Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, ý muốn dạy chúng ta rằng làm gì thì cũng phải coi trọng đức, người hành thiện tích đức, không mong cầu mà được đắc phúc báo về sau.
Từ xưa tới nay, dân gian vẫn luôn lưu truyền lời nhắc nhở về hành thiện tích đức có thể nhận thiện báo và phúc thọ. Đây đều là món quà ông trời ban cho cho những người lương thiện, cho dù không cầu trời cao ban phúc, trời cao vẫn vì họ mà cho đi.
Những câu chuyện “hành thiện tích đức, đắc phúc báo” trong lịch sử không ít, có nhiều người hành thiện mà không mong cầu, liền được ông trời an bài một cuộc sống được phúc báo, chuyện dữ hóa chuyện lành.
Giải oan sai cho người vô tội
Ông Đồ Khánh Hy, người phủ Gia Hưng tỉnh Triết Giang, buổi ban đầu giũ chức chủ sự bộ hình, thường vào trong ngục tra xét cẩn thận hỏi lại tình trạng của tù nhân biết được nhiều người vô cớ bị tội.
Ông không tự lấy làm công lao của mình mà viết sớ mật trình lên đường quan, tức thượng thư bộ hình. Về sau, các án tích đều được đưa về triều xét lại.
Đường quan theo lời trong mật sớ tra vấn lại tình trạng của tù nhân giải oan được cho hàng chục người, khiến cho không ai là không phục. Thời đó ở kinh thành tất cả mọi người đều khen ngợi thượng thư xử án thật công minh.
Ông lại bẩm cáo đường quan: “Ở ngay kinh thành mà còn nhiều dân bị án oan, thì hàng trăm triệu dân ở khắp bốn phương trong nước sao khỏi có người bị oan ức?. Khá nên trong năm năm lại sai phái một vị giám hình quan đi điều tra sự thực xét lại án, hoặc gia giảm tội hình, hoặc giải oan phóng thích họ”.
Thượng thư bộ hình tấu tình hoàng đế thì lời đề nghị đó liền được phê chuẩn, và ông có tên trong danh sách những người được sai phái làm giám hình quan.
Ông nằm mộng thấy thần nhân bảo: “Người số không con, nay đề nghị việc giảm hình thật rất hợp với lòng trời nên thượng đế ban cho ngươi được ba trai đều mặc cẩm bào đai vàng”. Ngay đêm đó bà vợ thụ thai, sau sinh ra Ưng Huyên, Ưng Khôn, Ưng Tuấn đều quan chức hiển hách cả.
Đốt nhà cứu người, đem phúc báo cho con cháu
Thời kỳ khai quốc triều nhà Minh, Trung Hoa, có một vị quân sư tên Lưu Bá Ôn, thuở nhỏ đã thông minh hơn người, hiếu học, trí nhớ giỏi. Những quyển kinh thư dù có khó học đến mấy, ông chỉ cần đọc hai lần là thuộc lòng, thậm chí còn có thể diễn giải hàm nghĩa quyển kinh thư theo hiểu biết của mình.
Một hôm, có một vị danh sĩ, tên Trịnh Phục Sơ, ghé thăm Lưu gia, gặp mặt cha Lưu Bá Ôn liền cất tiếng: “Tổ tiên ngài làm nhiều việc thiện, tích nhiều phúc báo, đứa trẻ này lại xuất chúng như thế, sau này ắt có thể làm rạng rỡ tổ tiên Lưu gia”.
Trịnh Phục Sơ nói Lưu gia tích nhiều đức, là nói về câu chuyện tằng tổ phụ (ông cố) của Lưu Bá Ôn, gọi là Lưu Hào, đã đốt nhà cứu người. Lưu Hào từng làm việc ở Hàn Lâm Viện, sau khi Nam Tống diệt vong, ông vì tránh loạn binh nên đã quay trở về quê hương.
Lúc bây giờ, có nhiều nghĩa sĩ một lòng trung thành với Nam Tống, không muốn nhìn triều đình diệt vong nên đã tự tập hợp thành đội quân chống nhà Nguyên.
Đồng hương của Lưu Hào là Lâm Dung, cũng tự chiêu binh mãi mã nhưng thất bại nên bị quân Nguyên truy đuổi. Triều đình nhà Nguyên để bình định họa loạn ở địa phương, đã phái người xuống lục soát, tra hỏi những ai có quan hệ với Lâm Dung.
Lưu Hào là nhân sĩ, cũng là phú hào trong vùng, vì vậy các quan sai rất hay qua nhà Lưu Hào nhờ tá túc. Một hôm, có một quan sai sau khi thẩm vấn, ghi chép lại những người có quan hệ với Lâm Dung định trở về thì trời đã tối, bèn qua Lưu gia xin nghỉ lại một đêm.
Khi đang tiệc rượu với nhau, vô tình Lưu Hào biết được mục đích đến đây lần này của quan sai, liền cảm thấy vô cùng khiếp sợ, chủ mưu chỉ có mấy người nhưng lại làm liên lụy đến nhiều dân chúng vô tội khác.
Không đành lòng nhìn trăm họ lầm than, ông suy nghĩ một hồi, cuối cùng nghĩ ra một biện pháp. Lưu Hào sai người mang đến mấy bình rượu ngon, chuốc say quan sai, sau đó một mồi lửa liền thiêu rụi phòng mình, đồng thời sai người khênh quan sai ra ngoài.
Quan sai sau khi tỉnh dậy, liền nghe tin đêm qua Lưu gia bị cháy, danh sách những người tạo phản của ông cũng bị thiêu thành tro. Quan sai tự thấy là lỗi của mình đã uống say, đuổi lý, nên không dám trách tội ai, mà đành dựa vào trí nhớ mà tạo ra một bảng danh sách khác, trong đó chỉ có tên mấy vị chủ mưu.
Việc Lưu Hào không ngại đốt nhà mình để cứu nhiều người đã trở thành câu chuyện được tán tụng không thôi. Danh sĩ Trịnh Phục Sơ nói, chính là chuyện này, Lưu gia phúc trạch thâm hậu do hành thiện không kể công.
Hậu nhân sau này là Lưu Bá Ôn, đã phò tá Chu Nguyên Chương trở thành quân chủ thiên hạ, mở ra một triều đại phát triển rực rỡ mới, trở thành khai quốc công thần nhà Minh, quả thật làm rạng danh gia tộc.
Phát gạo cứu giúp người nghèo qua cơn bĩ cực
Người huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô, họ Từ tên Thức tự Phượng Trúc. Phụ thân là điền chủ giàu có, gặp năm mất mùa, trước đề xướng việc quyên tô, tức bỏ không thu địa tô nữa, sau lại đem thóc gạo dự trữ ra phát chuẩn cho người nghèo khó.
Ban đêm nghe thấy quỷ hô ở ngoài cửa: “Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, tú tài nhà họ Từ sẽ thành cử nhân lang”. Cứ thế tiếp tục hô liền nhiều đêm không ngừng. Quả nhiên năm đó Phượng Trúc thi hương đỗ cử nhân.
Phụ thân của Phượng Trúc thấy vậy càng gia công tích đức, cần mẫn chăm lo hành thiện chẳng chút lơ là mệt mỏi. Phàm những việc có ích lợi đều hết sức tận tâm làm như tu sửa cầu, tu bổ đường xá, thí thực trai tăng, tiếp tế người nghèo…
Sau lại nghe thấy quỷ hô ở trước cửa: “Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, cử nhân họ Từ quan chức thăng tơi đô sát”. Phượng Trúc sau cùng làm quan tới Lưỡng Triết tuần vũ.
Huy Hiếu (T/h)