Nguồn ảnh: ST

Văn Hóa

Hàm nghĩa sâu sắc đằng sau câu nói: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”

By Lan Hòa

March 15, 2022

Người hiện đại, đặc biệt là một số người trẻ thường hiểu về câu nói: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” thành những người đàn ông chỉ thích theo đuổi những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Vóc dáng yểu điệu của các cô gái được hiểu thành “yểu điệu thục nữ”, kì thực, cách hiểu này khác xa với ý nghĩa nội hàm sâu sắc của câu nói. 

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu thành ngữ vô cùng quen thuộc, mà đôi khi chúng ta thậm chí đã quên mất xuất xứ và nội hàm của nó. Ngày nay, một số bạn trẻ yêu thích các thể loại truyện mang bối cảnh cổ trang ngày xưa, thường xuyên dùng câu nói ấy với hàm nghĩa lãng mạn hiện đại.

Câu thành ngữ: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” xuất phát từ bài thơ đầu tiên của Kinh Thi thuộc Tứ thư Ngũ kinh của Nho gia, nằm trong thiên Quan thư, vào chương thứ nhất:

“Quan quan thư cưu/Tại hà chi châu/Yểu điệu thục nữ/Quân tử hảo cầu”

Diễn nghĩa:

“Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan/Ở trên cồn bên sông/Người thục nữ u nhàn,/Phải là lứa tốt của bực quân tử.”

Theo Thuyết văn giải tự, từ mặt chữ có thể nhìn thấy “yểu” (窈), “điệu” (窕) đều có các ký tự hang động bên trong, ý nghĩa ban đầu của “yểu điệu” (窈窕) là chỉ các cảnh quan thiên nhiên, hoặc những công trình kiến trúc bằng gỗ, mở rộng ý tứ ra, thì là chỉ đến cái không gian cao rộng bên trong, chính là sự dịu dàng, có nội hàm, nhã nhặn lịch sự và sự hàm dưỡng của người phụ nữ.

Trong Hán Thư – Đỗ Khâm Truyện cũng có ghi chép lại, khi Hoàng đế tuyển phi tần, “bắt buộc phải có cử chỉ, hành động yểu điệu, không hỏi hoa sắc, vì thế nên trợ đức lý nội”, ý nghĩa là khi hoàng đế tuyển chọn phi tần không xem đến dung mạ và vẻ bề ngoài, chỉ yêu cầu “yểu điệu”, bởi vì người phụ nữ yểu điệu có thể trợ giúp cho thiên tử, tạo phúc đức cho hậu cung. “Yểu điệu” và “hoa sắc” ở đây có sự trái ngược, tương phản với nhau, từ đó có thể thấy, yểu điệu không phải để chỉ dáng vẻ bề ngoài, mà là chỉ người phụ nữ có hiền thục, có đức hạnh và mang trong mình những đức tính cao đẹp của người phụ nữ truyền thống.

Hán ngữ hiện đại cũng giải thích từ “yểu điệu” là để miêu tả cho vẻ đẹp của người con gái, nhưng vẻ đẹp của phụ nữ trong quá khứ cũng không giống với quan niệm về vẻ đẹp thời nay.

Nhà triết học cổ Trung Quốc, Chu Hi nói: “Vẻ thùy mị, trinh tĩnh là phù hợp với những người phụ nữ, chỉ cần tinh thần không để lộ ra ngoài, tâm ý thâm sâu, thì cũng là đứng đầu về mỹ đức”, thời xưa, học giả Trung Quốc Tiền Mục cũng nói: “Vẻ đẹp của người phụ nữ nằm ở đức tính cao quý, sau đó mới đến ngoại hình”.

Vì thế khi người xưa nói “yểu điệu thục nữ” nghĩa là không xem trọng ngoại hình của người đó, cao thấp béo gầy đều không quan trọng, mà xem trọng sự bình tĩnh, sâu sắc, khiêm tốn, hiền thục và sự kiềm chế bên trong nội tâm của người phụ nữ.

“Thục” trong chữ “thục nữ” là chỉ đến sự trong trẻo, nó chính là chữ “thúc” thêm bộ thủy thành chữ thục, chỉ dòng nước sâu chứ không cuộn trào mãnh liệt như sóng biển. Chữ “thục” cũng có nghĩa là “lương” chỉ người phụ nữ thiện lượng, nho nhã, dịu dàng.

“Quân tử” khi đó là chỉ người “quân vương”, quý tộc hoặc hiền sỹ, những người có địa vị cao quý, nhân phẩm cao thượng. “Cầu” trong “quân tử hảo cầu” không có nghĩa là theo đuổi, mà là một thuật ngữ khác để chỉ người bạn đời. Vậy nên có thể giải thích câu nói “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” có nội hàm là: Một người phụ nữ đoan chính hiền thục là người đồng hành tốt nhất cho người quân tử.

Câu nói “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” nói tới, kì thực chính là đạo đức của những phi tần nơi hậu cung, nói về chuyện hôn sự của Chu Văn vương và Thái Tự. “Phong” trong “Quốc phong” là chỉ phúng dụng khuyến giới (dùng cách kể chuyện để nói về đạo lý của sự vật để đưa ra sự khuyên ngăn, cảnh cáo). Vì vậy Quan thư được cho là giáo hóa luân lý mẫu mực của người xưa, để bách tính hiểu rằng, quân tử chọn bạn đời, coi trọng đạo đức, phẩm chất hơn là ngoại hình, trên làm dưới theo, người dân nên noi theo người quân tử, chọn vợ nên lấy đức hơn là lấy sắc, phụ nữ cũng nên lấy đức hạnh và tu dưỡng đạo đức làm trọng, từ đó gia đình ổn định hòa thuận, phong tục xã hội thuần phác và thiên hạ thái bình.

Có thể thấy rằng nét đẹp trong văn học cổ xưa nói chung đều liên quan đến đạo đức, khuyến khích con người hướng thiện, đạt đến cảnh giới thập toàn thập mỹ. Bởi vậy, quay lại với truyền thống văn hóa xưa, khôi phục lại những tinh hoa của cổ nhân để lại là con đường đúng đắn nhất.

 

Lan Hòa tổng hợp