Văn Hóa

Giúp người chính là giúp mình, sống tử tế với người thì phúc báo sẽ tìm đến với mình

By Đăng Dũng

May 31, 2021

Sự tử tế của con người luôn được đáng tối cao ghi nhận và trả lại cho họ những gì xứng đáng nhất. Một con người biết sống tử tế thường có trái tim nhân hậu, luôn nghĩ cho người khác, họ sẵn sàng vì người khác hy sinh cuộc sống của chính mình. Tử tế là một loại mỹ đức cao quý của con người lương thiện.

Vào triều Tống, trong thành Hàng Châu có một ngõ gọi là “ngõ quạt”, rất nổi tiếng. Tên này đến từ đâu? Nguyên là câu chuyện Tế Công xé quạt giúp người nghèo bắt đầu tại nơi đây.

Ngõ quạt này, vốn là một ngõ nhỏ vô danh, trong ngõ toàn là dân nghèo sinh sống. Trong đó có một cặp vợ chồng già, tuổi đều đã ngoài sáu mươi, lấy đan quạt, sửa quạt, bán quạt làm nghề mưu sinh. Thời trẻ tay nghề tinh thông, sức khỏe dồi dào, quạt làm ra đem lên chợ bán, sống ngày qua ngày. Tuy nhiên hiện giờ tuổi già sức yếu, sau không bằng trước, làm không đủ ăn, hai cái miệng già chịu đói, xem chừng sống không nổi nữa rồi.

Một hôm, trời đã quá trưa mà hai cụ già vẫn không có gạo cho vào nồi, bếp lò nguội ngắt. Cụ bà ngồi bên bếp lò, mơ màng sắp ngủ, còn cụ ông tựa vào khung cửa, vừa định chợp mắt.

Lúc này, một hòa thượng điên điên rồ rồ vừa đến trước cửa, ngó nhìn vào nhà, than thở một tiếng, lại nhìn cụ già ngồi tựa cửa, tâm đầy thông cảm. Hòa thượng giơ tay lên, thấy chiếc quạt trong tay, bỗng nhiên mắt sáng lên, trong tâm đã có chủ ý.

Hòa thượng dùng quạt quạt vào đầu cụ già một cái. Cụ già giật mình, dụi mắt nhìn thấy một hòa thượng điên đứng trước mặt, mới hỏi: “Sư phụ có việc gì không?”

“Ta cần sửa quạt!” Nói rồi giơ cây quạt trước mặt cụ già.

“Được, được, mời vào nhà!” Cụ già thấy có kế làm ăn, trong lòng cao hứng, vội vàng dẫn người vào nhà.

Tế Công nhấc chân bước vào nhà, ném chiếc quạt lên bàn, nói: “Sửa mau đi, đợi một lát nữa ta tới lấy!” Nói xong, ngoảnh đầu bước đi.

Cụ già cầm chiếc quạt lên xem, trong lòng ngờ vực: “Chiếc quạt này rách thế, nan không ra nan, khung không ra khung, sửa làm sao được”. Nghĩ rồi định nói với hòa thượng chiếc quạt này rách quá, thực sự không sửa được, thế nhưng hòa thượng đã đi xa rồi. Cụ già vừa sửa quạt vừa than, lẩm bẩm một mình: “Ta ở đây có một chiếc quạt mới, lát nữa ông ấy về ta đưa ông ấy là được rồi”.

Một canh giờ trôi qua, hòa thượng điên đã về, vừa đến cửa đã hỏi: “Quạt sửa xong chưa?”

“Sửa xong rồi”, lão nhân vừa cầm trong tay chiếc quạt mới vừa nói.

“Ha ha, tay nghề không tệ, sửa trông như quạt mới vậy!” Hòa thượng điên hài lòng nói.

Cụ già cười gượng, trong lòng hơi buồn, nói: “Nguyên là một chiếc quạt mới mà!”

Hòa thượng điên cầm một nén bạc đặt lên trên án, xoay mình sải bước về phía cửa, rồi lại quay đầu quạt mấy cái về phía cửa, miệng còn niệm thơ từ nghênh ngang đi.

Cụ già đuổi đến tận ngoài cửa, miệng lắp bắp không thôi: “Tạ ơn sư phụ!” Quay đầu nhìn lại trên cửa, thấy có câu đối không biết dán từ bao giờ:

Thủ nghệ tinh tâm thiện phúc tích;  Phiến tử mỹ thủ cần tài đáo (Nghĩa là: Đặt tâm rèn luyện tay nghề sẽ tích được thiện và phúc; Cần cù chịu khó làm quạt đẹp thì tiền tài tới). Bức hoành phi: Khổ tận điềm lai (Hết cay đắng thì tới ngọt bùi)

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ của lão nhân bán quạt không lâu truyền khắp nơi nơi, mọi người đua nhau tới nhà cụ già xem câu đối, người mua quạt tới nườm nượp. Từ đó, hai cụ già sống trong sung túc. Ngõ vô danh từ đó được gọi là “ngõ quạt”.

Không lâu sau, mọi người đều tỉnh ngộ, nói: “Hòa thượng điên kia nhất định là Phật sống Tế Công, đến để giải khốn cho hai cụ già nghèo”. 

 

Lão nhân nghèo khổ có thiện tâm,

Hòa thượng Tế Công thấy thương tình,

Thực hành mưu kế giải khốn khó,

Từ đó thịnh vượng kế mưu sinh.

Người có duyên phận được Phật cứu?

Mọi người thử ngẫm sẽ tường minh!

 

Người nghèo hay được Thần Tiên giúp đỡ từ xa xưa đã trở thành một mô típ quen thuộc. Nhưng đó phải là những người tốt, người lương thiện, người biết nghĩ cho người khác hơn cả bản thân mình.

Người sửa quạt dù nghèo đến nỗi không có nổi bát gạo để nấu cơm nhưng ông ta vẫn sẵn sàng đưa cái quạt mới duy nhất của mình thế vào cái quạt hư hỏng của vị khách mà không tính thiệt hơn.

Giá trị cuộc sống không nằm ở chỗ đạt được gì mà chính là sự cho đi. Khi người ta cảm nhận được sự cho đi đó có thể đem đến hạnh phúc cho người khác thì cũng chính là mình đang hạnh phúc.

Thế mới ngẫm sự đời thật công bằng, một nghĩa cử đẹp của con người xuất phát từ sự vô tư vô ngã đều được Thần Phật chứng giám và báo đáp. Luật nhân quả luôn hiện hữu trong cuộc sống. cái ác bị trừng trị và cái thiện được báo đền.

Truyện trong «Cao tăng truyền kỳ»

Nhung Nguyễn biên tập.