rồi có khi họ lại hay nhờ vả.
Hôm đó, chỗ chúng tôi mất điện, tôi vẫn còn những ngọn nến đủ để thắp sáng vài tiếng đồng hồ, nhưng nghĩ nếu mình thắp nến biết đâu thằng bé lại sang xin. Nghĩ thế, tôi để căn nhà tối om và mang ghế ra thềm ngồi. Bỗng thấy thằng bé thấp thoáng trước cổng, tôi chợt nghĩ: mình đã làm thế mà nó không chịu buông tha. Đang nghĩ mà chưa buột miệng nói, thì đã nghe thằng bé rụt rè:
Thưa cô, cô đã có nến thắp chưa ạ, thấy nhà cô bị tối mẹ cháu bảo cháu mang nến sang cho cô ạ.
Tôi có nghe nhầm không? Bao lâu nay tôi vẫn xem thường hai mẹ con. Hôm nay, nó đã cho tôi một bài học về nhân cách làm người. Tôi bật dậy như một cái lò xo, lao ra cổng, tôi như người bừng tỉnh qua cơn mộng du, tôi ôm nó vào lòng:
Cháu ngoan quá! Cô cảm ơn cháu!
Tôi muốn nói với nó nhiều lắm… rằng… nó đã cho tôi hiểu rằng tôi tầm thường biết bao nhiêu, tôi tồi tệ biết bao nhiêu. Và đứng trước tôi bây giờ không phải là một đứa bé nghèo khổ mà tôi đã coi thường, mà là một nhân cách, một tấm lòng đã cứu tâm hồn tôi.
Và từ đó căn nhà tôi và gian nhà nhỏ của hai mẹ con họ luôn đầy ắp tiếng cười. Tôi xem họ như những người thân để chia sẻ yêu thương, và để học hỏi. Điều này chỉ có tôi mới biết tại sao lại như thế. Nó vẫn ngây thơ như ngày nào!
Các bạn ạ, hãy đối xử công bằng với trẻ, đừng bao giờ cạn nghĩ về trẻ, đừng bao giờ như tôi. Nhà nghiên cứu tâm lý học Worldkids đã từng nói:” Công bằng hiểu như một đứa trẻ nghĩa là đối xử ngang bằng nhau, không có sự phân biệt.
Khi ai đó đưa ra một quyết định hoặc có hành động cư xử đưa trẻ vào tính thế bất lợi, trẻ sẽ phản kháng lại bằng câu nói “như thế là không công bằng”. Có bậc cha mẹ nào chưa từng nghe con bạn nói câu này không? Nếu chưa từng được nghe, vậy thì chúc mừng bạn bởi bạn đã cho trẻ sự công bằng mà trẻ muốn”
Hãy biết trẻ rất nhạy cảm, đừng làm tổn thương nó. Khi bạn nghĩ sai về nó thì hãy dũng cảm xin lỗi nó. Như thế bạn đã cho bé một thế giới thật thánh khiết và bạn đã gieo vào tâm hồn thơ ngây của nó những hạt giống thiện lương!
Nguyễn Nhung biên tập