Nguồn ảnh: NTDVN

Dạy Con Thông Thái

Gia huấn Vương Dương Minh: 96 chữ là nền tảng cả đời cho con cháu làm người

By Lan Hòa

November 21, 2021

Cổ nhân có câu: “Lấy đạo đức truyền gia thì được trên 10 đời, lấy nghề cày cấy và dạy học truyền gia đứng thứ 2, lấy thi thư (kinh sách) truyền gia đứng thứ 3, lấy của cải giàu có truyền gia thì không nổi 3 đời”. Vì vậy, đối với con cháu trong nhà thì để lại bài học làm người, dạy tu thân dưỡng đức là quan trọng hàng đầu.

Chăm đọc sách, phải hiếu đễ

Nguyên văn: Cần độc thư, yếu hiếu đễ. Để trẻ em từ nhỏ đã yêu thích đọc sách, hiếu thuận với cha mẹ, đó là đại sự hàng đầu của Gia huấn Vương Dương Minh.

Làm người thì điều tối quan trọng trước tiên là phải học đạo lý hiếu thuận với cha mẹ (hiếu), yêu thương anh chị em (đễ). Sau đó mới bắt đầu học các tri thức trong đời sống thường nhật.

Đọc sách là con đường chủ yếu để có được trí tuệ. Một đứa trẻ có thói quen đọc sách ắt sẽ có được tri thức, có tầm nhìn, có nhân cách.

Học khiêm cung, theo lễ nghi

Nguyên văn: Học khiêm cung, tuần lễ nghi. Có một loại tu dưỡng gọi là “Chớ vì mình cao quý hiển đạt mà khinh thường người”.

Từ nhỏ dạy trẻ em không được có cảm giác ưu việt hơn người mà kiêu ngạo tự đại, không coi ai ra gì. Đồng thời lấy cái khiêm cung nội tại chuyển hóa thành cử chỉ nho nhã lễ phép ra bên ngoài.

Không đề cao bản thân, cũng không hạ thấp người khác, tôn trọng người khác mới được người khác tôn trọng.

Tiết kiệm ăn uống, không mê trò chơi

Nguyên văn: Tiết ẩm thực, giới du hí

Người xưa cho rằng ăn uống phải giữ tiết chế.

Ngày nay vì sao có nhiều người dễ phát phì, dễ mắc các bệnh người giàu? Chính là vì không giữ được tiết chế. Nếu ngay cả hình dáng thân thể còn không kiểm soát nổi thì làm sao có thể kiểm soát được cuộc đời của mình?

Vui chơi là thiên tính của trẻ em, nhưng tuyệt đối không được quá chìm đắm trong trò chơi. Bởi vì  vui thú với vật tiêu khiển sẽ tiêu tan chí hướng. Không lập được chí thì sao có thể nói đến lập đức, lập công và lập ngôn?

Chớ nói dối, chớ tham lợi

Nguyên văn: Vô thuyết hoang, vô tham lợi

Người xưa nói: “Thành tín là vàng”. Thành tín là nền tảng làm người, hơn nữa còn là tài sản lớn nhất cả đời của trẻ.

Tham, trông có vẻ là đắc được, thực ra là bị mất. Đắc được cái trước mắt, nhưng mất đi tương lai.

Trời đất nuôi dưỡng vạn vật, có bao giờ so đo tính toán, tham cái lợi cỏn con đâu?

Một cửa hiệu đã có trăm năm hoạt động là Thụy Phù Tường, một lần hỏa hoạn bị cháy hết sổ sách. Ông chủ quyết định: Những món nợ mà Thụy Phù Tường nợ thì đều trả hết, những món nợ người ta nợ Thụy Phù Tường thì nhất loạt xóa bỏ. Đây chính là điều gọi là: “Tiểu thương cầu lợi, đại thương mưu Đạo”.

Chớ phóng túng, chớ tức khí

Nguyên văn: Vô nhậm tình, vô đấu khí

Sách Tăng quảng hiền văn viết, tâm như ngựa chạy trên thảo nguyên, thả thì dễ mà đuổi bắt thì khó.

Phóng túng tùy tiện, buông thả tính tình bản thân, không chịu ước thúc, đó chính là hành vi nguy hiểm, buông thả thì dễ, thu lại ước thúc thì khó.

Tức khí, ganh đua, làm việc theo tức khí thì càng dễ mất lý tính, tổn hại cho người mà chẳng lợi ích cho mình.

Con người cần làm chủ tâm thái của mình. Để trẻ học được cách kiểm soát những tình cảm tiêu cực, như vậy trẻ đã bước thêm một bước đến gần với thành công rồi.

Chớ trách người, chỉ tự sửa mình

Nguyên văn: Vô trách nhân, đãn tự trị

Ý nghĩa của câu gia huấn này là: Nghiêm khắc tự giác kỷ luật đối với bản thân mình, khoan dung đối đãi người khác.

Điều này rất khó làm được, nhưng chính vì khó mới trở thành con đường chạy suốt lịch sử cổ kim Đông Tây, đưa con người từ bình thường bước đến kiệt xuất.

Câu chuyện Dương Chấn từ chối nhận hối lộ được người đời biết đến rộng rãi như sau:

“Dương Chấn tiến cử Vương Mật ra làm quan. Sau đó Dương Chấn được bổ nhiệm làm Thái thú Đông Lai. Khi đi ngang qua đất Xương Ấp là nơi Vương Mật cai trị. Nhớ ơn đề bạt ngày xưa, Vương Mật xin đến yết kiến rồi đêm khuya đem vàng đến dâng Dương Chấn. Thế nhưng Dương Chấn từ chối và nói rằng: “Trước kia biết ông là người khá, tôi mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa rõ bụng, còn đem vàng cho tôi?”

Vương Mật cố nài ép, thưa: “Xin Ngài nhận cho. Đêm khuya không ai biết”.

Dương Chấn đáp: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết?”.

Vương Mật nghe nói xấu hổ bưng vàng lui ra”.

Thế nên dạy trẻ từ nhỏ hiểu được rằng, bản thân càng tự giác kỷ luật thì càng tự do. Tự giác kỷ luật chính là phương thức tốt nhất trân quý bản thân mình.

Có thể hạ mình được, đó là có chí

Nguyên văn: Năng hạ nhân, thị hữu chí

Việt vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai, khôi phục đại nghiệp. Hàn Tín nhẫn nhục chui háng, mười năm mài kiếm, cuối cùng gặp được minh chủ. Họ đều là những tấm gương đại nhẫn, hạ mình vì chí lớn.

Vương Dương Minh nói, chỉ cần lập chí chân thành khẩn thiết thì có thể khắc chế được dục vọng cá nhân.

Một người có chí hướng cao xa thì mới không cảm thấy mình xuất sắc, ghê gớm, mới biết co biết duỗi, mới có thể hạ mình được.

Vương Dương Minh cũng cho rằng, khen ngợi trẻ nhiều hơn, khiến nội tâm trẻ giàu có đủ đầy, trẻ sẽ tự tin, tâm thái bình hòa, như thế mới có thể nhìn thấy ưu điểm của người khác, khiêm tốn vươn lên.

Có thể bao dung người, đó là lòng rộng lượng

Nguyên văn: Năng dung nhân, thì đại khí

Biển dung nạp trăm sông, có bao dung mới trở nên rộng lớn. Tấm lòng càng rộng mở thì thành tựu sẽ càng lớn.

Người thực sự xuất sắc thì nội tâm phải lớn mạnh, như thế mới bao dung được khuyết điểm của mình.

Người thật sự xuất sắc càng có thể bao dung được người khác. Người khác yếu thế thì không coi thường. Người khác thành công thì không ghen tức.

Có thể bao dung người khác, không thể chỉ dựa vào giáo dục, quan trọng hơn là phải bồi dưỡng qua thực tiễn cuộc sống từng tí từng chút mà ra.

Làm người là ở tâm địa. Tâm địa tốt sẽ là bậc lương sỹ. Tâm địa xấu sẽ là kẻ hung ác. Giống như trái cây, tâm là cuống. Cuống hỏng thì quả ắt sẽ rụng.

Vương Dương Minh đã từng bị Lưu Cẩn truy sát, ở Long Trường bị người dân bao vây tấn công. Nhưng ông đã dùng đức báo oán, vẫn tin tưởng vào thiện lương, giúp người dân xây dựng nhà cửa, học hành, cày ruộng.

Có câu cổ ngữ rằng: “Lấy đạo đức truyền gia thì được trên 10 đời, lấy nghề cày cấy và dạy học truyền gia đứng thứ 2, lấy thi thư (kinh sách) truyền gia đứng thứ 3, lấy của cải giàu có truyền gia thì không nổi 3 đời”.

Dạy con cháu làm người tốt mới là căn bản để gia đình gia tộc thịnh vượng dài lâu.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, mà gia phong tốt nhất chính là sự giáo dục của cha mẹ.

Nền tảng làm người của con cháu, tương lai của cháu con, hoàn toàn ẩn chứa trong nếp nhà gia giáo gia phong.

 

Lan Hòa biên tập

Nguồn: DKN