nguồn ảnh: SOH

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Đừng vội trách người đã làm tổn thương bạn vì họ là người thầy dạy bạn bộ môn mang tên “trưởng thành”

By Lan Hòa

March 17, 2022

Người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, mỗi một người xuất hiện trong đời chúng ta là một mối lương duyên. Có người vô tình đến rồi lướt qua đời bạn để dạy bạn cách yêu thương, trân trọng bản thân mình hơn, có người đến dạy bạn cách mạnh mẽ, trưởng thành, có người thì dạy bạn cách “khôn” ra và bớt tin người mù quáng.

Đừng vội trách người đã làm tổn thương bạn vì họ là người thầy dạy bạn bộ môn mang tên “trưởng thành”

Đôi khi trong cuộc sống, khi gặp những đối xử tồi tệ hoặc bất công, bạn hãy khoan đừng vội oán trách ai đó mang lại cho bạn những thương tổn trong tâm hồn, mà hãy thầm cảm ơn họ vì đã giúp bạn trở nên hoàn hảo hơn, chín chắn hơn. Họ cho bạn hiểu thế nào là mạnh mẽ và làm thế nào để trở nên mạnh mẽ, bởi chỉ khi trải qua những giông bão trong cuộc đời, bạn mới có thể trở nên dũng cảm hơn, nghị lực hơn, dám thay đổi bản thân mình và có một cuộc sống tốt hơn.

Không phải ai cũng sẽ đối xử hết lòng với bạn và trên đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với bạn. Những người đối xử tốt với bạn là những người cao quý, họ biết cách trân trọng, yêu thương và quý mến bạn vô điều kiện, bạn nên bạn nên trân trọng họ như cách họ đối đãi với bạn, vậy nên, hãy đối xử chân thành, thiện lương và bao dung với tất cả những người xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Phật Thích Ca Mâu Ni có câu: “Dù bạn gặp được ai, họ cũng đều là người nên xuất hiện trong cuộc đời của bạn, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, họ nhất định sẽ dạy cho bạn một điều gì đó.”

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của chúng ta sẽ phải gặp đủ loại người, một số người đối xử chân thành với bạn, một số người giả vờ, một số người đối xử tử tế với bạn, một số người khắc nghiệt, đối xử tồi tệ và bất công với bạn. Hãy trân trọng những người tốt với bạn; đừng quan tâm đến những người không tốt với bạn, cuối cùng họ sẽ ra đi và trở thành người qua đường trong cuộc đời bạn. Cũng đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai bạn gặp trong đời. Hãy học cách biết ơn và học cách nhìn vấn đề từ góc độ rộng hơn.

Đừng đổ lỗi cho người “sống lỗi” với bạn vì họ đã mang lại cho bạn bài học đáng nhớ. Chỉ cần bạn không quan tâm đến những người không đáng, không ai có thể làm tổn thương bạn. Đừng để bản thân mất đi niềm vui, hãy tốt bụng và biết ơn vì một số người trong cuộc sống của bạn. Suy nghĩ thấu đáo, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ là sự an bài hoàn hảo của tạo hóa.

Hãy cảm ơn người đối xử tệ bạc với bạn, bởi chính họ là người đang gánh nghiệp giúp bạn

Con người khi bị đối xử tệ bạc, bất công thì thường cảm thấy căm ghét, bất bình. Tuy nhiên có những lý lẽ của nhân quả mà con người không thể hiểu nổi. Con người chẳng ai muốn bị người khác đối xử tệ bạc, bất công. Nhưng theo Phật dạy thì chính những người đang đối xử tệ bạc với bạn, chính là người sẽ gánh nghiệp giúp bạn.

Vào thời vua Càn Long có một thanh niên họ Đỗ. Họ Đỗ là con một trong gia đình nông dân, gia sản chẳng có gì và khi đến tuổi trưởng thành, cha mẹ đều đã già yếu. Từ bé họ Đỗ luôn bị bạn bắt nạt, nhất là hàng xóm đồng niên họ Cổ vốn to con hơn, gia đình lại giàu có hơn. Lớn lên họ Đỗ đi đâu gặp họ Cổ cũng bị trêu chọc, tranh giành.

Trong làng có tiểu thư xinh đẹp nhà Ngô, nổi tiếng tính tình lại dịu dàng nết na. Tiểu thư họ Ngô từng học cùng trường với cả họ Đỗ và họ Cổ, thấy họ Đỗ hiền lành, dáng dấp thư sinh nên đem lòng cảm mến. Đôi bên đã qua lại vài lần, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Họ Cổ thấy tình ý của tiểu thư họ Ngô với họ Đỗ, lập tức tìm cách chiếm đoạt, nhờ cha mẹ làm mâm cao lễ đầy tới hỏi cưới.

Gia đình tiểu thư họ Ngô thấy nhà Cổ là gia đình có bề thế, nghĩ con gái mình gả vào đây sẽ được sung sướng cả đời nên lập tức chấp thuận. Họ Đỗ nghe tin cảm thấy vô cùng buồn bã, tiểu thư họ Ngô không muốn lấy họ Cổ nhưng vì phận con cha mẹ đặt đâu ngồi đấy nên đành nuốt nước mắt lên xe hoa.

Họ Đỗ nghĩ mình phận kém, làm gì cũng bị chèn ép nên không dám trách ai, sau đó cũng tìm được một thôn nữ hiền lành cùng làng kết duyên. Họ Đỗ và họ Cổ đều sinh được quý tử để nối dõi tông đường.

Hai quý tử tới tuổi đến trường lại học cùng lớp, câu chuyện lịch sử lặp lại. Con trai họ Đỗ bị con trai họ Cổ bắt nạt hàng ngày, lấy đồ có, đánh có, chặn đường không cho về cũng có…, thấy tủi nhục lắm về mách cha nhờ tới trường xin phân xử. Nhưng họ Đỗ lần nào cũng gạt đi và bảo con chịu khó, “cha ngày xưa cũng vậy, bây giờ cũng chẳng sao, con đừng để bụng mấy chuyện đó”, họ Đỗ dặn con.

Hai quý tử nhà họ Đỗ và họ Cổ đều học hành giỏi giang, hơn phụ thân mình. Cả hai nhà đều cố gắng rèn con học tập. Đến lúc lên kinh dự thi, họ Cổ cử gia nhân chở con bằng kiệu cho đỡ nhọc nhằn đường xa để còn giữ sức giành ngôi đầu bảng làm quan to, còn họ Đỗ không có điều kiện, chỉ cho con tay nải thức ăn uống và dặn dò lên đường bảo trọng. Ngày chia ly vợ chồng họ Đỗ tiễn con trong nước mắt, trong lòng chỉ mong con sớm bình an trở về, đỗ đạt thì tốt không cũng chẳng sao.

Đường lên kinh không hề ngắn, phải mất mấy ngày mới tới. Hôm đó cả đoàn gồm công tử họ Cổ và 4 gia nhân khiêng kiệu, con trai họ Đỗ và một số bạn đồng niên khác. Sắp tới kinh thành có đoạn đi qua dãy núi vừa gặp bão bị sạt lở, người dân địa phương nói không nên qua lúc này mà chờ vài hôm tới hãy đi. Tuy nhiên thời gian ứng thí không cho phép nên cả đoàn vẫn bạo gan đi tiếp, trong lòng cầu xin Thần Phật thương xót phù hộ được bình an.

Chẳng may đến giữa chừng núi thì lại sạt lở, đá đất lăn xuống ầm ầm, kiệu chở con trai họ Cổ khi ấy trúng đá tảng lớn bị văng xuống vực, họ Đỗ đi gần đó cũng bị rơi theo, nhưng may thế nào lại bám được vào chiếc kiệu và khi rớt xuống vực không hề bị thương tích gì, kể cả áo quần cũng chẳng rách lấy một mẩu. Nhưng họ Cổ lại không may mắn được thế,…

Gia nhân sống sót nhìn thấy cậu chủ mất mạng sợ quá vội chạy về nhà báo tin dữ. Họ Đỗ thoát nạn trong gang tấc vội quỳ lạy tạ ơn Thần Phật và tiếp tục lên kinh ứng thí, vừa hay tới đúng giờ và làm bài sau đạt điểm cao, đỗ bảng vàng làm quan to.

Họ Cổ than khóc cho con trai bạc mệnh, tức giận thấy con nhà họ Đỗ không những thoát chết mà còn được vinh danh bảng vàng. Họ Cổ không can tâm cứ ôm mộ con mà khóc tới ngất đi, rồi thấy mình xuống dưới địa phủ.

Tại đây gặp con trai đang bị còng rất khổ sở, vội chạy tới hỏi han khóc thương con. Con trai nói với cha rằng, “con mất mạng để trả thay nợ nghiệp cho nhà họ Đỗ. Nhẽ ra con không tới số nhưng vì bao nghiệp nặng nhà họ Đỗ tích từ tiền kiếp con phải gánh, do cha và con đều xử tệ bạc và bất công với họ, vô tình đã gánh hết nghiệp cho họ rồi. Cha hãy trở về và cố sống khác đi, nếu không sớm muộn sẽ phải chịu tội còn khổ hơn con đó”.

Qủa thực, cuộc đời này nhân quả báo ứng rất công bằng. Cứ ngỡ bắt nạt được người, thu được lợi về mình là sung sướng, hả hê, nào ngờ đâu, xử tệ với người lại thay họ gánh hết nghiệp về mình. Vậy nên, ngẫm cho cùng thì vẫn nên nhìn xa trông rộng, đối đãi mọi người xung quanh bằng tấm lòng từ bi. Sống trên đời, không nên lọc lừa, gian ác và tranh đấu chỉ vì chút lợi nhỏ, hãy cứ sống chân thành, thiện lương và bao dung, nhẫn nại với mọi người xung quanh, đó mới chính là cách sống cao minh nhất của kiếp nhân sinh.

Lan Hòa tổng hợp