Nhân sinh vô thường như giấc mộng, nhiều người hao tâm tổn trí để nỗ lực phấn đấu, theo đuổi địa vị, vật chất cả đời, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay mới nhận ra tất cả đều vô nghĩa.
Trong cuộc đời có lẽ ai cũng từng trải qua nhiều giấc mơ, và hầu hết cũng đều tỉnh dậy từ những giấc mơ, nhưng lại không thể thức dậy khỏi chính giấc mơ cuộc đời này.
Có thể kể đến một số giấc mơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc, ví như như “giấc mộng hoàng lương”, “Giấc mộng Nam Kha”… Kỳ thực, cuộc sống trên thế gian này cũng giống như một “giấc mộng hoàng lương” vậy, mọi sự nỗ lực theo đuổi khi trải qua giấc mơ đều thấy vô nghĩa và bừng tỉnh.
Giấc mộng hoàng lương
Trong tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường, có tác phẩm ‘Thẩm trung ký’ của Thẩm Ký Tế:
Chàng trai trẻ Lư Sinh, trên đường đi qua Hàm Đan, dừng nghỉ chân trong một quán trọ, một đạo sĩ tên là Lã Ông cũng ở trong quán trọ này. Khi trò chuyện với Lã Ông, Lư Sinh đã nhiều lần phàn nàn về tình cảnh nghèo khó của mình.
Lã Ông lấy trong gói hành lý ra một cái gối và nói với Lư Sinh: “Ngươi gối đầu ngủ trên chiếc gối này, là có thể có được vinh hoa phú quý.” Lúc này, người chủ quán trọ đang nấu hoàng lương (còn gọi là kê vàng), còn lâu mới tới giờ ăn cơm, Lư Sinh bèn gối lên cái gối này, ngủ một giấc. Không ngờ vừa ngủ thiếp đi, liền có một giấc mộng.
Trong giấc mơ của mình, anh ta kết hôn với một tiểu thư quý phái và xinh đẹp ở phủ Thanh Hà Thôi, cuộc sống xa hoa, vô cùng danh giá. Năm thứ hai, anh ta lại đỗ “tiến sĩ”, sau đó dần dần được thăng quan tiến chức, làm đến chức “Tiết độ sử”, “Ngụ sử đại phu”, còn làm 10 năm chức “Tể tướng”, sau đó được phong làm “Yên quốc công”.
Anh có năm người con trai đều lấy vợ thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, hơn nữa tất cả cũng đều làm quan; anh ta có mười mấy cháu trai, tất cả đều thông minh hơn người. Đúng là con cháu đầy đàn, phúc lộc vẹn toàn. Anh ta sống đến hơn tám mươi tuổi mới chết.
Anh tỉnh dậy ngay khi giấc mơ kết thúc. Lúc này, anh mới nhận ra đó chỉ là một giấc mơ, nồi kê vàng mà chủ quán nấu vẫn chưa chín. Lã Ông vẫn ngồi bên cạnh, thản nhiên nói với Lư Sinh: “Mọi vui vẻ của cuộc đời, cũng chỉ có thể đến vậy mà thôi.”
Lư Sinh thất thần thất vọng một lúc, rồi mới cảm ơn Lã Ông: “Bây giờ tôi đã hoàn toàn hiểu được gốc rễ của vinh hoa – nhục nhã, lĩnh hội được vận mệnh giàu – nghèo, đạo lý được và mất, cũng như tình cảnh giữa sự sống và cái chết. Ngài đã dùng giấc mơ này để tiết chế những ham muốn ích kỷ của tôi! Cảm ơn ngài đã khai sáng.”
- Mã Trí Viễn thời nhà Nguyên và Tô Hán Anh thời nhà Minh đã dựa trên câu chuyện này, thay đổi một vài tình tiết, lần lượt viết nên vở tạp kịch “Hoàng lương mộng“.
- Thang Hiển Tổ thời nhà Minh cũng cải biên và viết nên vở tạp kịch “Hàm Đan ký”.
- Bồ Tùng Linh thời nhà Thanh còn phát triển thêm cốt truyện, viết nên tác phẩm “Tục hoàng lương”. Thành ngữ “giấc mộng hoàng lương”, chính là bắt nguồn từ câu chuyện trên.
“Giấc mộng hoàng lương” có nghĩa là một giấc mơ không có thật, còn được gọi là “hoàng lương mỹ mộng”, “hoàng lương mộng” hay “Hàm Đan mộng”. Nó có ý nghĩa tương tự giống như “giấc mộng Nam Kha”.
Thành ngữ này ban đầu được dùng để chỉ vinh quang – ô nhục, được – mất của một người trên thế gian chẳng qua chỉ là giấc mộng hư ảo, thật ra đây cũng chính là Lã Ông muốn khai sáng cho Lư Sinh.
Về sau, với sự phát triển của xã hội, con người ngày càng không thể hiểu được chủ ý của Thần Phật, đem ý nghĩa của câu thành ngữ để ví von cho một giấc mơ không thể thực hiện được.
“Giấc mộng hoàng lương” giống như một giấc mơ của cuộc đời, cuối cùng nó chỉ là một giấc mơ hão huyền, không có thật. Vậy ý nghĩa thực sự của cuộc sống là ở đâu? Có lẽ từ bỏ theo đuổi những thứ không thực tế trong giấc mơ, chúng ta mới có thể tìm ra câu trả lời.
Giấc mộng Nam Kha
“Giấc mộng Nam Kha” ẩn dụ về sự được – mất vô thường, đời người như một giấc mơ. Câu chuyện bắt nguồn từ “Nam Kha thái thủ truyền” của Lý Công Tá vào thời nhà Đường.
Tương truyền, thời nhà Đường có một người tên là Thuần Vu Phần. Một lần nọ ông ta nằm nghỉ dưới gốc cây hòe trong sân, không ngờ cứ thế mà ngủ quên mất. Trong giấc mơ, ông ta thấy vua nước Hòe An sai người đến đón ông về Hòe An, sau đó gả công chúa mà mình hết mực yêu quý cho ông, lại còn cử ông làm Thái thú quận Nam Kha.
Trong thời gian này, Thuần Vu Phần cai quản Nam Kha rất tốt, được nhà vua khen ngợi. Năm người con trai của ông đều được phong tước vị, hai người con gái cũng được gả cho các vương hầu, hoàng tử, vì vậy ông có địa vị rất cao ở Hòe An.
Sau đó, khi nước Đàn La tấn công quận Nam Kha, quân của Thuần Vu Phần bị thua, sau đó vợ ông qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Tất cả những bất hạnh này khiến Thuần Vu Phần không muốn sống ở quận Nam Kha nữa, vì vậy ông đã trở về kinh thành.
Tuy nhiên, ở kinh thành có người nói xấu Thuần Vu Phần với nhà vua, nhà vua chẳng kiểm chứng rõ đầu đuôi, liền bắt con của ông lại, và đuổi ông về quê cũ. Ngay khi rời khỏi nước Hòe An, Thuần Vu Phần thức dậy và nhận ra rằng đó chỉ là một giấc mơ.
Chẳng bao lâu, Thuần Vu Phần phát hiện ra rằng có một cái tổ kiến dưới gốc cây hòe trong sân, trong tổ kiến có thành trì cung điện được dựng lên từ bùn đất, lúc này ông mới bàng hoàng tỉnh ngộ, nước Hòe An mà mình thấy trong mộng chính là cái tổ kiến này. Còn cành cao nhất của cây hòe có thể là quận Nam Kha nơi ông từng làm Thái thú.
Thuần Vu Phần nghĩ đến mọi thứ về Nam Kha trong giấc mơ, và cảm thấy thế giới này rất vô thường, cái gọi là công danh phú quý có thể dễ dàng biến mất, vì vậy cuối cùng ông ta đã quy ẩn, tu theo Đạo gia.
Có một người tu luyện nhìn thấu cái “hư ảo” của thế gian kia, nên đã hữu ý sáng tác một bài hát có tên ‘Tỉnh mộng’ gửi đến con người thế gian.
“Luân hồi chuyển thế mấy ngàn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi trời
Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.”
Tử Vi/ Tinhhoa.tv/Dịch
Nguồn secretchina.com