Nguồn ảnh: Báo sức khoẻ và đời sống

Chưa được phân loại

Giấc ngủ – liều thuốc chống lại nguy cơ mất trí nhớ và giúp tăng tuổi thọ

By Đăng Dũng

May 19, 2021

Trong một bài đăng trên blog gần đây đã viết về việc giấc ngủ có lợi như thế nào đối với trí nhớ của chúng ta. Nhưng giấc ngủ không chỉ tốt cho trí nhớ của bạn; nó còn có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, thậm chí giảm cả tỉ lệ tử vong.

Mặc dù từ lâu đã có những căn cứ khoa học rằng những người mắc chứng sa sút trí tuệ thường có giấc ngủ không được sâu và rời rạc, hai nghiên cứu mới nhất của khoa học cho thấy rằng nếu bạn ngủ không đủ giấc, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn trong việc mắc chứng sa sút trí tuệ.

Ngủ từ sáu đến tám giờ mỗi đêm

Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard đã nghiên cứu hơn 2.800 cá nhân từ 65 tuổi trở lên tham gia vào “Nghiên cứu Xu hướng Lão hóa và Sức khỏe Quốc gia” nhằm tìm ra sự liên quan giữa bản báo cáo chất lượng giấc ngủ của họ vào năm 2013-2014 và sự phát triển của chứng mất trí hoặc nguy cơ tử vong sau đó 5 năm. Các chuyên gia phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn năm tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp đôi và gấp đôi khả năng tử vong so với những người ngủ từ sáu đến tám giờ mỗi đêm. Nghiên cứu này kiểm soát chặt chẽ các đặc điểm bao gồm tuổi tác, tình trạng hôn nhân, chủng tộc, giáo dục, tình trạng sức khỏe và trọng lượng cơ thể.

Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu ở châu Âu (bao gồm Pháp, Anh, Hà Lan và Phần Lan) đã kiểm tra dữ liệu từ gần 8.000 người tham gia từ một nghiên cứu khác và nhận thấy rằng việc chỉ ngủ sáu tiếng đồng hồ hoặc ít hơn ở độ tuổi 50, 60 và 70 có liên quan đến việc làm tăng 30% nguy cơ bị sa sút trí tuệ so với thời gian ngủ bình thường là khoảng bảy tiếng mỗi ngày. Tuổi trung bình của người bị chẩn đoán sa sút trí tuệ là khoảng 77 tuổi. Nghiên cứu này kiểm soát các yếu tố xã hội học, hành vi, chuyển hóa tim và sức khỏe tâm thần, mặc dù hầu hết những người tham gia là người da trắng, giáo dục tốt hơn và khỏe mạnh hơn so với dân số chung. Ngoài ra, khoảng một nửa số người tham gia đã được đo thời gian ngủ bằng cách sử dụng gia tốc kế đã xác nhận dữ liệu của bảng câu hỏi.

Ngủ không đủ giấc ở tuổi trung niên có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ

Điểm mới ở đây là việc ngủ không đủ giấc ở tuổi trung niên sẽ làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc giấc ngủ kém chất lượng ở tuổi trung niên: làm việc theo ca, mất ngủ, đảm nhận trách nhiệm, lo lắng và thời hạn gấp rút, vv… 

Mặc dù không phải tất cả những điều này đều có thể kiểm soát được, nhưng một số thì có. Ví dụ nếu bạn chỉ ngủ 4-5 giờ vì thức khuya làm việc mỗi đêm, bạn có thể cân nhắc việc thay đổi thói quen của mình, nếu không, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khi bạn về hưu là rất cao!

Mối quan hệ giữa giấc ngủ ở tuổi trung niên và chứng sa sút trí tuệ những năm cuối cuộc đời là không chỉquan trọng từ khía cạnh lâm sàng mà còn từ khía cạnh khoa học. Có phải giấc ngủ kém chất lượng gây ra chứng mất trí nhớ hay những triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ khiến bạn có những giấc ngủ không sâu?

Bằng cách xem xét những cá nhân ban đầu được nghiên cứu ở tuổi trung niên – một số người còn ở độ tuổi 50 – giờ đây các chuyên gia đã chắc chắn hơn rằng những giấc ngủ kém chất lượng thật sự làm ảnh hưởngđến việc tăng nguy cơ bị mất trí nhớ sau 25 năm hoặc hơn.

Hãy để não bộ của bạn thực hiện chức năng của nó khi bạn ngủ

Tuy rằng giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu tại sao việc ngủ không đủ giấc lại làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, nhưng một lý do chính vẫn được cân nhắc là sự lắng đọng protein của bệnh Alzheimer, beta amyloid.

Beta amyloid là protein liên kết và khi chúng tích tụ quá nhiều gây ra các mảng lão hóa Alzheimer. Ban ngày, tất cả chúng ta đều tạo ra một số protein amyloid beta này trong não. 

Tuy nhiên, khi chúng ta ngủ, các tế bào não và các kết nối của chúng lại co lại. Sự co rút này tạo ra nhiều không gian hơn giữa các tế bào não, vì thế beta amyloid và các chất khác tích tụ trong ngày có thể bị đào thải ra ngoài.

Vì vậy, trên lý thuyết, nếu bạn không ngủ đủ giấc, não của bạn sẽ không có đủ thời gian để đào thải beta amyloid và các chất khác. Những chất này sau đó tiếp tục tích tụ, ngày này qua ngày khác, cho đến khi chúng gây ra chứng mất trí nhớ.

Tin tốt

Tin tốt là bạn có thể giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ bằng cách ngủ đủ giấc. Một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu ở Toronto và Chicago đã kiểm tra nhòm người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer’s cao do di truyền. 

Họ phát hiện ra rằng những giấc ngủ ngon không chỉ làm giảm khả năng phát triển bệnh Alzheimer lâm sàng mà còn làm giảm sự phát triển của bệnh lý đám rối thần kinh trong não – một chất tích tụ khác của bệnh Alzheimer.

Điểm mấu chốt

Giấc ngủ không đơn thuần là một sự gián đoạn các khía cạnh quan trọng của cuộc sống khi chúng ta thức. Cũng giống như ăn uống đúng cách và tập luyện thể dục, giấc ngủ là hoàn toàn cần thiết để có một sức khỏe tốt cho não bộ. 

Hai nghiên cứu mới này cho thấy tác hại của việc ngủ không đủ giấc có thể bắt đầu ở tuổi 50(nếu không sớm hơn), và chúng có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ sớm và thậm chí là giảm tuổi thọ của bạn.

Nhưng tin tốt là bạn có thể giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ bằng cách ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm. Cố gắng tránh dùng thuốc ngủ vì chúng không mang lại một giấc ngủ sâu mà bạn cần. Nếu bạn khó ngủ, hãy thử các phương pháp khác thay vì dùng thuốc.

Nguồn: Health.harvard

Phương Uyên biên tập