Văn Hóa

Hàm nghĩa tên gọi bốn đệ tử của Đường Tăng trong phim Tây Du Ký

By Đăng Dũng

September 02, 2020

Nhân gian chìm đắm trong cõi hồng trần, ai ai cũng mải mê bởi những cám dỗ nơi thế tục. Ngoài những bậc Giác Giả vì sứ mệnh mà đến đây, đa phần còn lại là vì đã phạm tội trên thiên giới nên mới bị đày xuống thế gian làm người. 

Thầy trò Đường Tăng cũng không ngoại lệ, vì phạm tội mà đã phải đến nhân gian. Muốn trở về quê nhà nơi Thiên thượng thì chỉ có một con đường, đó là “Ngộ”, là tu luyện ngộ Đạo để trở về.

Đường Tăng vốn dĩ là đệ tử thứ hai của Phật Tổ Như Lai, tên gọi là Kim Thiền Tử. Chỉ vì ngủ gật không nghe Phật Như Lai giảng thuyết, phạm tội khinh mạn Phật Pháp mà bị phạt đến Đông Thổ, trải qua 10 đời tu luyện nhưng vẫn không thành. Cuối cùng mới có được cơ duyên, được vua Đường uỷ thác đi Tây phương thỉnh kinh, công thành viên mãn, được phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật. Đường Tam Tạng là tên do hoàng đế ban cho, bởi đi lấy kinh nên lấy hiệu là ‘Tam Tạng’. Từ tên của Đường Tăng có thể biết: Tây Du chính là một tác phẩm chuyển tải thông điệp của người tu luyện, có liên quan rất mật thiết với vị hoàng đế nhà Đường – Lý Thế Dân.

Tây Du Ký – Hồi thứ nhất mở đầu bằng hai câu thơ: “Gốc thiêng ấp ủ, nguồn rộng chảy; Tâm tính sửa sang, đạo lớn sinh”. Sự xuất thế của Tôn Ngộ Không, vốn là một con khỉ sinh ra từ tảng đá tiên trên núi Hoa Quả Sơn mà trong sách đã kể, nhưng vẫn còn rất nhiều nghi vấn: Tảng đá được gọi là “đá tiên”, vậy ai là người đặt nó ở đấy, hay là từ khi Hoa Quả Sơn mới hình thành, nó đã tồn tại ở đó rồi? Trong sách cũng viết rằng: “Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay. Con khỉ đá liền học bò học chạy, vái lạy bốn phương, làm kinh động cả trời đất.”

Tại hồi thứ 19: Động Vân Sạn, Ngộ Không Thu Bát Giới Núi Phù Đồ, Tam Tạng Nhận Tâm Kinh. Bát Giới ( Ngộ Năng) giới thiệu lai lịch của mình: Từ nhỏ đã ham ăn lười làm, cũng chẳng hề tu luyện, nhưng đột nhiên một ngày gặp được Tiên nhân, được thu làm đệ tử truyền thụ pháp môn Cửu Chuyển Đại Hoàn Đơn. Thông qua tu luyện mà đạt được cảnh giới Tam Hoa Tụ Đỉnh, Ngũ Khí Triều Nguyên, công thành viên mãn bay về thiên cung, được Ngọc Đế phong làm Thiên Bồng Nguyên Soái. Bát Giới đã sớm đắc Đạo thành Tiên, đồng thời còn có chức vị trên thiên cung. Nhưng chỉ vì không đạt được chính quả, tâm phàm chưa bỏ nên sau khi uống rượu đã trêu ghẹo Hằng Nga mà bị đày xuống hạ giới, phải mang thân hình xấu xí. Sau này Bát Giới may mắn được Bồ Tát khuyến thiện phò tá Đường Tăng, được phong làm Tịnh Đàn sứ giả.

Ngộ Tĩnh sinh thời có thế gia là con nhà võ, đương thời cũng là một nam tử hán anh hùng, chu du tứ hải mong tìm kiếm được minh sư học Đạo, cuối cùng may mắn gặp được Chân Nhân, học được pháp môn tu luyện. Sau khi tu thành, được Ngọc Hoàng phong làm Quyển Liêm Đại tướng. Tiếc thay sau này lỡ tay làm vỡ chiếc ly ngọc mà bị giáng xuống hạ giới sống ở đáy sông Lưu Sa, cuối cùng cũng lại được Bồ Tát khuyến thiện quy y cửa Phật, bảo vệ Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, công thành viên mãn làm Kim Thân La Hán.

Ngộ Ký (Bạch Long Mã) vốn là con của Long Vương Tây Hải, do phạm tội đốt điện Minh Châu nên bị coi là nghịch tử, sau được Bồ Tát cứu độ, biến thành Bạch Mã, phò tá Đường Tăng sang Tây Trúc, được phong làm Bát Bộ Thiên Long.

Những đệ tử trợ giúp Đường Tăng đều có chung một chữ Ngộ (悟 – Wù), ở đây đều có hàm nghĩa tu luyện uyên bác: Ngộ Không ( 悟空 – Wù Kōng), Ngộ Năng (悟 能 – Wù Néng), Ngộ Tĩnh (悟淨 –  Wù jìng) Ngộ Ký ( Bạch Long Mã – 白龍馬 – Bái lóngmǎ ) đều có chung một chữ “Ngộ”(悟) chính là nói về sự ngộ Đạo trong khi tu luyện. Chữ “Ngộ” (悟) ở đây là sự kết hợp của hai chữ “Ngô” (吾) nghĩa là tôi, là tự thân mình, và chữ “Tâm” (心) ý chỉ tâm tính bản thân. Ngụ ý ám chỉ rằng: Muốn ngộ được Phật Pháp thì chỉ có thể dựa vào cái tâm của bản thân mình mà thôi.

Con người ở thế gian trong một không gian mê, không thấy được cảnh tượng của “Thiên đàng”, “địa ngục” hay “Phật, Đạo, Thần” bằng mắt thịt. Nếu như không thấy mà vẫn tin vào Thần Phật là có thật thì mới có thể bước vào con đường tu luyện.

Không phải ngẫu nhiên mà bốn đệ tử của Đường Tăng đều có chung một chữ “Ngộ”, qua đó thấy rằng sau khi trở thành người tu luyện thì ngộ tính vô cùng quan trọng. “Ngộ” bao gồm cả việc nhận thức Pháp lý mà Sư phụ chỉ dạy, hiểu biết được các mối quan hệ ân oán giữa xã hội và gia đình, cũng như những ma nạn mà tại sao con người phải trải qua. 

Khi đã nhận thức được Pháp lý thì những trở ngại của thầy trò Đường Tăng tượng trưng bằng việc phải trải qua 81 kiếp nạn, phải thật sự quyết tâm tu thành, không ngừng xả bỏ những thứ xấu, hoàn thiện chính mình và giác ngộ.

Nói về chữ “Không” (空 – Kōng): Được coi là nền tảng của người tu luyện, Phật gia giảng ‘không’, Đạo gia giảng ‘vô’. Chữ “Không” ở đây cũng là điều cao thâm vi diệu, trần gian hư ảo, tuy thật mà lại hư, tuy hư mà lại thật. Hư là bởi thành bại trong đời tất cả đều tựa khói sương,  hỉ nộ ai lạc cũng là thứ sáng còn chiều mất. Dẫu mọi thứ chỉ là ảo ảnh trong đời, vậy nên chỉ có người chân tu ngộ Đạo, ngộ được cái ‘không’ của trời đất thì mới mong tìm được trí huệ, tìm được con đường để trở về Thiên giới.

Đối với Đạo Phật chữ “Không” (空) vượt qua cả sắc tướng ý thức là đạo chân thực, là không. Có nghĩa là xả bỏ tất cả tâm chấp trước và dục vọng để bước vào cửa Phật. Sinh ra từ một hòn đá, Ngộ Không vốn không có thân thể người thường và được hiện thân thành một con khỉ. Tuy không có bất kỳ kinh nghiệm nào của con người và không có nhiều quan niệm của người thường, Ngộ Không là một người học hỏi nhanh chóng và tinh thông.

Chữ (能 – Néng): Nói về người có tài năng và bản lĩnh, trung thành, năng giả đa lao, nhưng trong Tây Du Ký thì Ngộ Năng lại chưa “ngộ” được khả năng của mình. Thực tế,  Bát Giới vốn là bậc thần tiên, khả năng tuyệt đỉnh, từng giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái chỉ huy 8 vạn thủy binh trên Thiên Hà. Lại nữa, trong 108 phép thiên cang địa sát của Đạo gia thì Ngộ Không đã từng học 72 phép địa sát, còn Bát Giới lại tinh thông 36 phép thiên cang, có thể nói là vô cùng lẫm liệt oai phong.

Trong hồi thứ 94, Bát Giới kể: “Lão Trư kiếp trước cũng là người, nhưng nhất sinh chỉ ham vui chơi, biếng làm lụng, u mê mờ mịt, loạn tính dâm lòng, chẳng biết trời cao đất dày, khó nhận non xa biển rộng. Đang trong vòng u tối, bỗng gặp vị chân nhân. Nửa câu nói gỡ tung lưới nghiệt; dăm ba lời phá vỡ cửa mê. Khi ấy ta tỉnh ngộ, lập tức theo thầy, cần cù tu luyện công phu hai tám, kính cẩn rèn luyện sau trước ba ba, rồi được viên mãn siêu thăng bay lên thượng giới. Đội ơn dầy của Thượng Đế, ta được phong chức Thiên Bồng nguyên soái, tổng quan thủy binh, tiêu dao Vân Hán. Chỉ vì ở hội Bàn Đào ta uống rượu say, trêu ghẹo Hằng Nga, bị cách quan, đẩy xuống phàm trần, đầu thai nhầm thác sinh cửa lợn, chiếm cứ núi Phúc Lăng, gây nhiều tội ác. May gặp đức Quan  Âm chỉ rõ đường lành, quy y cửa Phật, hộ vệ Đường Tăng sang phương Tây bái Phật cầu kinh (…)”

Sa Ngộ Tĩnh (沙悟淨 – Shā wú jìng) còn gọi là Sa Tăng, vì trấn giữ sông Lưu Sa nên lấy tên họ là “Sa”, nghĩa là cát. Thế còn “Tĩnh”? Chúng ta vẫn quen gọi là “Tĩnh”, kỳ thực trong nguyên tác là chữ “Tịnh” (淨), nghĩa là trong sạch, thuần khiết, thanh tịnh, là một cảnh giới mà người tu hành cần đạt được. Lý do gì mà Sa Tăng lại phải “Ngộ” về thân thế của mình.

Trong nguyên tác kể rằng: Trông thấy Quan Âm, yêu quái sụp lạy rồi nói: “(…)Tôi đói khát không chịu nổi, chẳng biết làm thế nào, nên cứ khoảng hai ba ngày phải nhảy ra ngoài làn nước, bắt người đi đường ăn thịt. Không ngờ hôm nay vô ý gặp được Bồ tát đại từ đại bi.”

Bồ tát nói: “Nhà ngươi từ thiên đình bị đày xuống đây mà còn mắc tội giết người, thì thật tội càng thêm nặng. Nay ta vâng lệnh Phật Tổ, sang phương Đông tìm người lấy kinh, sao nhà ngươi không gia nhập pháp môn của ta, quy y thiện quả, theo người lấy kinh làm đồ đệ, sang phương Tây lễ Phật cầu kinh? (…)”

(…) Bồ tát bèn xoa đầu yêu quái làm lễ thụ giới, lấy chữ Sa làm họ, ban cho một pháp danh là Sa Ngộ Tĩnh. Lúc ấy, yêu quái đã được vào hàng sa môn rồi, bèn tiễn đưa Bồ tát qua sông, và tu tâm sửa tính, không giết hại người nữa, một lòng đợi người đi lấy kinh.

Như vậy chúng ta thấy rằng bất cứ người tu luyện nào cũng không thể “một tấc thành Thánh, một bước thành Tiên”, ai ai cũng bắt đầu từ người thường mà tu lên. Là người thường, thân mang đầy nghiệp lực, tâm đầy những ưu phiền, nên mới cần phải tẩy tịnh, làm trong sạch chính mình.

Trước khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Ngộ Không từng học Đạo với Tổ Sư Bồ Đề, và học được 72 phép thần thông biến hóa cũng như phát triển những công năng phi thường, được luyện trong lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân trên Thiên đình, và đã luyện thành hỏa nhãn kim tinh, có khả năng nhìn xuyên thấu. Kỳ thực, Ngộ Không đã đạt được thiên nhãn thông, đạt được con mắt của trí huệ.

Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành. Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả Ngô Thừa Ân đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, cuối cùng lấy được Chân Kinh, thành tựu đời người.

Từ Thanh ST