Phong thủy dưỡng người tích Thiện, hành Thiện phúc lành sẽ đến bên.
Một ngày nọ, có một thiếu niên xuất thân nghèo khó cùng sáu người bạn học đi lên kinh ứng thi. Trong đoàn người, anh hợp tính nhất với Vương Sinh – vốn xuất thân nhà giàu lại nghĩa khí. Thời gian vui vẻ chưa được bao lâu thì cả đoàn gặp một vị thầy bói, ông bói rằng vị thiếu niên nghèo kia sẽ chết oan uổng trên đường khiến cả sáu người thảy đều kinh hãi, vị thiếu niên kia bắt đầu có ý định bỏ thi về nhà để tránh tai họa. Nhờ có Vương Sinh khuyên nhủ, mọi người lại tiếp tục lên đường.
Sau khi cả hai đến Kim Lăng, nghe nói Thừa Ân Tự có vị thầy tướng tính toán họa phúc cát hung chuẩn xác phi thường. Người thiếu niên cùng sáu người bạn học liền hăng hái đi coi. Vị thầy tướng kia nhìn sáu người họ, rồi nói ra sự tình của gia đình họ không sai chút nào.
Đến phiên người thiếu niên, tiên sinh hỏi vài câu đại khái, sau đó bấm tay tính toán, rồi nói: “Thiếu niên này tướng mạo tiều tụy, Thiên đình đã xuất hiện vân tối. Chiếu theo tướng pháp, trong vòng năm ngày tất sẽ chết oan uổng. Theo tướng mạo hiện tại của anh ta, có thể sẽ chết trên đường đi”.
Vương Sinh cùng tất cả mọi người cảm thấy khiếp sợ, cả hai vị thầy bói đều nói giống nhau. Họ liền vội hỏi phương pháp hóa giải. Thầy tướng nói: “Sinh tử toàn cục, nếu không có đại âm đức, sẽ không thể vãn hồi Thiên ý. Hiện tại kỳ hạn còn lại rất ít, còn có thể có biện pháp nào chứ!” Mọi người trầm lặng mà quay trở về nơi ở. Vì không muốn liên lụy mọi người, vị thiếu niên quyết về quê nhà. Vương Sinh thấy bạn mình như vậy thì rất thương cảm những không thể làm gì, bèn đưa cho anh ta mười lượng bạc để phòng khi cần thiết.
Người thiếu niên từ biệt mọi người rồi lên thuyền trở về quê. Trên sông Trường Giang, sau khi đi thuyền hơn mười dặm thì trời nổi gió bão, để tránh nguy hiểm nên người chèo thuyền đã neo thuyền ở bên cạnh bờ. Gió thổi liên tục như vậy qua bốn ngày chưa ngừng. Thiếu niên nghĩ thầm, sắp đến kỳ hạn năm ngày rồi, thuyền lại không thể đi, chẳng lẽ đúng như thầy tướng nói phải chết trên đường sao?
Lúc này, thiếu niên một lòng chờ chết, vạn niệm như không. Lúc anh lên bờ đi dạo, bỗng nhiên trông thấy một người phụ nữ trung niên đang mang thai, còn dắt theo ba đứa con nhỏ, vừa đi vừa khóc. Nơi đây người thưa thớt, lại thấy người phụ nữ bung mang dạ chửa đi lại mệt nhọc, vì vậy liền bước tới để hỏi cô có chuyện gì khó khăn, có lẽ còn có thể trợ giúp.
Người phụ nữ bất đắc dĩ nói cho anh biết sự tình của mình. Chả là, cô bán đi hai con heo với giá mười lượng bạc, nhưng bị lái buôn lừa đưa cho cô 10 lượng tiền giả được đúc bằng đồng. Cô sợ bị đánh, không dám cầm tiền về cho chồng, vì vậy quyết định dẫn theo con nhảy sông tự vẫn.
Thiếu niên nghe xong trong tâm cảm thấy rất buồn, anh nghĩ mình sắp chết rồi, giữ số tiền này làm gì nữa, liền đem số bạc Vương Sinh tặng lặng lẽ đổi với tiền của người phụ nữ và giả vờ nói: “Phu nhân thật sự thiếu chút nữa đã phạm sai lầm lớn! Đây là bạc thật, có phải là đồng đâu?”
Người phụ nữ tức giận nói: “Mấy tiệm bạc kia đều nói là đồng, làm sao có thể là bạc được?” Thiếu niên trả lời: “Mấy tiệm bạc kia ức hiếp phu nhân một bậc nữ lưu! Nếu như phu nhân đi cùng với ta, họ sẽ không dám nói đó là đồng”. Người phụ nữ liền đi cùng anh ta vào một tiệm bạc để kiểm tra, và kết quả là bạc thật. Họ lại cùng đi vài tiệm nữa, cũng được cho biết là bạc thật. Người phụ nữ rất vui mừng, sau khi tạ ơn thư sinh, liền mang con trở về nhà.
Sau khi thiếu niên cứu người phụ nữ, sắc trời đã tối, bất đắc dĩ ngủ tại một căn miếu đổ nát. Thiếu niên mệt mỏi vì chạy cả ngày, vừa ngồi xuống liền ngủ mất. Trong ánh trăng mờ, anh nghe được âm thanh nha dịch thét to. Thiếu niên vươn người ra xem, thấy trên đại điện đèn đuốc sáng trưng, hai bên có nha dịch oai phong đứng đó, chính giữa có một vị diện mạo giống một vị vua đang ngồi ở trên công đường, hình như là Đế quân.
Bỗng nhiên Đế quân hạ lệnh nói: “Hôm nay ở bờ sông có một người cứu được năm mạng người, nên điều tra rõ người này, ban thưởng phúc báo cho hắn”. Đợi một quan viên báo cáo tình huống của vị thư sinh xong, Đế quân lại hỏi: “Bảng yết thị mùa thu có phải thư sinh này sẽ thi đậu không?” Một quan viên khác nói, thiếu niên này phúc lộc và tuổi thọ cũng đã hết, đúng ra trong tối hôm nay vào giờ Tý sẽ bị tường đổ sụp xuống mà chết.
Đế quân nói: “Nếu làm như vậy, thì làm sao khuyên người ta hướng thiện được nữa? Cần sửa lại lộc tịch một chút”. Thi Hương lần này ở Giang Nam một người trúng giải Nguyên, nhưng vì dâm ô tỳ nữ nên đã bị xoá tên, Đế quân quyết định để cho thiếu niên này bù vào vị trí đó. Bên cạnh có một người khác nói, Vương Sinh trọng nghĩa xem nhẹ tài, tặng thư sinh tiền nên anh ta mới làm được việc thiện này. Cho nên Vương Sinh cũng nên được công danh. Đế quân liền chuẩn tấu.
Thiếu niên đang chú ý nghe, bỗng nhiên bên tai tựa hồ có người kêu to: “Mau ra đây! Mau ra đây!” Thiếu niên trong lòng kinh hãi, đột nhiên tỉnh dậy, thấy mình vẫn như trước co rúc ở dưới miếu. Trong màn đêm đen, anh nghe tường đất đổ xuống, liền vội vàng đứng lên chạy ra bên ngoài. Vừa đi ra vài bước, tường liền ầm ầm sụp đổ rơi đúng vào chỗ anh ta ngồi lúc nãy.
Sau khi trời sáng, thư sinh mặc y phục chỉnh trang bái lạy Đế quân rồi trở về thuyền. Trong lòng anh nghĩ đến lời thần nói, cảm thấy nhất định sẽ ứng nghiệm, vì vậy bàn bạc với nhà đò quay trở về Kim Lăng. Thiếu niên đi vào quán trọ, mọi người nhìn thấy anh còn sống đều cảm thấy khiếp sợ. Vương Sinh cười nói: “Đại nạn không chết, tất có đại phúc”, bèn mở tiệc rượu ăn mừng cho anh ta.
Mọi người đùa giỡn, cùng thiếu niên đi tìm thầy tướng. Thầy tướng ngẩng đầu vừa thấy thiếu niên, kinh ngạc nói: “Cậu còn sống sao?” Thầy tướng phát hiện chỉ ngắn ngủi vài ngày, cốt tướng của thiếu niên đã phát sinh đại biến, nói anh ta nhất định đã làm việc đại thiện, cứu được mạng người mới vãn hồi vận này. Còn tiên đoán anh ta năm nay tham gia khảo thí nhất định có thể trúng đầu bảng! Sang năm sẽ tiến vào Hàn Lâm, được làm quan nhất phẩm, tuổi thọ tăng đến tám mươi.
Thầy tướng cười nói: “Chuyện này cũng không phải ngẫu nhiên! Nửa tháng trước ta xem tướng cho một tú tài, giữa hai đầu lông mày sáng tỏ không giống bình thường, nhất định đạt giải Nguyên năm nay. Nhưng ngày hôm qua anh ta lại đây xem tướng, trán lại xuất hiện vân tối, ánh sáng lúc trước tất cả đều biến mất. Chắc hẳn anh ta đã làm chuyện xấu hổ không dám nhìn mặt người khác, công danh đều bị hủy bỏ rồi”.
Thầy tướng lại nói với Vương Sinh: “Năm nay, cậu và thiếu niên này sẽ cùng đỗ đạt”. Vương sinh cười nói: “Tôi có làm được việc thiện nào đâu?” Thầy tướng nói: “Đúng là làm việc tốt một cách tự nhiên, không tính toán, đây mới gọi là âm đức!”
Sau khi trở lại quán trọ, thiếu niên đem sự việc từ đầu đến cuối kể cho Vương Sinh, còn nói: “Nếu như không có huynh đưa tặng ngân lượng, ta cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn người ta chết! Hôm nay may mắn được thần linh bảo hộ, đây là ân huệ của huynh!” Vương Sinh kinh ngạc nói: “Đó là do huynh có lòng độ lượng! Ta nên cảm tạ huynh mới đúng!” Hai người khiêm nhượng với nhau. Khảo thí năm đó, thiếu niên quả nhiên trúng giải Nguyên, Vương Sinh cũng nổi danh trên bảng. Năm thứ hai, hai người cùng vào Hàn Lâm làm quan. Tuy mười lượng bạc không nhiều, nhưng thần linh truy tìm nguồn gốc, đều sẽ dành cho người đó phúc báo. Vị kia là người được chọn để đạt giải Nguyên, lại phạm phải tà dâm, liền nhanh chóng bị tiêu trừ công danh”. Thiện ác ở trong một niệm, thật sự đã ứng với câu “Phúc họa vô môn, nhân tâm tự triệu.”
Luật nhân quả luôn hiện hữu bên cạnh chúng ta, không chỉ thời xưa mà nay cũng như vậy. Thiện Ác chưa báo không phải là không báo mà là vì chưa đến lúc. Nếu có thể thành tâm hướng Thiện, chân thành làm người tốt, thành tâm thành ý sửa sai thì vận mệnh rất có thể cũng theo đó mà được cải biến. Trời không phụ người có tâm, Đất không phụ người có đạo. Vận mệnh khó đổi. Đức năng thắng số.
Minh Hoàng biên tập và T/H