Đồ gốm đã xuất hiện ở trên lãnh thổ nước ta từ hơn 10 ngàn năm về trước. Người ta tìm thấy nhiều mảng gốm đơn giản, qua khảo sát kiểm chứng chúng thuộc về thời văn hóa di chỉ Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long. Nhưng nếu nói về sự lưu truyền không gián đoạn, thì gốm cổ truyền của người Việt xuất hiện đầu tiên trong những di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên.
“Nghề cổ Đất Việt”, NXB Văn Hóa Thông Tin 2007” đã viết:
“Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”
Ngày nay còn rất nhiều làng gốm còn lưu lại, tiêu biểu như gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà Phù Lãng, Gốm Hương Canh Vĩnh Phúc, gốm Quế Quyển Hà Nam, gốm lò Chum Thanh Hóa, v.v. Mỗi nơi đều lưu giữ những bí quyết tổ nghề và nét đặc trưng từng vùng miền.
Làng gốm Bát Tràng nằm cách trung tâm khoảng 10km xát vùng đất hưng yên nơi con sông hồng uốn lượn quanh co, bãi bồi vun đắp lớp phù sa, màu mỡ, gốm Bát Tràng luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, mang theo hồn dân tộc qua sự phong phú về số lượng và chủng loại. Nhiều sản phẩm mang những nét đẹp riêng và đặc sắc không giống bất cứ nơi nào.
Nói về nghề gốm chúng ta phải nói về nguồn gốc của làng nghề và ông tổ nghề, người đã khai sáng và truyền lại cho đời đời con cháu.
Câu chuyện đi sứ thời Lý – Trần của ba người đỗ Thái học sinh bao gồm: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát Thanh Hóa; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà Hà Bắc; Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt Hải Dương. Cả ba ông khi đi sứ nhà Tống đã học được những nét tinh hoa của nghề gốm sứ mang về.
Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Sau đó ông Kiều về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phù Lãng, mỗi người mang theo một nét riêng về nghề gốm mà mình học được. Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng. Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ. Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
Ngoài việc truyền nghề cho dân làng, nửa năm sau, ba ông còn nghiên cứu chế tạo những tinh phẩm để dâng Vua. Nhà Vua xem thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái quán thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.
Phường gốm Bồ Bát sau này rời ra ngoài Bắc. Dọc theo con sông Hồng, tới một bãi sông có đất thó trắng, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, ta quen gọi là Bát Tràng.
Các kĩ thuật chế tác ngày càng phát triển và phong phú, để ra được một sản phẩm nhìn chung thì có 5 bước cơ bản, như: chọn đất, tạo dáng, trang trí hoa văn, tráng men, nung gốm, mỗi công đoạn cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, và công phu.
Hầu hết sản phẩm của làng gốm Bát Tràng làm bằng thủ công; thể hiện tài năng sáng tạo và kinh nghiệm của những nghệ nhân, thợ gốm được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Đấy chính là nét đặc sắc và cũng là thế mạnh của làng nghề truyền thống Bát Tràng.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, giữa cuộc sống đương đại nhiều sôi động, làng gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ nguyên được nét đẹp, nét tinh hoa vốn có. Những sản phẩm ấy được sinh ra và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, được thổi vào đó tâm hồn của dân tộc Việt. Chúng là một nét đẹp về truyền thống văn hóa, là tinh hoa của dân tộc đã lưu truyền từ đời ông cha gửi gắm đến ngày nay.
Nguyên Vân