Nguồn ảnh: mb.dkn

Sức Khỏe

Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính

By Đăng Dũng

July 02, 2021

Từ xưa Đông y vẫn coi dưỡng sinh là bộ phận trọng yếu trong phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm chế lão suy và kéo dài tuổi thọ.

1. Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính

Dưỡng sinh bao gồm nhiều nội dung, cùng rất nhiều hệ thống thực hành khác nhau, nhưng phần lớn y học gia từ xưa đều cho rằng: “Dưỡng sinh bất như dưỡng tính” (Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính).

“Dưỡng tính” thuộc phạm trù “tình chí” trong Đông y học và tương ứng với phạm trù “vệ sinh tâm lý” trong y học hiện đại. Trên thực tế bao quát cả vấn đề tu dưỡng đạo đức, di dưỡng tinh thần, cùng toàn bộ đời sống tình cảm của mỗi con người.

Trong “dưỡng tính”, người xưa chú trọng nhất tới 2 phương diện: “Điều nhiếp tình chí” và “Tu dưỡng đức hạnh”. Do sự biến động của tình chí và đạo đức có liên quan hết sức mật thiết tới sức khỏe tâm thần của mỗi con người.

“Tình chí” được Đông y quy nạp thành “thất tình” bao gồm: hỷ (vui), nộ (tức giận), ưu (lo lắng), tư (nghĩ ngợi), bi (buồn), khủng (sợ hãi), kinh (sửng sốt quá mức). “Thất tình” hình thành dưới tác động, những kích thích của các nhân tố từ bên ngoài; là phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý cũng như sinh lý.

Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Nhưng khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc là cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”,  u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận”…

Dưỡng tính, nghĩa là điều nhiếp tinh thần và tình cảm. Phép tắc quan trọng nhất trong điều nhiếp là giữ cho tình chí được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái cân bằng. Làm được như vậy thì “chân khí” không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, “tà khí” từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy mà bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.

Trong “dưỡng tính”, việc tu dưỡng đức hạnh còn quan trọng hơn. Người thông hiểu dưỡng sinh, lấy tu dưỡng đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn. Nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh.

Như Tôn Tư Mạc (581-682) đã nhận định: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh… Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ “kim đan ngọc dịch”, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”.

Bản thân Tôn Tư Mạc suốt cả cuộc đời đã kiên trì tu thân và tu dưỡng đức hạnh, nên đã có tuổi thọ trên 100 tuổi,  trăm tuổi vẫn khỏe mạnh sáng suốt, tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách.

2. Người nhân đức có tuổi thọ cao

Trong dưỡng đức, chữ “nhân” được y gia đặt lên hàng đầu. Khổng Tử không chỉ là “chí thánh tiên sư” của Nho học, mà còn là một nhà dưỡng sinh kiệt xuất; là người đầu tiên đã phát hiện và đề xướng chân lý: “nhân giả thọ” (người có đức “nhân”, có đạo đức, có tuổi thọ cao).

Để giải thích và chứng minh cho luận điểm này, trong các tác phẩm của mình, Khổng Tử đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng và lý lẽ xác đáng. Tại sao người có đức nhân, có đạo đức, lại có tuổi thọ cao?.

Đổng Trọng Thư, một triết gia kiêm dưỡng sinh gia nổi tiếng, đã giải thích: Người nhân đức sở dĩ có tuổi thọ cao, là vì không tham lam mà trong lòng luôn luôn thanh tĩnh, tâm bình hòa cho nên âm dương không bị mất cân bằng, nhờ vậy mà hấp thu được những thứ tinh hoa và cái đẹp trong trời đất để nuôi dưỡng và hoàn thiện thân thể.

Quan điểm “nhân giả thọ” đã được y gia trong suốt các đời sau phát huy, phát triển và đã trở thành một trong các bí quyết quan trọng nhất của dưỡng sinh. Để thực  hành dưỡng đức, theo Hoa Đà (141 – 208): người giỏi dưỡng đức, đầu tiên phải biết trừ “lục hại”, như vậy mới có thể bảo vệ được tính mệnh và sống tới trăm tuổi.

Muốn trừ lục hại, một là phải coi nhẹ danh lợi, hai là không say mê thanh sắc, ba là không tham lam vật dụng hàng hóa, bốn là bớt của ngon vật lạ, năm là không xu nịnh, sáu là không ghen ghét. Trong 6 thứ có hại đó, trừ “của ngon vật lạ” ra, 5 thứ hại khác đều liên quan đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.

Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và  bệnh tật không thể phát sinh.

Tu thân dưỡng tính, để có được một thân thể khỏe mạnh, sống trường   thọ. Tuy nhiên rất ít người có thể làm được, cũng bởi người ta không thể nào tĩnh lặng những công danh lợi lộc, vinh hoa phú quý, tiền tài mỹ nữ được bày ngay trước mắt. Cũng chính vì lẽ đó, mà lao tâm khổ tứ, hao mòn tinh lực.

Người ta khi còn trẻ thường mải mê kiếm tiền mà không để ý đến sức khỏe của mình. Đến lúc giàu có, sung túc rồi mới bắt đầu lo nghĩ: “Làm sao để được kéo dài cuộc sống đây? Ta còn chưa được hưởng thụ sau bao năm vất vả kia mà!”. Đó cũng là một trong những lý do vì sao mà từ xưa đến nay người giàu có, quyền quý đều muốn tìm được bí quyết trường thọ. Họ dồn hết tâm huyết vào việc tìm kiếm linh đan diệu dược để có thể trường sinh bất lão; nhưng kết quả cũng chỉ như dã tràng xây cát, mò kim đáy bể, mò trăng dưới nước mà thôi.

Thực ra, bạn không cần phải đi đâu xa để tìm “bí quyết trường thọ” cả. Bạn chỉ cần chú ý hơn đến tư tưởng, hành vi của mình trong cuộc sống hằng ngày, và sẵn sàng vứt bỏ những điều không tốt, cải tà quy chính là được.

Quang Minh biên tập

Nguồn: DKN