Nguồn ảnh: Facebook

Đời Sống

Giúp con phân biệt đúng sai và lựa chọn con đường sống đúng đắn

By Đăng Dũng

January 24, 2021

Người xưa giáo dục con cái đề cao đạo đức, chân thiện mỹ, đặt sự quan tâm và kỳ vọng vào thế hệ mai sau, điều này khiến thế hệ mai sau phải học hỏi ở họ, vì họ tìm thấy những điều cốt yếu và cơ bản nhất của cuộc đời. 

Sự quan tâm nhân từ và những yêu cầu khắt khe của họ đối với con cái giúp chúng có thể phân biệt đúng sai và lựa chọn con đường sống đúng đắn bất cứ lúc nào. Điều này có trách nhiệm đối với những kế hoạch dài hạn và tương lai của chúng, để chúng có lợi cho cuộc sống, và đó là của cải đáng tin cậy nhất để lại cho trẻ em.

Ngày nay giáo dục con không còn là chuyện dễ dàng trong rất nhiều gia đình. Đã có rất nhiều chia sẻ của các bậc cha mẹ, và bài viết sau đây cũng là một trong số đó:

Con… mẹ xin lỗi.

Ngày con sinh ra cũng là ngày khiến cả gia đình mình thăng hoa cảm xúc, hai bên ông bà nội ngoại đều mừng vui khôn xiết đón đứa cháu đầu tiên. Ba mẹ cũng vỡ oà hạnh phúc khi con chào đời.

Con là một em bé ngoan, được ông bà bố mẹ cưng chiều đến mức một con muỗi đốt con cũng làm gia đình mất ăn mất ngủ vì xót con thương cháu. Ông bà nội thương con nên nuông chiều luôn cả mẹ, ba yêu con nên cũng thành ra yêu mẹ nhiều hơn….

Con được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cả gia đình nên nhìn con lúc nào cũng như thiên thần lạc xuống thế gian. Ông bà nội là gia đình gốc Hà thành, cách sinh hoạt gia phong khiến mẹ chỉ biết âm thầm học tập nếp nhà, nhà mình ai cũng nhẹ nhàng khoan thai như những cơn gió thu, khẽ lùa vào mỗi người qua từng cảm xúc, mẹ hạnh phúc hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian.

Rồi đến ngày con đi mẫu giáo, con vào lớp 1, con vẫn trong vai một thiên thần, ngoan ngoãn, học giỏi. Mẹ chẳng khi nào phải kèm cặp nhưng con luôn đạt điểm cao, con thi Toán cấp Trường, cấp Quận đều mang giấy khen về… với mẹ đó là những hạnh phúc quá lớn không thể nghĩ bàn.

Các chuyến công tác nước ngoài của mẹ con luôn được đi cùng, với lý do đơn giản để con được tiếp cận với văn hoá các nước phát triển, để con chủ động được giao tiếp ngoại ngữ, mong con có thể chủ động hành trang của mình trong tương lai…

Con vào cấp 2 là những ngày tháng mẹ bắt đầu cảm thấy khó khăn ập đến, con không còn trong vai thiên thần mà chuyển sang nhập vai những chiến binh phưu lưu mạo hiểm, con cũng không còn yêu thích học như ngày xưa… con khiến mẹ càng ngày càng mất kiểm soát, mọi thứ đảo lộn. Ông bà và ba mẹ đều chưa từng bao giờ phải đối diện với hoàn cảnh như này. 

Mẹ đã từng cho con những trận đòn rất đau rồi hai mẹ con ngồi khóc, mẹ đã từng xin ba cho mẹ đi ra khỏi nhà vì không dạy được con, mẹ đã từng gửi con về bà nội để mẹ được tĩnh tâm mà suy nghĩ xem tiếp theo đây mẹ sẽ phải làm gì để dạy con làm người tốt, sống có trách nhiệm hơn … và những lúc như vậy tình thương của mẹ dành cho con chưa khi nào nguôi ngớt.

Con dần lớn cũng là lúc mà mẹ nhận ra những trận đòn không còn có giá trị, nó chỉ khiến cho thể xác và tâm hồn chúng ta càng thêm đau đớn. Mẹ lựa chọn cách im lặng và chia sẻ mỗi khi con làm điều gì đó bất thường, những vụ va chạm xe cộ cùng bạn bè của con cũng không còn làm cho mẹ cảm thấy hoảng hốt hay cáu giận, mà mẹ âm thầm lặng lẽ phía sau con, mẹ chỉ có thể làm như vậy…

Mẹ bắt đầu đọc nhiều câu chuyện về cách dạy con của người xưa, có lẽ trí huệ của người xưa uyên bác, họ trầm tĩnh và rộng lớn. Mẹ dần tập cách làm như vậy, không lấy vai trò làm mẹ để quát mắng con, mà xem con như một sinh mệnh độc lập, mẹ dần biết tôn trọng những thứ thuộc về con…

Ngẫm chuyện Tư Mã Quang, một nhà sử học thời Bắc Tống, ông là người nghiêm nghị, thẳng thắn, thanh đạm, trung thực, và ông không có gì để nói với người khác trong cuộc sống của mình. 

Ông đã dạy con trai mình là Tư Mã Khang “lấy cần kiệm làm đức” và viết một bài có tựa đề “Rèn luyện tiết kiệm để thể hiện sức khỏe” theo kiểu gia thư. Tập trung vào phương châm cổ xưa là “kiệm, thành, thất, mỹ”, kết hợp với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm bản thân, ông đã nêu ra nhiều tấm gương tiêu biểu để giảng dạy cho con mình.

Một lần, Tư Mã Quang thấy con trai tùy ý lật một cuốn sách, bèn dạy rằng: “Người hiền thích đọc sách hiền triết, trước hết phải chăm sóc sách vở, trước khi đọc phải rửa tay.” Lau bàn làm việc sạch sẽ và trải khăn trải bàn; ngồi ngay ngắn, có thái độ tôn nghiêm, học tập yên tĩnh, không sao nhãng, trong công việc phải giản dị, thực dụng. Chỉ có những phẩm chất đạo đức này, con mới có thể tu dưỡng thân thể, sau mới có thể duy trì gia đình của mình, và thậm chí quản lý đất nước và thế giới. “

Dưới sự giáo dục của ông, Tư Mã Khang chuyên tâm học hành, tu dưỡng tính cách, tính kỷ luật tiết kiệm, sau này làm quan trường, văn thư, v.v., giống hệt cha về tác phong và học thức.

Những câu chuyện của người xưa cũng khiến mẹ kịp thời xem lại cách mình đối xử với con, thay vì trách mắng, mẹ tìm cách hướng dẫn con hình thành con đường tương lai cho mình… cũng từ đó cuộc sống của chúng ta không còn căng thẳng, không còn thấy bất an khi nghĩ đến việc phải đối đầu với những hành vi tuổi mới lớn của con.

Hôm qua nghe hung tin con cô Dung mất, em mới 14 tuổi. Ba mẹ bàng hoàng không biết lý do nhưng cũng không dám hỏi, chỉ biết rằng rất đau thương, cả họ hàng không ai hỏi vì cô chú đã ly hôn 4 năm rồi, hỏi ai cũng thấy khiến người còn lại bị tổn thương…

Khi đến đám tang mới biết em nhảy lầu tự tử, đau xót, nín nhịn, câm lặng rồi bật khóc… có lẽ nào người lớn chúng ta đã sai…mẹ nói với ba: nhà mình sẽ im lặng không nhắc đến chuyện này, bởi có lẽ đây là bài học dành cho người lớn!

Mẹ thấy ân hận về những tháng ngày mình không thể nhẫn nhịn, đã dùng roi vọt dạy dỗ khiến con đau. Cũng đã có lần mẹ sợ con làm điều dại dột, nên xong cơn nóng giận rồi lại nằm cạnh con mà không dám đi đâu, nghĩ đến đây mẹ cũng thấy rùng mình.

Hôm nay mẹ nhìn con và chợt nhận ra con vẫn như ngày học vỡ lòng. Con luôn nghĩ mình đã lớn nhưng thật ra tâm hồn vẫn còn rất trẻ thơ, vậy mà đã có lúc mẹ không làm chủ được cảm xúc của mình, đưa nó vào những trận đòn với con, tuy không nhiều nhưng cũng đủ khiến nó vẫn còn trong ký ức!

Cũng giống như những ba mẹ khác, ai cũng muốn con mình lớn lên trở thành những người tài giỏi và có đạo đức tốt. Mẹ chợt nhận ra điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính cách giáo dục của ba mẹ. Và nếu ba mẹ không suy nghĩ tích cực, sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các con. 

Mẹ hơn bao giờ hết mong con hiểu rằng: Khi con lớn lên, trưởng thành và bước vào cuộc sống, chắc chắn con sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách lớn. Ba mẹ mong con hiểu một điều, cuộc sống tuy bao dung nhưng chưa bao giờ là dễ dàng với nhiều cạm bẫy và cám dỗ xung quanh. 

Do đó, con cần phải thật kiên trì để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Điều quan trọng mà con cần biết là cuộc sống luôn tiếp diễn, lúc thăng lúc trầm và cần phải chuẩn bị để ứng phó với tất cả các tình huống đó. Yêu con…!

Từ Thanh