Xưa nay cổ nhân thường khuyên dạy con người rằng “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, tức là làm việc thiện sẽ gặp phúc báo, còn làm việc xấu hại người thì cuối cùng bản thân mình cũng đều phải nhận hết.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Khi đại thần Triệu Tuyên Tử từ vùng đất được phong quay về kinh đô. Trên đường về gặp một người nằm dưới gốc cây.
Triệu Tuyên Tử đến gần người đó, phát hiện sắc mặt của anh ta vàng vọt, hơi thở thiêm thiếp: “Nhất định là anh ta đói quá mà sinh bệnh đây!”. Thế là Triệu Tuyên Tử gọi người lấy lương thực trên xe bón cho anh ta.
Một lúc sau, người đó từ từ mở mắt. Triệu Tuyên Tử thương xót nói rằng: “Sao mà lại đói đến mức như thế này?”.
Người kia từ từ trả lời: “Tôi làm nô bộc cho người ta ở Phong Đô, trên đường về nhà bị hết lương thực, xấu hổ không dám đi ăn xin, lại ghét ăn trộm của người khác, cho nên mới đói đến mức như thế này”.
Triệu Tuyên Tử thở dài, lại lấy cho người đó hai miếng thịt khô. Anh ta nhận rồi bái lạy nhưng không ăn, Triệu Tuyên Tử hỏi tại sao không ăn, anh ta nói: “Tôi để dành cho bố mẹ già ở nhà”.
Triệu Tuyên Tử khen ngợi: “Tốt! Đúng là một người con có hiếu! Ngươi ăn hết đi, ta cho ngươi cái khác”. Sau đó lại cho anh ta hai khúc thịt khô và một trăm quan tiền.
Hai năm sau, Tấn Linh Công muốn giết Triệu Tuyên Tử, bèn cho vệ binh mai phục trong phòng, khi mời anh ta uống rượu sẽ ra tay. Sau ba tuần rượu, Triệu Tuyên Tử biết được ý đồ của Tấn Linh Công, liền mượn cớ đi ra ngoài.
Tấn Linh Công lệnh cho binh sĩ ở trong phòng nhanh chóng đuổi theo để hại Triệu Tuyên Tử. Có một binh sĩ chạy nhanh nhất, bắt được Triệu Tuyên Tử trước, Triệu Tuyên Tử thở dài nói: “Thôi mệnh ta đã hết!”.
Không ngờ người lính kia lại nói: “Ngài, xin ngài hãy nhanh lên xe, ở đây đã có tôi đối phó!”.
Triệu Tuyên Tử vừa lên xe, vừa xúc động hỏi: “Ngươi là ai mà sẵn sàng ra tay cứu giúp ta?”. Người lính nói: “Tôi chính là người bị bỏ đói ở gốc cây hai năm trước đấy!”. Nói xong rồi bèn quay người chiến đấu kịch liệt cùng quân lính của Linh Công, cuối cùng đuối sức. Triệu Tuyên Tử do đó mà được cứu thoát.
Trong cuộc sống khó khăn này, bạn sẽ gặp rất nhiều người cần tới sự giúp đỡ của người khác, đôi lúc chỉ là trong một khoảnh khắc đến bất ngờ, vì thế hãy đừng ngần ngại mà mở lòng mình ra giúp đỡ họ khi bạn có thể làm được bởi sẽ đến lúc chính bạn là người cần giúp đỡ. Nói cho cùng giúp người lúc này chính là bạn giúp đỡ mình lúc khác mà thôi.
Ngược lại, có những người vì lòng đố kị, so sánh rồi ghen ghét với người khác, dùng mọi thủ đoạn để hạ bệ người khác,… thực ra là những người này đang tự hại chính mình mà thôi.
Có hai con đại bàng nọ, một con bay rất nhanh, con còn lại bay rất chậm. Đại bàng bay chậm cảm thấy thật ghen tị, nên nó tìm mọi cách để hãm hại đối thủ. Nào ngờ kết cục, nó chẳng thể khiến đại bàng bay nhanh rơi mất sợi lông nào, còn chính nó thì gặp họa.
Đại bàng bay chậm cảm thấy thật ghen tị với đại bàng bay nhanh, nên một ngày kia, đại bàng bay chậm nói với người thợ săn rằng: “Phía trước có một con đại bàng bay nhanh. Anh hãy dùng mũi tên bắn nó đi”.
Người thợ săn nói: “Có thể, nhưng chỉ là mũi tên của ta thiếu mất một sợi lông. Ngươi có thể rút ra một sợi lông của mình được không?”.
Đại bàng nói: “Được rồi! Chỉ cần anh có thể bắn nó, một sợi lông không đáng là gì cả”, và sau đó, nó rút ra một chiếc lông hào phóng ném cho người thợ săn.
Người thợ săn cài mũi tên vào cung, sau đó nhắm vào con đại bàng bay nhanh mà bắn, nhưng vì nó đã bay quá cao rồi, nên không trúng đích.
Người thợ săn quay sang thảo luận với con đại bàng bay chậm: “Nhổ cho ta một chiếc lông nữa, ngươi thấy thế nào?”
Con đại bàng trả lời: “Được rồi!”, và nó liền nhổ thêm một chiếc lông khác cho người thợ săn.
Tuy nhiên, lần này anh ta lại bắn trượt thêm một lần nữa. Cứ như vậy, từng mũi tên được bắn đi là từng chiếc lông của chim đại bàng lần lượt bị nhổ hết. Vậy mà vẫn không bắn trúng được con đại bàng nhanh nhẹn.
Con đại bàng bay chậm lúc này đã rụng hết lông, toàn thân trụi lủi, không thể bay được nữa, còn người thợ săn thì mỉm cười nói với đại bàng: “Ở đây có một con đại bàng không biết bay, ta cần gì phải hao tâm tổn sức bắn con đại bàng trên trời?”. Nói rồi, người thợ săn bắt lấy con đại bàng trần trụi này.
Muốn sống được yên vui hạnh phúc, ta cũng đừng nên gây thù chuốc oán với ai!. Thà mình chịu nhường nhịn, để người có lỗi sẽ có lúc nhận chân ra được lỗi lầm của họ thì họ sẽ cảm phục ta hơn, bởi vì ta đã tu tập hạnh nhẫn nhục để hóa giải những khổ cho chính mình và cho người khác.
Con người ta nên làm việc thiện và có tấm lòng rộng mở. Chúng ta nên cứu giúp những ai cần giúp đỡ và không làm việc xấu. Hãy nhớ “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.”
Hãy học cách khoan dung với người làm tổn thương tới bạn. Nguyên nhân vì họ cũng rất đáng thương khi bị quá nhiều áp lực đè nén dẫn tới mất tự chủ của bản thân.
Hãy luôn ghi nhớ rằng đằng sau ánh hào quang thành công của mỗi người có rất nhiều đau khổ của họ mà người khác không biết. Hãy mỉm cười và âm thầm chúc phúc với cả những người bạn không thích bởi trong mỗi người ai cũng có một phần thiện lương tốt đẹp.
Cổ nhân có câu “Bất thất bất đắc, hữu đắc tất hữu thất”. Có được thì sẽ có mất, có được ắt sẽ phải mất, đây quả là quy luật bất biến từ xưa tới nay. Suy cho cùng thì giúp người là giúp mình, hại người chính là hại mình.
Biên tập: Huy Hiếu