Nói năng có chừng mực là biểu hiện của tu dưỡng và sự trưởng thành của mỗi người, thể hiện nguyên tắc làm người và tầng thứ nhân cách của họ. Lời qua tiếng lại, bớt chút sắc sảo, thêm chút nhân từ, bao dung và thấu hiểu, là biểu hiện của sự thiện lương. Người sống chỉ vì hơn nhau chút khẩu khí, cái được là một chút tự đắc ngạo mạn, mà cái mất là những mối quan hệ tốt đẹp, hơn nữa, cái mất nhiều nhất là sự tử tế của chính mình.
Lời nói là phương cách con người kết nối, giao tiếp với nhau. Lời nói có thể khiến một mối quan hệ trở nên ấm áp hay lạnh giá, thân thiết hoặc có thể cách xa, một lời nói có thể khiến người khác cảm động, nhưng cũng có thể gây nên oán hận suốt đời. Lời nói không có hình, âm thanh không có khối, nhưng sức mạnh và sự ảnh hưởng của nó thật không thể xem thường.
Marshall Rosenberg từng có câu danh ngôn nổi tiếng “Có lẽ chúng ta không cho rằng cách nói chuyện của mình là bạo lực, nhưng ngôn ngữ đích thị là thứ gây ra nỗi đau khổ giữa chúng ta và người khác”.
Trong xã hội mà khoa học công nghệ phát triển như ngày nay, khi mà con người kết nối với nhau bằng mạng nhiều hơn đời thật, lời nói càng dễ trở nên phóng túng dễ dàng. Lời nói là như một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta xây dựng được những mối quan hệ sâu sắc, và nó cũng có thể gây ra những tổn thương không thể vãn hồi.
Những cặp vợ chồng có cuộc sống hôn nhân viên mãn, “cơm lành canh ngọt”, bí quyết hạnh phúc của họ thực ra rất đơn giản, chỉ là hai người có thể nói chuyện hòa hợp với nhau, có thể lắng nghe nhau và dung hòa lẫn nhau. Ngược lại, sự giao tiếp thiếu hiệu quả sẽ dẫn đến những gián cách, mâu thuẫn rất lớn, hoặc nếu hai người cảm thấy khó nói chuyện được với nhau, không có gì để nói, thì chắc chắn rằng cuộc sống gia đình của họ đã ở bên bờ vực rồi.
Lời nói là sợi dây kết nối với những người xung quanh. Nó bao gồm khả năng diễn đạt một cách trung thực bản thân và truyền dẫn những năng lượng tích cực hay tiêu cực đến người khác. Lời nói cử chỉ của một người, khúc xạ giáo dưỡng và tố chất của người đó, dù bề ngoài được bao bọc như thế nào, nhưng những thứ từ sâu thẳm trong tâm vẫn sẽ bộc lộ một cách rõ ràng thông qua lời nói.
Tuy nhiên, lời nói không phải là phương tiện duy nhất để giao tiếp, bởi, sự kết nối thực sự là nằm ở việc biết lắng nghe, bởi sự thấu hiểu chỉ xảy ra khi thực lòng lắng nghe và tôn trọng người khác. Thực lòng lắng nghe có thể giúp kết nối được với chính mình, cũng có thể kết nối được với những người xung quanh. Lắng nghe là khả năng đón nhận những chia sẻ của người khác trong sự đồng cảm để thấu hiểu, sẻ chia.
“Điều tôi mong muốn nhất trong cuộc đời của mình là chạm tới sự từ bi, đó là một dòng chảy thông suốt giữa bản thân tôi và những người khác, nó dựa trên sự trao gửi lẫn nhau những điều xuất phát từ trái tim”. (Marshall Rosenberg)
Nói năng chừng mực là sự tu dưỡng và biểu hiện trưởng thành của mỗi người, thể hiện nguyên tắc làm người và tầng thứ nhân cách của họ. Lời qua tiếng lại, bớt chút sắc sảo, thêm chút nhân từ là biểu hiện của sự thiện lương. Hơn nhau chút khẩu khí, cái được là một chút tự đắc ngạo mạn, mà cái mất là một mối quan hệ tốt đẹp, cái mất nhiều nhất là sự tử tế của chính mình. Nước mà quá trong sẽ không có cá, người mà quá gắt sẽ không có tri âm. Xử sự có tình, giữ không gian, sự tôn trọng và bình yên cho người khác cũng là cho chính bản thân mình.
Nói chuyện chính là tu dưỡng, lời nói thể hiện tầng thứ
Dân gian có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nói lời đúng mực vô cùng quan trọng. Nói nhiều không bằng nói ít, nói ít không bằng nói hay.
Cổ nhân giảng: “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thật khó nghe), quả có vậy, nhưng lời thật vẫn có thể uyển chuyển vận dụng, vừa giúp người nghe hiểu ra vấn đề vừa không làm tổn thương người khác, là cảnh giới tu dưỡng của mỗi người. “Dao kia cứa thịt còn lành được, lời ác thương người rất khó phai”. Thứ bộc lộ nội tâm con người rõ nhất đó chính là lời nói, thứ khiến con người dễ bị tổn thương nhất cũng là lời nói, thứ đi sâu vào lòng người nhất vẫn là lời nói.
Vương Dương Minh cũng từng nói: “Chân ngôn cầu công”, ý tứ là nói lời chân thật cũng cần phải có hàm dưỡng, cần phải dụng công học tập. Lời nói thật không có nghĩa là lời nói khó nghe, lúc nào nên nói, lời nào nên nói, nói với ai? Tất cả đều cần suy nghĩ một cách thấu đáo.
Xã hội ngày nay, đối với những người mạnh hơn mình, đối với những người có quyền có thế thì người ta thường dùng những lời lọt tai dễ nghe, làm những điều thuận mắt vừa lòng. Còn đối với những người thấp cổ bé họng, những người địa vị dưới mình dùng lời lẽ mạnh bạo không kiêng nể. Đó là kiểu giao tiếp giảo hoạt. Lời nói thể hiện phẩm giá của một người, nói lời có đức, chừng mực thể hiện trí tuệ, nhân phẩm, đồng thời cũng là thứ tạo nên thành tựu tương lai của mỗi người.
Nguồn: Epochtimestv
Lan Hòa biên tập