Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Hạnh phúc đơn giản chính là bớt tham và biết đủ

By Đăng Dũng

April 23, 2022

Đến một ngày nào đó, bạn sẽ bất chợt nhận ra rằng những thứ bạn cần lại vô cùng đơn giản, chẳng phải thắng thua hay danh lợi tỏa sáng, chỉ đơn thuần là bạn có được sức khỏe và sự bình yên.

Cuộc sống khi còn trẻ, chúng ta thường có những ước mơ và hoài bão rất lớn lao. Thường khi còn khỏe mạnh, chúng ta thường có vô vàn dự định và ước mơ, nhưng một khi đau ốm hay sức khỏe yếu đi thì con người ta mới nhận ra một điều rằng trên đời này chẳng có gì quý giá hơn sức khỏe và được bình yên.

Dù biết vậy, nhưng trong đời sống hiện đại ngày nay, cuộc sống của chúng ta thường bị quyền, danh, lợi, sắc chi phối thì nhiều người rất khó thoát khỏi cẵm bẩy dục vòng này.

Vì vậy chúng ta làm nhiều đến đâu, có mấy cũng cảm thấy không đủ, chúng ta thường muốn thêm chứ không bao giờ muốn bớt đi cho nhẹ lòng.

Có một câu chuyện như thế này: Một lần vị Sư phụ hỏi đệ tử của mình rằng: “Nếu muốn đun ấm nước nhưng phát hiện củi không đủ, con sẽ làm thế nào?”

Một đệ tử trả lời: “Con sẽ đi tìm”.

Một đệ tử đáp:  “Con đi mượn tạm cho nhanh”.

Một đệ tử khác nói: “Là con, con sẽ đi mua”.

Sư phụ mỉm cười hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước đi?”.

Thực ra trong sống của chúng ta cũng vậy, nếu bạn đang mệt mỏi, nghĩa là tham vọng của bạn đã nhiều hơn khả năng, tức là nước nhiều hơn củi rồi.

Để hạnh phúc, hoặc là phải đi kiếm củi nhiều hơn, hoặc là đổ bớt nước. Kiếm củi chưa chắc sẽ có, nhưng nước thì chắc chắn có thể tự đổ bớt được.

Nhưng trong cuộc sống này, có mấy ai có thể sẵn sàng bớt nước, thông thường người ta sẽ cố đi tìm cho bằng được củi về đun nước để thỏa mãn dục vọng, cho dù là củi đó không phải của mình.

Chỉ có những ai biết kìm chế dục vọng, hài lòng và trân trọng những gì mình có thì họ mới sẵn sàng bớt nước, bởi hạnh phúc đối với họ chính là bớt tham và biết đủ. Và với họ tốt nhất vẫn là thuận theo tự nhiên mà sống.

Có một lần Khổng Tử đến bái kiến Lão Tử để hỏi một vài vấn đề. Lời hồi đáp của Lão Tử khiến Khổng Tử vô cùng bội phục.

Lúc hai người cùng đến sông Hoàng Hà, Khổng Tử thở dài khi đối diện với sông Hoàng Hà. Khổng Tử nói: “Thời gian và sự việc phai phôi cũng như nước sông cuồn cuộn chảy, bản thân mình tuổi già đến mà không biết mình phải làm gì”.

Lão tử nói: “Nhân sinh và trời đất, bản lai và tự nhiên là một thể. Sinh lão bệnh tử của con người và xuân hạ thu đông của đại tự nhiên kì thực không có khác biệt. Tự nhiên mà sống, tự nhiên mà chết, thuận theo tự nhiên thì sẽ không mê mất bản tính. Trong tâm thường nghĩ công danh lợi lộc nên mới có u sầu trong tâm, mới có sinh ra phiền não”.

Đúng vậy, khi một người quá xem trọng công danh lợi lộc thì sẽ rất dễ đánh mất đi bản tính lương thiện của mình, sống ngược với quy luật của tự nhiên. Dần dần họ sẽ bị lòng tham chi phối và rất khó để thoát khỏi vòng quay của dục vọng.

Đến một ngày họ mất đi tất cả những thứ mình đang có hoắc mất đi sức khỏe thì họ sẽ bất chợt nhận ra rằng những thứ họ cần lại vô cùng đơn giản, chẳng phải thắng thua hay danh lợi tỏa sáng, chỉ đơn thuần là bản thân có được sức khỏe và bình yên.

Chân Kiến biên tập