Đời Sống

Guédelon: Tòa lâu đài mang đậm tình yêu lịch sử của người Pháp 

By Đăng Dũng

April 27, 2021

Trong khu rừng Guédelon, miền trung nước Pháp, du khách như được quay ngược thời gian trở về thế kỷ XIII, cùng những người thợ thủ công tài giỏi xây dựng một lâu đài hoàn chỉnh. Mời bạn cùng khám phá công trường khổng lồ này, nơi các yếu tố khoa học, lịch sử, giáo dục, du lịch và nhân văn cùng hội tụ.

Một tòa lâu đài trung cổ được xây dựng giữa thời hiện đại

Năm 1995, một nhóm các nhà chuyên môn đam mê các lâu đài cổ của Pháp đã bắt đầu một chuyến phiêu lưu được coi là vô cùng điên rồ. Xây dựng một tòa lâu đài trung cổ hoàn toàn mới, bằng những kỹ thuật xây dựng cũng như các nguyên vật liệu mà tổ tiên họ đã sử dụng vào thế kỷ XIII. Sự đam mê của nhóm chuyên gia đã giúp họ vượt lên mọi khó khăn, chuẩn bị hồ sơ, đi xin tài trợ và đi tìm địa điểm để thực hiện ước mơ. Lâu đài Guédelon được khai sinh từ đó.

Toàn cảnh lâu đài đang được xây dựng trong rừng Guedelon (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Công trường Guédelon  tọa lạc trên một khu đất bỏ hoang trong khu rừng mà tòa lâu đài mang tên. Mảnh đất này dường như được an bài dành cho dự án này. Nó hội tụ đầy đủ những điều mà đội ngũ xây dựng lâu đài mơ ước: Đá, đất, nước, gỗ, cát, đất sét,… Đây chính là nguồn nguyên liệu cần thiết để xây dựng lâu đài.

Ở đây, những người thợ thủ công đến từ rất nhiều ngành nghề như thợ đẽo đá, thợ xây, tiều phu, thợ mộc, người đánh xe ngựa, thợ làm dây thừng, … cùng nhau ngày qua ngày cần mẫm làm việc, để góp phần để biến ước mơ thành sự thật.

Xây dựng để học hỏi, để hiểu tổ tiên

Guédelon trở thành một dự án vô cùng hấp dẫn với người dân Pháp và du khách quốc tế, không chỉ bởi, hơn 70 người thợ ở đây đang xây dựng một công trình kiến trúc đồ sộ của quá khứ. Điều khiến công trường này trở nên ấn tượng chính là cách thức họ làm việc. Khách tham quan sẽ không thể tìm thấy một thiết bị hay dụng cụ xây dựng nào mang tính hiện đại ở Guédelon . Ê kíp xây dựng lâu đài quyết định, họ sẽ xây lâu đài 100% bằng các phương pháp truyền thống, có từ thế kỷ XIII.

Vì thế, 100% các dụng cụ được sử dụng ở công trường đều được sản xuất tại chỗ trong các lò rèn và các xưởng mộc ở đây. Các nguyên liệu để phục vụ cho xây dựng lâu đài cũng được khai thác và chế tạo ngay tại hiện trường.

Dụng cụ đo thô sơ (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Đó là lý do tại sao, đến Guédelon bạn sẽ cảm thấy ấn tượng đầu tiên với những người thợ đẽo đá. Các tòa lâu đài trung cổ từ thế kỷ XIII đều được làm từ các khối đá lớn xếp chồng lên nhau, và gắn kết bằng một hỗn hợp đặc biệt. Cách sử dụng nguyên liệu này chính là bí quyết khiến các lâu đài thời kỳ này có thể trở thành các lâu đài phòng thủ vô cùng vững chắc.

Công việc xẻ đá (Nguồn ảnh: guedeon.fr)
Công việc đẽo đá (Nguồn ảnh: guedelon.fr)
Công việc của các thợ xây (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Tuy nhiên, các kỹ thuật để xây dựng lâu đài không nằm tất cả trong các tài liệu lịch sử còn lại tới ngày nay. Đó là một lý do khác khiến việc xây dựng Guédelon trở nên vô cùng hấp dẫn. “Xây để hiểu” chính là tinh thần cốt yếu của dự án này.

Công trường với các giàn giáo được làm từ gỗ (Nguồn ảnh: Guedelon.fr)

Thợ thủ công và các nhà khoa học cùng nhau làm việc mỗi ngày. Họ cẩn thận xem xét từng kỹ thuật tạc đá, chế tạo các khung gỗ, lên bản thiết kế … để chắt lọc và giữ lại những kỹ thuật hiệu quả nhất giúp xây dựng Guédelon thành một phiên bản trung thành nhất của những lâu đài trong quá khứ.

Kỹ thuật xây mái vòm, một trong những kỹ thuật khó nhất trong dự án (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Đến với công trường khổng lồ này, bạn sẽ cảm thấy như mình đang lạc về quá khứ, khi tận mắt chứng kiến các thợ xây dùng các thước đo hết sức đơn giản, hay khi trực tiếp được đứng trong một guồng quay lớn, dùng sức đạp của bản thân để nâng những tảng đá lên tới 600 kg.

“Một dự án điên rồ” nhưng khả thi và rất hài hòa

Guédelon từ những ngày đầu ra đời khi lập hồ sơ, đi xin tài trợ đã được mệnh danh là một “dự án điên rồ”. Tuy nhiên, lòng nhiệt tình và say mê của những người sáng tạo dự án đã làm thay đổi tất cả.

Công trường bắt đầu đi vào thi công năm 1997, chỉ một năm sau, Guédelon mở cửa đón những du khách tham quan đầu tiên. Việc tham quan của các du khách đã nhanh chóng giúp dự án có thể nuôi sống chính nó. Tiền vé thu được đủ để trả lương cho các công nhân và nhập thêm các nguyên liệu cần thiết.

Năm 1998, lâu đài đã bắt đầu mở cửa cho khách tham quan (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Sự chia sẻ kiến thức và niềm đam mê là một phần của công việc của tất cả những người làm việc tại đây. Bạn quan sát được bao nhiêu người thợ làm việc ở Guédelon , bạn sẽ biết mình có bấy nhiêu hướng dẫn viên du lịch. Những người thợ đều có khả năng làm việc dưới sự quan sát của tất cả du khách, đồng thời họ cũng có thể chia sẻ rành mạch, rõ ràng và đầy đam mê cho các vị khách về nghề nghiệp của mình. Chính nhờ sự chia sẻ đam mê đó, Tony, một thợ đẽo đã tại Guédelon đã quyết định từ bỏ sự nghiệp trong ngành luật để tham gia vào cuộc phiêu lưu có một không hai này.

Đến Guédelon , ngoài việc tham quan tất cả mọi khu làm việc, đặt trực tiếp mọi câu hỏi; tham gia các workshop làm nghề, bạn còn có cơ hội “đặt tay vào bột bánh” như cách nói của người Pháp.

Các bạn nhỏ trải nghiệm việc đẽo đá (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

Trở thành “một người xây dựng tình nguyện” sẽ cho bạn cơ hội trải nghiệm 7 ngày ở Guédelon . Bạn sẽ được luân chuyển qua nhiều vị trí công việc khác nhau để tự mình trải nghiệm các nghề nghiệp trong công trường. Đó cũng là cơ hội để bạn thật sự hòa mình vào gia đình lớn nơi đây.

Những người làm việc tại đây cho biết, với họ công trường xây dựng Guédelon không chỉ là một nơi để thí nghiệm, tìm tòi và tái hiện. Hơn thế, dự án này đã tạo nên một sự gắn kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, cũng như con người với nhau, tạo nên một sự hài hòa ngạc nhiên.

Nghề thọ rèn (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

“Ở đây chúng tôi có một nguyên tắc làm việc. Đó là chúng tôi làm việc cùng nhau. Nếu không có thợ đẽo đá, hoặc thợ xây, sẽ không có thợ rèn, nếu không có thợ rèn không có thợ mộc hay tiều phu. Nếu bạn lấy đi một nghề nào đó, tòa lâu đài sẽ không được hoàn thành”, một thợ rèn ở Guédelon cho hay.

“Ở Guédelon bạn có thể thấy tinh thần của một gia đình lớn. Chúng tôi làm việc cùng nhau sáu ngày một tuần, ăn trưa và thậm chí ăn tối cùng nhau. Chúng tôi cũng có thể trải qua những ngày rảnh rỗi với nhau. Điều đó đã tạo nên một mối quan hệ vô cùng đặc biệt”, ý kiến của thợ đẽo đá Tony.

Công việc xay lúa mì để làm bánh mì theo kỹ thuật Trung cổ tại lâu đài (Nguồn ảnh: guedelon.fr)

“Ở đây, việc thiết kế thêm một cối xay nước, hay trồng thêm lúa mì, mở một lò bánh mì theo kiểu thế kỷ XIII không đến từ cá nhân tôi hay một người đứng đầu nào khác. Mà tất cả các ý tưởng đến từ các cuộc gặp gỡ, hoặc đến từ chính những người thợ ở đây. Họ sẽ nói với bạn rằng thật đáng tiếc nếu chúng ta không làm thêm điều này. Đó là cách mà Guédelon phát triển và hoàn thiện”, Maryline Martin một trong những người đứng đầu dự án cho biết.

Mô hình mô tả lâu đài khi hoàn tất (Nguồn ảnh:guedelon.fr)

Quay trở về với truyền thống dường như mang lại cho những người thợ ở Guédelon một trải nghiệm tuyệt vời về tình yêu đối với công việc, sự gắn kết với mảnh đất nơi bạn sống và sự cởi mở đối với tất cả mọi người. Dự án này thực sự mang lại cho rất nhiều người một câu hỏi để suy ngẫm “Lối sống của quá khứ với lao động hết mình, tình bằng hữu, sự sẻ chia, tôn trọng phải chăng chính là điều mà người dân ở thế kỷ 21 này rất cần?”.

 

Tâm Như biên tập

Tham khảo: Phim tài liệu « Guédelon, les bâtisseurs de château : C’est là ! en Bourgogne-Franche-Comté »