Vợ chồng luôn là người đồng hành cùng nhau đến suốt cuộc đời nên hãy luôn trân trọng nhau. Nguồn ảnh: Internet

Đời Sống

Duyên vợ chồng là do ông trời ban. Người đau khổ nhất là người không biết đủ

By Đăng Dũng

January 19, 2021

Yêu nhau là một cái duyên đến được với nhau thành vợ thành chồng là một cái nợ. Một khi chúng ta nên duyên vợ chồng là một điều hạnh phúc của cuộc đời, hãy trân trọng nhau khi còn có thể dù tương lai có xảy ra chuyện gì thì ngày hôm nay chúng ta vẫn là một gia đình nhỏ

Có một người phụ nữ đến gặp một vị thiền sư trong vùng, cô ấy hỏi: “Thưa ngài con là người đã có chồng. Nhưng con đã phải lòng một người đàn ông khác, con không biết phải giải quyết như thế nào”

Vị thiền sư: “Con có chắc anh ta là người cuối cùng mà con yêu trên đời này không?”

Người phụ nữ: “Vâng thưa ngài, con không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc này”

Vị thiền sư: “Vậy hãy làm những gì con muốn, ly dị và kết hôn với anh ta”

Người phụ nữ: “Nhưng điều đó sẽ làm tổn thương chồng của con rất nhiều. Anh ấy là người tốt bụng và trách nhiệm”

Vị thiền sư: “Thật không thoải mái khi có một cuộc hôn nhân không tình yêu. Bây giờ con đã yêu người khác chứ không phải chồng của con. Quyền quyết định là ở con.”

Người phụ nữ: “Nhưng chồng của con… Anh ấy yêu con rất nhiều”

Vị thiền sư: “Vậy anh ấy là một người hạnh phúc”

Người phụ nữ: “Sao anh ấy lại có thể hạnh phúc được chứ? Con sẽ ly dị anh ấy và cưới người khác cơ mà?”

Vị thiền sư: “Trong cuộc hôn nhân, chồng của con đã dành tình yêu của cậu ấy cho con, con dành tình yêu mình cho người khác. Người đau khổ ở đây chính là con”

Người phụ nữ: “Nhưng con sẽ ly dị anh ấy, anh ấy đã đánh mất con, người đau khổ nhất phải là chồng con mới đúng”

Vị thiền sư: “Không hẳn là như vậy, khi con không tồn tại thì tình yêu của chồng con vẫn sẽ tiếp tục như vậy, bởi vì tình yêu của cậu ấy trong cuộc hôn nhân này chưa bao giờ mất đi. Vậy là con là người đau khổ, còn anh ấy là người hạnh phúc.”

Người phụ nữ: “Anh ấy nói anh ấy chỉ yêu mình con và sẽ không yêu người phụ nữ nào khác”

Vị thiền sư: “Vậy à! Con hãy nhìn 3 cây nến ở đằng kia xem, cái nào là sáng nhất?”

Người phụ nữ: “Con không biết, chúng đều sáng như nhau”

Vị thiền sư: “3 cây nến kia giống như 3 người đàn ông, một trong số đó là người mà con yêu nhất, đó là cái sáng nhất nhưng con đâu có nhận ra phải không. Đương nhiên cây nến khác con người, nhưng con nên biết rằng ngoài kia có hàng trăm hàng nghìn người đàn ông khác, con có dám chắc chắn rằng người con đang yêu kia sẽ là người đàn ông cuối cùng mà con yêu hay không?”

Người phụ nữ: “Con….”

Vị thiền sư đặt 3 cây nến ở 3 vị trí khác nhau và hỏi: “Cái nào sáng nhất?”

Người phụ nữ: “Cái ở gần con nhất”

Vị thiền sư lại đặt 3 nến vào chỗ ban đầu và hỏi: “Cái nào sáng nhất?”

Người phụ nữ: “Con không biết?”

Vị thiền sư: “Để tìm ra người cùng mình đi đến đầu bạc răng long cũng giống như tìm cây nến sáng nhất trong rất nhiều những cây nến khác, con biết không tất cả các cây nến đều giống nhau cả nhưng nếu con mang 1 cây nến đến gần mình thì đó là cây sáng nhất. Điều quan trọng ở đây là con phải biết trân quý.

Ngoài kia có rất nhiều người đàn ông ưu tú, người nào cũng có thể tỏa sáng trong phạm vi của mình. Dù họ không phải là những cây nến này nhưng bản chất sự việc lại không khác nhau nhiều.

Trước kia con nhận ra rằng chồng của con là cây nến sáng nhất. Nhưng lúc này con lại thấy người đàn ông kia mới là cây nến sáng nhất. Giống như 3 cây nến ở kia, con nhặt một cây lên thì tất nhiên cây đó gần con và sáng nhất nhưng nếu con đặt cây đó lại chỗ cũ và nhặt cây khác lên thì cây vừa nhặt lại sáng nhất chứ không phải cây kia và lại tiếp tục lặp lại như vậy. Con sẽ luôn luôn bị dao động bởi ánh sáng từ những người khác, đó là vì con không biết trân quý.

Liệu con có thể sẽ không bị dao động một lần nữa chứ? Nếu như vậy thì tình cảm của con chỉ là một chuỗi dài kiểm tra những cây nến sáng như nhau để xem cây nào sáng nhất.

Chồng của con, cậu ấy cũng tiếp xúc với những cây nến khác nhưng cậu ấy vẫn luôn giữ một cây nến ở gần mình nhất. Vì cậu ấy biết trân quý tình yêu dành cho con, trân quý con, trân quý duyên phận và ông trời đã an bài cho hai người. Cho nên cậu ấy sẽ không đặt con lại vào chỗ của những ‘cây nến’ và lại nhặt một ‘cây nến’ khác ra đâu.

Ta nói rằng chồng con là người hạnh phúc vì cậu ấy đã tìm ra tình yêu của đời mình, dù cho có mất con đi chăng nữa thì cậu ấy cũng đã tìm ra cây nến sáng nhất cho mình. Còn con thì sao, đã tìm được tình yêu cho mình chưa? Hay chọn mãi mà không tìm ra cây nào sáng nhất? Vì thế ta mới nói rằng con là người đau khổ nhất, hãy suy nghĩ kỹ càng…”

Hôn nhân hạnh phúc là 2 người luôn hướng về nhau. Nguồn ảnh: Internet

Người xưa có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng thì tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn là còn có “Ân”. 

Chữ “Ân” (恩 – ơn, ân) là do chữ “Nhân” (因 – trong nhân quả, nhân duyên) đặt trên chữ “Tâm” (心 – trái tim) mà ra, vậy nên mới nói hai con người xa lạ có thể nên duyên vợ chồng chính là do duyên nợ mà thành. Cũng bởi vì cái ân ấy mà hai con tim cần phải nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không vì ngoại cảnh mà đổi thay hay bội bạc.

Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có tình cảm thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng thì “ân” được coi là nền tảng, hơn nữa tình yêu cũng cần có lý tính, vì thế mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.

Biên tập: Đăng Dũng